Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Khởi đầu mới, trải nghiệm Cao Bằng

  • Thực hiện: Huyền Trang
  • 03/08/2020
  • 8 Bình luận
  • Lượt xem: 2167

Vừa chân ướt chân ráo làm quen với nơi làm việc mới, công việc mới, đồng nghiệp mới được một tuần, tôi đã nhận nhiệm vụ đi công tác ở huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa), tỉnh Cao Bằng. Chuyến đi đầu tiên trong vị trí mới làm tôi khá bất ngờ.

Trước khi đi, đồng nghiệp của tôi “dọa” rằng trên đó không có nhiều khách sạn, nhà nghỉ như ở đồng bằng, điều kiện ăn nghỉ còn sơ sài và nhiều bất tiện nên tôi cũng lo lắng không biết mình có thích ứng được không. Tuy nhiên đến ngày lên đường, sự hồi hộp, phấn khởi, ngóng trông đã hoàn toàn xóa sạch nỗi lo lắng trong tôi. Đây là lần đầu tôi đến Cao Bằng và cũng là nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở nơi làm việc mới. Ô tô đưa tôi và các đồng nghiệp cùng đi trong chuyến công tác xuất phát từ Hà Nội ở thời điểm giữa trưa trong thời tiết nắng nóng oi bức. Với hành trình dài 240 km, chúng tôi đã đi qua những cung đường đẹp với những dãy núi lô nhô, xanh mát mắt, hai bên là những ruộng bậc thang, những cây ngô đồng đang mơn mởn bắp non. Ấn tượng nhất phải kể đến là những con đường đèo uốn lượn nối tiếp nhau tưởng như không dứt với Đèo Giàng, Đèo Gió, Đèo Ngân Sơn, Đèo Cao Bắc, Đèo Tài Sìn Hồ, lúc lúc lại làm người ngồi trong xe đổ nhào sang người bên cạnh như chơi trò lượn siêu tốc. Bởi thế mà Cao Bằng là tỉnh có nhiều con đèo hiểm trở, tuyệt đẹp đã đi vào huyền thoại qua lời miêu tả của các nhà văn, nhà thơ, làm “hút hồn” nhiều du khách muốn một lần được đến khám phá, chinh phục. Đây vừa là ưu điểm mà cũng là nhược điểm của cung đường này, đẹp nhưng ẩn chứa nhiều hiểm nguy, với những xe tải lớn di chuyển thường xuyên và là nỗi ám ảnh với những người bị say xe. Bằng chứng là trong nhóm chúng tôi đã có 1 người “lê-tê-phê” sau khi đi qua Đèo Gió, nhưng cũng thật may mắn khi anh lái xe đồng hành cùng chúng tôi là một người dày dặn kinh nghiệm nên cả đoàn đã đến nơi an toàn.

Chúng tôi đến được nhà nghỉ ở thị trấn Quảng Uyên khi thị trấn đã lên đèn. Không biết có phải do chuẩn bị tâm lý từ trước hay không, tôi cảm thấy điều kiện phòng nghỉ tốt hơn so với tôi đã tưởng tượng, phòng rộng rãi, sạch sẽ, chăn ga gối thơm phức mùi nước xả vải, chỉ có điểm trừ duy nhất là muỗi con nào con nấy to đùng. Ngày đầu tiên đặt chân đến Cao Bằng đã kết thúc bằng một “cuộc chiến không khoan nhượng” của bạn cùng phòng với lũ muỗi “khổng lồ”.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi ăn món phở vịt quay, được xem là đặc sản ở đây.Từng bát phở đầy ú ụ bánh phở được bưng ra, khởi đầu cho một ngày làm việc “ấm no”. Ăn xong bữa sáng, chúng tôi di chuyển về Phòng Giáo dục huyện, chính thức bắt đầu nhiệm vụ của chuyến công tác - tập huấn về giáo dục hòa nhập khuyết tật cho cha mẹ trẻ khuyết tật.

Đến nơi, các học viên đã đến đông đủ. Có những học viên đã rất lâu rồi mới được “đi học”, có những học viên lại là lần đầu được “đi học”. Câu chuyện tưởng như lời nói đùa với những người trưởng thành trong một nền giáo dục đầy đủ như tôi, nhưng lại là một sự thật hiển nhiên ở nơi đây. Qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu chúng tôi mới biết rằng, có khoảng 30% số học viên không đi học, 40% mới học hết tiểu học và 30% còn lại trình độ từ trung học trở lên. Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số, cũng đã tính đến tình huống trình độ nhận thức/học vấn của nhóm học viên còn rất thấp do đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, nhưng lòng tôi vẫn nao nao một nỗi buồn man mác...

Cảm nhận đầu tiên của tối về các học viên là họ còn khá rụt rè, chưa tự tin, thoải mái, cởi mở với mọi người xung quanh cũng như với chúng tôi. Tuy nhiên, họ cũng rất chân thành mộc mạc. Đặc biệt, trong lần tập huấn này, chúng tôi thấy có sự tham gia của những người cha, cho thấy vai trò của nam giới trong gia đình, họ đã cùng chia sẻ với người mẹ về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái. Đây là một điều rất hiếm thấy trong các lớp tập huấn ở miền núi, nơi tỉ lệ bất bình đẳng giới còn cao, hy vọng điều này sẽ ảnh hưởng tích cực tới các can thiệp của dự án trong thời gian tới tại địa phương.

Lớp tập huấn của chúng tôi có khoảng 20% học viên không hiểu tiếng Kinh, 30% cha mẹ chỉ hiểu một phần tiếng Kinh nên rất khó khăn trong quá trình trao đổi, thảo luận. Với những học viên không hiểu hoặc hiểu rất ít các nội dung giảng viên truyền đạt, chúng tôi đã phải tăng thêm thời gian giảng dạy và hỗ trợ rất nhiều để họ có thể nắm bắt được nội dung bài học. Tuy vất vả, nhưng nhìn thấy những nụ cười và nỗ lực của các học viên khi tham gia lớp học, chúng tôi thực sự cảm thấy xứng đáng. Có một chị người dân tộc Tày, dù nhà cách thị trấn gần 20km nhưng sáng vẫn đến lớp đúng giờ và mang theo một túi lớn toàn lá nếp cẩm tím làm quà cho chúng tôi.

Khép lại chuyến công tác đầu tiên ở Cao Bằng, trong tôi đọng lại nhiều cảm xúc, vui vì hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên một cách thuận lợi, nhưng xen lẫn trong đó là nỗi niềm trăn trở về những công việc có thể làm cho gia đình trẻ khuyết tật ở nơi đó để giúp cuộc sống của họ thay đổi tích cực hơn ở cương vị công tác mới của bản thân.

Một công việc mới, một khởi đầu mới ở một lĩnh vực hoàn toàn mới với tôi. Công việc nào, ngành nghề nào cũng có những trở ngại, khó khăn riêng như lãnh đạo mới của tôi vẫn hay nói: Công việc chúng tôi đang làm là “phá đá mở đường”, mình không làm thì còn ai làm.

Xin được kết bài bằng những vần thơ trong bài thơ “Mời anh về quê em” của tác giả Vũ Khánh Đông:

Mời anh về quê em Cao Bằng

Miền Biên cương chưa bao giờ anh tới

Một lần thôi em vẫn chờ vẫn đợi

Đợi anh về ngắm núi vươn trời xanh

Cao Bằng quê em mộc mạc chân thành.

 

Chị Nguyễn Huyền Trang là cán bộ dự án "Quyền học tập trẻ em" do ACDC thực hiện tại Cao Bằng và Bắc Kạn. Bài viết này là trải nghiệm của chị trong chuyến đi thực địa đầu tiên khi tham gia vào dự án.


8 bình luận

Hoa Đào
Ngày 06.08.2020 Trả lời
Cảm ơn sự trải nghiệm thú vị của bạn. Hy vọng bạn sẽ đồng hành cùng ACDC trên những chặng đường tiếp theo.
November
Ngày 05.08.2020 Trả lời
Đèo Tài Hồ Sìn chứ tác giả nhờ? Bài rất hay và giàu cảm xúc ❤️
Tác giả
Ngày 03.08.2020 Trả lời
Xin trân trọng cảm ơn 2 editors Ánh Ngọc và Phan Việt đã giúp mình đạt được 5 comments của người hâm mộ.
Anonymous
Ngày 03.08.2020 Trả lời
Từng cung đường, từng trải nghiệm mà chị Trang đi qua như hiện lên trước mắt người đọc. Xúc động quá!
Nguyễn Tú Khuyên
Ngày 03.08.2020 Trả lời
Nhờ bài Trang mà chắc sẽ có thêm nhiều bài nữa! Chờ
Bình luận thêm