Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cùng hợp tác vì mục tiêu chung

  • Thực hiện: Cẩm Tú
  • 30/12/2019
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 772

Dự án “Tăng cường hợp tác – Xóa bỏ rào cản” là dự án hướng đến nâng cao năng lực cho các tổ chức của thanh niên về việc bao gồm thanh niên khuyết tật vào các hoạt động của thanh niên ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, từ đó tăng cường sự tham gia tích cực và bền vững của thanh niên và thúc đẩy hợp tác bền vững giữa các tổ chức phi chính phủ. Dưới sự tài trợ của Chương trình Erasmus+ của Liên minh châu Âu, bốn tổ chức phi chính phủ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Slovenia và Indonesia sẽ cùng nhau hợp tác và thực hiện các hoạt động của dự án.

Trung tâm phát triển Hiệp hội người khuyết tật và gia đình người khuyết tật (EBAGEM) – Thổ Nhĩ Kỳ

Trung tâm phát triển Hiệp hội Người khuyết tật và gia đình người khuyết tật là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 2014 tại Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ.

Các hoạt động của EBAGEM hướng đến các nhóm đối tượng là gia đình có người thân là người khuyết tật, cá nhân khuyết tật và các nhóm yếu thế khác như thanh niên, phụ nữ và thanh niên di cư nhằm nâng cao sự tham gia tích cực của họ vào cộng đồng, nâng cao năng lực về nghề và các vấn đề cá nhân. EBAGEM tạo ra các cuộc đối thoại và diễn đàn giữa các nhóm đối tượng khác nhau và các tổ chức phi chính phủ để cung cấp giải pháp cho các vấn đề xã hội mà người khuyết tật và gia đình của họ đang thường xuyên phải đối mặt.

Trung tâm Hành đông vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) – Việt Nam

Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng là một tổ chức phi chính phủ địa phương làm việc vì và của người khuyết tật Việt Nam.

Trung tâm chính thức có quyết định phê duyệt thành lập theo quyết định số 857/QĐ-TWH trực thuộc Trung ương Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam và được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho phép hoạt động kể từ 27/12/2011.

Đến hết năm 2025, ACDC phấn đấu trở thành tổ chức tiên phong tại Việt Nam về vận động chính sách dành cho người khuyết tật và dẫn đầu mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật (DPO).

Viện Giáo dục và Hòa nhập (ODTIZ) – Slovenia

Viện Giáo dục và Hòa nhập được thành lập với mục đích cung cấp những cơ hội nhằm thúc đẩy người khuyết tật với những dạng tật khác nhau, đặc biệt là thanh thiếu niên, có cuộc sống tích cực hơn. Viện chủ yếu tập trung vào hình thức giáo dục và đào tạo không chính quy cho người khuyết tật, hỗ trợ họ phát triển kiến thức và kĩ năng và thực hiện những ý tưởng. Tại địa phương, ODTIZ nỗ lực cung cấp khóa đào tạo và giáo dục cho người khuyết tật và không khuyết tật, tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực vào lĩnh vực thể thao, nghệ thuật và văn hóa. Điều này rất quan trọng đối với sự tăng trưởng chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

Tầm nhìn của ODTIZ là hướng đến xây dựng một xã hội hòa nhập, trong đó người khuyết tật được tham gia một cách bình đẳng vào tất cả các hoạt động thể thao, văn hóa và giáo dục.

Perkumpulan Difabel SEHATI Sukoharjo (SEHATI) - Indonesia

SEHATI Sukoharjo là một tổ chức phi chính phủ ở huyện Sukoharjo của Java, Indonesia, được thành lập năm 1997 bởi các thành viên của một xưởng may dành cho người khuyết tật. Mục tiêu của tổ chức là thúc đẩy tính độc lập và xây dựng tính cách của người khuyết tật để họ có thể tham gia vào sự phát triển của cộng đồng nơi mình sinh sống.

Trẻ em khuyết tật ở Sukoharjo cũng là một trong những đối tượng hưởng lợi trọng tâm của tổ chức. SEHATI đã phát triển mô hình Câu lạc bộ hòa nhập sử dụng các nguồn lực hiện có của địa phương để hỗ trợ trẻ em khuyết tật ở các làng quê nông thôn. Câu lạc bộ hòa nhập tập hợp các cán bộ thôn bản, các chuyên gia y tế và giáo dục, trẻ em khuyết tật và gia đình của họ để xây dựng năng lực và trao đổi kỹ năng, chẳng hạn như các liệu pháp đơn giản và các bài tập giáo dục, để các gia đình có thể hỗ trợ con em mình tại nhà.


0 bình luận

Bình luận thêm