Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hành trình “bắt gà”

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 31/08/2020
  • 1 Bình luận
  • Lượt xem: 1350

Thời gian trôi qua thật nhanh, vậy mà đã 5 năm tôi gắn bó với công việc vì người khuyết tật, nhiều người hỏi tôi rằng: “Tại sao có thể làm lâu như thế mà không thấy chán?”. Với tôi: “Mỗi ngày làm việc là một sự trải nghiệm thú vị và mỗi khi giúp đỡ được với một người hoặc một nhóm người khuyết tật tôi lại thấy mình sinh ra không phải không có ích.”

Suốt 5 năm ấy, hành trình đi “phá đá mở đường” của tôi và những cộng sự khó có thể một lời nói hết. Từ một nơi chúng tôi hay gọi là “vùng trắng” - không có bất kỳ hội, nhóm người khuyết tật nào, để rồi từng bước xây dựng lên một nhóm những người khuyết tật có đủ khả năng hòa nhập xã hội và tự hào nói rằng “chúng tôi là thành viên của câu lạc bộ người khuyết tật” đã là một bước tiến rất dài trong nhận thức của chính những người khuyết tật và cộng đồng tại nơi đây.

Ảnh: Người khuyết tật và các cán bộ ban ngành được nâng cao năng lực

Một sự kiện mà tôi nhớ nhất trong quá trình thực hiện dự án của mình là hành trình “đi bắt gà” - mô hình sinh kế hỗ trợ cho một số hộ gia đình người khuyết tật tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự hòa nhập của người khuyết tật vào xã hội - Chúng tôi có thể”, cũng là dự án đầu tiên của tôi ở vị trí điều phối. Vì đây là mô hình thí điểm nên dự án chỉ cho chúng tôi tổng số tiền là 20 triệu đồng để hỗ trợ tối thiểu 10 hộ gia đình có người khuyết tật, như vậy trung bình mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Tôi và các cộng sự đã trăn trở rất nhiều để suy nghĩ phương án khả thi với 20 triệu ấy, làm thế nào để đạt được mục đích nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật, làm sao để khi triển khai mô hình sinh kế người khuyết tật hoàn toàn có thể tham gia được và nâng cao tiếng nói của bản thân trong gia đình. Với sự hỗ trợ từ phía chuyên gia và chính quyền địa phương, chúng tôi đã đánh giá nhu cầu của các hộ gia đình có người khuyết tật, căn cứ vào điều kiện địa phương và cuối cùng lựa chọn mô hình chăn nuôi gà. Mô hình này vừa phù hợp với thể trạng của người khuyết tật, thời gian chăn nuôi ngắn, phù hợp với ngân sách và có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống.

Thế nhưng từ lý luận đến thực tiễn không bao giờ là dễ dàng, hàng loạt những vấn đề đặt ra buộc tôi phải đưa ra được biện pháp giải quyết: sẽ bắt giống ở đâu, cách chăn nuôi như thế nào để gà không bị dịch bệnh, làm sao để mọi người tập trung nuôi chứ không bỏ bê, sau khi gà nuôi lớn thì bán ở đâu?... Những vấn đề đó thực sự làm khó một con bé chỉ biết “ăn thịt gà” như tôi. Tôi đã tham khảo những người có kinh nhiệm và được cho rất nhiều lời khuyên, nhưng tôi vẫn xác định tại mỗi địa phương, mỗi con người khác nhau sẽ có những vấn đề khác nhau và chính tôi phải tìm ra được hướng đi cho riêng mình và cho những người khuyết tật tham gia mô hình.

Ảnh: Hành trình trèo đèo lội suối của các cán bộ và các hộ gia đình

Và đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi đã được gặp mặt và làm việc trực tiếp với hợp tác xã cung cấp giống gà Lạc Thủy. Sau khi trao đổi, tôi đã giải quyết được một số vấn đề về nguồn cung cấp giống, tiêm phòng gà và đầu ra cho mô hình nuôi. Ngoài ra, để đảm bảo việc chăn nuôi diễn ra đúng cách và bài bản, chúng tôi đã mở một khoá tập huấn hướng dẫn chăn nuôi gà, hạn chế bị bệnh, gà mau lớn. Tôi cũng đưa những thành viên cốt cán nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là những người đã từng học về thú y của câu lạc bộ người khuyết tật - nhóm do chính chúng tôi thúc đẩy và cùng người khuyết tật tại nơi đây gây dựng, đến quan sát và đốc thúc việc chăn nuôi của các hộ trong mô hình.

Sau khi xác định các vấn đề đều đã có phương án giải quyết, hành trình “bắt gà” của chúng tôi cũng bước vào giai đoạn “thực chiến”. Tôi nhớ, ngày ấy trời không nắng nhưng lại rất oi bức, báo hiệu có thể mưa bất cứ lúc nào. Sau khi căn dặn mọi người thời gian đi bắt gà thì tôi và cộng sự đi mua thùng carton để đựng gà. Thật may mắn, khi nghe chúng tôi chia sẻ về mô hình đang làm, cô bán hàng tốt bụng đã tặng luôn chúng tôi, dù số lượng thùng chúng tôi lấy rất nhiều.

Ảnh: Liệu nuôi gà có phải là hướng đi tốt cho người khuyết tật ở đây?

Chúng tôi đi lên chỗ hợp tác xã chăn nuôi gà cách trung tâm thị trấn 30km đường đèo và 40 phút đi ô tô. Gà được chăn nuôi trên đồi núi cao, chủ nhiệm hợp tác xã lý giải: Phải nuôi gà tách biệt với khu dân cư để tránh mùi, đồng thời tránh bị lây dịch bệnh từ chỗ khác. Để lấy được gà giống, chúng tôi bắt buộc phải đi bộ hoặc đi xe máy lên chỗ nuôi gà, cũng phải rất cẩn thận vì phải đi qua suối, đường trơn trượt do đường đất không được trải đá hay bê tông. Chúng tôi đội bìa carton lên đầu cho đỡ nặng rồi cứ thế trèo đèo lội suối. Cuối cùng, chúng tôi đã nhìn thấy những chú gà con lon ton với bộ lông xù bông như tơ, đang xúm xít kêu “chiếp chiếp”, bao nỗi mệt nhọc đều bay biến khi được chạm vào những “bạn nhỏ” đáng yêu này cùng nỗi niềm hào hứng đón các bạn về với những người chủ mới. Vậy là mỗi “chủ nhân” mới được đón 50 bạn gà con 21 ngày tuổi vào thùng carton để bắt đầu “hành trình về nhà”. Nhìn những nụ cười mãn nguyện của những “chủ nhân” mới - những người nông dân chân chất, chúng tôi thực sự cảm thấy chuyến đi trở lên ý nghĩa hơn, mọi nỗi vất vả của chúng tôi đều trở lên giá trị và xứng đáng!

Thế nhưng “hành trình về nhà” của những bạn gà con cũng không thuận lợi như mong muốn vì trời bắt đầu đầu tầm tã, mưa rất lớn khiến cả đoàn lo lắng cho quãng đường về nhà. Vì nếu gà con bị ướt, bị lạnh thì dễ dẫn đến cúm, mà chặng đường về nhà cũng không dễ đi. Ngồi chờ mưa trong lán, tôi chỉ cầu mong sao trời mau tạnh, cả đoàn về nhà an toàn, gà con sẽ sống tốt. Và rồi ông trời cũng mỉm cười với chúng tôi, mưa giảm dần, mọi người lần lượt ra về. Điều đáng tiếc là vẫn có hộ bị chết một số gà con do trong quá trình di chuyển, gà dẫm đạp lên nhau, nhưng thật may là đa số gà của các hộ đều sống sót.

Ảnh: Nụ cười vui sướng, mãn nguyện của người khuyết tật bên những chú gà con

Trong những ngày tiếp theo đó, các thành viên trong ban điều hành của câu lạc bộ đã tổ chức đi thăm các hộ chăn nuôi, theo dõi đàn gà, tất cả mọi người dồn hết sự tập trung chú ý vào đàn gà, phát hiện có dấu hiệu của bệnh là lập tức cho uống thuốc ngừa nên đàn gà các hộ đều được nuôi sống khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Khi gà được 4 tháng tuổi, nhiều hộ đã cho xuất chuồng bán và có lãi tốt, có thể tái đàn, nên mọi người cũng nhận thấy đây là một mô hình khả thi, phù hợp với người khuyết tật để cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình. Với mong muốn nhân rộng mô hình cho nhiều hộ gia đình có người khuyết tật trong câu lạc bộ, các hộ trong mô hình thí điểm đã trích một phần tiền lãi đóng góp vào quỹ câu lạc bộ để cùng nhau phát triển sinh kế cho các thành viên.

Giờ đây, mỗi lần quay lại vùng đất ấy để tiếp tục thực hiện các hoạt động khác hỗ trợ người khuyết tật, nhìn thấy từng đàn gà, từng giỏ trứng gà được vận chuyển xuống đến siêu thị, nhìn nụ cười rạng rỡ của những người khuyết tật, trong lòng tôi vẫn luôn có một niềm vui và tự hào nho nhỏ. Nơi đây, không chỉ chúng tôi là người đi “phá đá mở đường”, mà còn có chính những người khuyết tật, những người cán bộ, những người dân. Tôi thậm chí còn không thể biết hết tên đã cùng chúng tôi “phá đi” những “tảng đá” để tạo ra con đường cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Chặng đường sẽ còn rất dài, sẽ còn nhiều gian nan và cũng sẽ còn rất rất nhiều việc nữa cần làm để người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, nhưng tôi tin có một ngày chúng ta sẽ đến...

Ngô Thị Thu HằngChị Ngô Thị Thu Hằng là điều phối dự án “Tăng cường sự hòa nhập của người khuyết tật vào xã hội - Chúng tôi có thể” do ACDC thực hiện tại Cao Bằng và Bắc Kạn, đồng thời chị cũng là Cán bộ tư vấn của Phòng Luật - ACDC.

Chị là thành viên của ACDC kể từ năm 2015 và đã tham gia vào nhiều lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật như: Nghiên cứu, góp ý sửa đổi luật, chính sách liên quan đến người khuyết tật; Tư vấn pháp luật cho người khuyết tật; Thực hiện các hoạt động liên quan đến nâng cao năng lực, cải thiện sinh kế, giáo dục, phát triển hội/nhóm người khuyết tật;...

Sau 5 năm gắn bó cùng ACDC, chị Thu Hằng đã tạm khép lại chặng đường này để rẽ sang một chặng đường mới. Chúng tôi tin rằng, dù sau này chị ở trên cương vị nào, những giá trị mà chúng ta đã có sẽ vẫn luôn được tiếp nối và lan tỏa. ACDC luôn trân trọng và cảm ơn sự cống hiến, đóng góp của chị cho sự phát triển của ACDC nói riêng và cộng đồng người khuyết tật nói chung.

Chúc chị hạnh phúc và thành công ở chặng đường mới và có thêm nhiều thành tựu trong tương lai!

 


1 bình luận

Gà Chọi
Ngày 01.09.2020 Trả lời
Chắc hẳn chị Hằng còn có rất nhiều câu chuyện thú vị không chỉ liên quan đến gà :) Một chặng đường đã khép lại. Sau này, dù có ở đâu, làm nghề gì, hi vọng chị Hằng vẫn sẽ mãi ủng hộ và đồng hành vì người khuyết tật.
Bình luận thêm