Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An

  • Thực hiện: Trần Nhung
  • 06/10/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 908

Ngày 02/10/2020, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An và Hội người khuyết tật tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An” tại thành phố Vinh.

Hội thảo nhằm chia sẻ về tình hình thực tiễn và kinh nghiệm trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An, từ đó đưa các giải pháp nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật về bạo lực giới. Chương trình có sự tham gia của 55 đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành như: Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội,  Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Hội người mù, Công an tỉnh Nghệ An; các văn phòng luật sư… cùng đông đảo người khuyết tật, gia đình người khuyết tật và các cơ quan thông tấn báo chí.

Trong bài trình bày mở đầu, TS. Tạ Thị Minh Lý - Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp đã giới thiệu các chính sách và khung pháp luật liên quan đến bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật,  nạn nhân bạo lực gia đình có quyền yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời, có quyền được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật và những hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng được lắng nghe các bài trình bày về thực tiễn, kinh nghiệm trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An của ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An và Luật sư Lê Hải Yến - Trưởng phòng Luật, ACDC. Qua đó có thể thấy việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới trong địa bàn tỉnh đang là vấn đề rất được quan tâm, tuy nhiên, việc thực hiện cũng còn gặp nhiều thách thức. Những trở ngại này bắt nguồn từ công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, các quy định của pháp luật về hành vi bạo lực đối với người khuyết tật còn chưa cụ thể… Bên cạnh đó, tâm lý e ngại, tự ti, muốn giấu kín vụ việc của chính nạn nhân cũng tác động khiến việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Các đại biểu đã cùng đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy  việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới, bao gồm: tăng cường phổ biến, tuyên truyền phòng chống bạo lực giới; linh động, phản ứng nhanh trong các trường hợp phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới. Đặc biệt là tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các tổ chức chính trị, xã hội như Hội người khuyết tật, Hội phụ nữ và Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Để thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An đã khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn sẽ đồng hành cùng tất cả mọi người. Trong số 14 nhóm đối tượng mà chúng tôi làm việc cùng thì có nhóm đối tượng là người khuyết tật cũng là đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí.”

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An” do ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) từ tháng 08/2019. Đến tháng 09/2020, dự án đã tư vấn pháp luật được cho 438 người khuyết tật trên địa bàn, trong đó có 07 trường hợp liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Ngoài ra, dự án còn tổ chức 03 khóa tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật và gia đình họ trong việc ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và 01 khóa tập huấn về kỹ năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật dành cho các cán bộ địa phương.


0 bình luận

Bình luận thêm