Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Câu lạc bộ Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật Quận Thanh Khê, Điểm tựa cho các thành viên

  • Thực hiện: admin
  • 21/09/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2057

Xây dựng các câu lạc bộ dành cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là một trong các ưu tiên trong sáng kiến thúc đẩy giảm thiểu tình trạng bạo lực tình dục của dự án. Câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật quận Thanh Khê ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu được giao lưu, chia sẻ thông tin và giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Ngày 18 tháng 12 năm 2018, Câu lạc bộ chính thức ra mắt.  Sau khi Câu lạc bộ  được thành lập, Câu lạc bộ đã trở thành “ngôi nhà chung thứ 2” cho các chị em tại quận Thanh Khê sinh hoạt, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, và cũng là nơi mà các chị em được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Tại những chương trình sinh hoạt hằng tháng, Câu lạc bộ đã kết hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho chị em như: chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày người khuyết tật Việt Nam, Tết thiếu nhi cho con em các hội viên... Đặc biệt, cũng tại các buổi sinh hoạt, các chị em đã được chia sẻ thông tin về tình hình bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm giảm thiểu tình trạng này.

Để tiếp xúc gần gũi hơn với các hội viên, ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã không ngần ngại các khó khăn về đi lại, phương tiện di chuyển... để đến tận nhà các hội viên thăm hỏi, lắng nghe những chia sẻ của từng hội viên. Cũng thông qua hoạt động này, các hội viên càng thêm gắn kết với câu lạc bộ và đã mạnh dạn chia sẻ các câu chuyện bạo lực tình dục của mình cho ban chủ nhiệm. Những tâm tư, nguyện vọng của các hội viên đã được lắng nghe và hỗ trợ. Một số hội viên mong muốn được học nghề và đi làm cũng đã được hỗ trợ giới thiệu việc làm phù hợp. Một số khác chia sẻ chưa nhận được trợ cấp xã hội đã được Câu lạc bộ liên hệ với Phòng Lao động quận làm các thủ tục trợ cấp. Đặc biệt là các trường hợp chị em bị bạo lực tình dục, Câu lạc bộ đã tiến hành tư vấn, động viên tinh thần cho chị em và kết nối với các cơ quan trong mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại địa phương để có những hỗ trợ kịp thời cho các chị em.

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã chủ động liên lạc, kết nối với các cơ quan chức năng để tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Đặc biệt tại các diễn đàn cấp địa phương và cả cấp quốc gia, Câu lạc bộ đã tự tin, mạnh dạn nói lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại địa phương, trực tiếp đối thoại với các cơ quan chức năng về các vấn đề bạo lực tình dục nhằm bảo vệ quyền hợp pháp của mình.

Chị Nguyễn Thị Hạnh chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Những ngày đầu tiên vận động chị em khuyết tật trên địa bàn tham gia Câu lạc bộ, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi vì những nguyên nhân khác nhau. Khi tìm đến được nhà thì thuyết phục chị em khuyết tật và gia đình để cho chị em tham gia vào câu lạc bộ cũng không hề dễ dàng. Bởi vì tâm lý trốn tránh, tự ti, mặc cảm về khuyết tật của bản thân nên có nhiều chị, em khuyết tật sống lầm lũi trong gia đình, không dám bước ra ngoài xã hội. Chứng kiến những câu chuyện đó, chúng tôi vừa buồn và vừa thôi thúc cần phải cố gắng thuyết phục và động viên hơn nữa để bản thân các chị em khuyết tật và gia đình hiểu được rằng: những khuyết tật dù có gây ra bao nhiêu khó khăn cho chúng ta, nhưng cũng không đáng sợ bằng việc chúng ta đầu hàng và buông bỏ. Tham gia và hòa nhập với xã hội là cách mà chúng ta làm cho cuộc sống của chính mình trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn.”

Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được 60 thành viên và thực sự trở thành ngôi nhà chung của các chị em phụ nữ khuyết tật quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Nguồn: Khi sự im lặng lên tiếng


0 bình luận

Bình luận thêm