Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hội nghị tham vấn bảo hiểm Y tế cho Người khuyết tật

  • Thực hiện: Administrator
  • 28/08/2014
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1042

Ngày 28 tháng 8 năm 2014, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ quốc tế tổ chức Hội thảo tham vấn về Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với NKT

 

tại Khách sạn Quân đội, số 33C Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.

Tham gia Hội thảo ông Lê Tuấn Đống – Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế;

Ông Nguyễn Trung Thành – Phó phòng Chính sách xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH);

Ông Joel Niniger – Trưởng đại diện văn phòng khu vực châu Á của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế - Quỹ đặc biệt cho NKT (ICRC - SFD)…

Ngoài ra, còn có các đại biểu đến từ các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ cho NKT nói chung và lĩnh vực y tế, phục hồi chức năng cho NKT.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chia sẻ về “Tình hình thực hiện Luật Người khuyết tật Việt Nam” của ông Nguyễn Trung Thành và tóm tắt về 2 báo cáo nghiên cứu về “Đánh giá việc thực hiện Luật BHYT cho NKT trên địa bàn Tp. Hà Nội – 2014” của Hội phục hồi chức năng Việt Nam và “Bảo hiểm y tế cung cấp dịch vụ y tế cho NKT tại Đăk Lăk năm 2010” của Ủy ban y tế Hà Lan- Việt Nam.

Mục tiêu của hai nghiên cứu này nhằm tìm ra các rào cản trong việc phục hồi chức năng cho NKT, từ đó đưa ra các khuyến nghị để cải thiện tình hình.

Hội thảo nhận được nhiều chia sẻ và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Phần lớn các đại biểu đều nhất trí rằng các cơ sở y tế hiện nay chưa thực sự phù hợp với NKT như không có đường đi cho người ngồi xe lăn, không có người phiên dịch cho những người khuyết tật nghe, nói…

Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý về việc kỹ năng giao tiếp, làm việc của nhân viên y tế đối với NKT còn hạn chế. Bên cạnh đó, các thông tin về Bảo hiểm y tế không thường xuyên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, do đó một bộ phận NKT không biết về những chính sách này.

Đặc biệt, có 2 vấn đề quan trọng thu hút sự thảo luận của các đại biểu đó là: Thứ nhất, hiện nay theo quy định, chỉ có những NKT nặng và đặc biệt nặng mới được nhà nước cấp thẻ BHYT, vậy với những NKT nhẹ họ cũng không có điều kiện về kinh tế để đóng BHYT, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NKT cũng rất cao thì giải quyết như thế nào? Thứ 2, hiện nay nhiều dụng cụ hỗ trợ cho NKT như chân tay giả, xe lăn, nạng chống, nẹp, áy trợ thính…không có mặt trong danh mục các vật tư, thiết bị được BHYT chi trả, trong khi chi phí đó lại khá cao với NKT vì đa số NKT đều có điều kiện kinh tế khá khó khăn.

Trả lời những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, các chuyên gia của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận rằng hiện nay chưa có nhiều cơ sở y tế tiếp cận đối với NKT. Nhà nước cũng đang tiến hành cải tạo và xây dựng các cơ sở y tế có sự tiếp cận đối với NKT nên chắc chắn trong thời gian tới vấn đề này sẽ được cải thiện. Cuối Hội thảo, các đại biểu thảo luận vấn đề vận động chính sách để đưa dụng cụ hỗ trợ cho NKT vào danh mục được BHYT chi trả.

Các đại biểu đều đồng tình rằng, các dụng cụ hỗ trợ là rất cần thiết cho nhu cầu phục hồi chức năng của NKT, trong khi đó, nhìn chung NKT đều có thu nhập chưa cao nên gặp khó khăn khi chi trả cho các dịch vụ này. Một số đại biểu cũng cho rằng, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, họ cũng đã đưa các dụng cụ hỗ trợ, phục hồi chức năng cho NKT vào danh mục được BHYT chi trả, và chi phí này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí của Quỹ BHYT.

Chính vì vậy, việc đưa dụng cụ hỗ trợ cho NKT vào danh mục được BHYT chi trả là rất cần thiết và không ảnh hưởng quá lớn đến Quỹ BHYT. Với những ý kiến đóng góp xác đáng cũng như sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu và sự cố gắng, nỗ lực của ACDC và các tổ chức hỗ trợ NKT, hy vọng rằng trong thời gian tới, chính sách về BHYT đối với NKT sẽ có những cải thiện tích cực, giúp NKT ngày càng tiếp cận tốt hơn đối với các dịch vụ y tế nói chung và phục hồi chức năng nói riêng.


0 bình luận

Bình luận thêm