Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Để không một ai bị bỏ lại phía sau

  • Thực hiện: admin
  • 25/05/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2505

Khuyết tật nghe nói là một dạng khuyết tật vô hình vì nhìn bên ngoài rất khó để nhận ra sự khác biệt giữa người điếc với những người khác. Chính vì lý do này mà những khó khăn họ phải đối mặt không được đánh giá một cách đúng mức và thường bị lờ đi. Cả nước chỉ có 2 cơ sở giáo dục cung cấp chương trình đào tạo trung học phổ thông dành cho học sinh điếc tại Hà Nội và Đồng Nai, và chỉ duy nhất các cơ sở này có sử dụng phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp trong quá trình giảng dạy. Ở những vùng sâu vùng xa lại càng khó khăn hơn, khi học sinh điếc không được tiếp cận Ngôn ngữ ký hiệu, giáo viên thì thiếu kiến thức cần thiết để can thiệp hiệu quả cho trẻ. Xã hội không giao tiếp được với người điếc, họ cũng chẳng thể chia sẻ, nói chuyện được với ai, gia đình hoặc là thờ ơ hoặc là do quá lo lắng mà vô tình tước đoạt quyền tự do đi lại hoặc hôn nhân của họ.

Việc người điếc không tiếp cận được tới giáo dục và thông tin truyền thông khiến họ mất đi năng lực tự phòng vệ trước các xâm hại về quyền. Thế nào là quyền được đi học, quyền được có việc làm, quyền tự do tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, quyền tự định đoạt các vấn đề trong cuộc sống? Họ hoàn toàn chẳng có khái niệm gì về những vấn đề đó và cũng chẳng hiểu chúng sẽ giúp ích gì cho cuộc đời của họ. Người điếc cứ thế quanh quẩn với nhau, gần như bị cô lập và sống tách biệt với cộng đồng.

Nhận biết được thực tế này, dự án đã rất nỗ lực để đưa các thông tin về quyền và chính sách pháp luật tới gần hơn với cộng đồng người điếc. Trong các hoạt động, mỗi lần hình ảnh người phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu xuất hiện là công chúng biết ở đó có sự hiện diện của các đại biểu người điếc. Khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam người điếc tham gia sôi nổi và hào hứng trong các khóa tập huấn giảng viên nguồn, chia sẻ những câu chuyện theo cách hóm hỉnh và vô tư rất riêng. “Ban đầu tôi không hiểu mình tham gia hoạt động gì, chỉ biết đến đó sẽ có phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu nên chúng tôi sẽ hiểu và học được thêm điều mới” – Phạm Anh Duy, giáo viên trường dạy trẻ câm điếc Nhân Chính chia sẻ về kỷ niệm lần đầu tham dự khóa tập huấn về Công ước. Theo anh, những cơ hội để tiếp cận thông một cách thuận lợi như vậy rất hiếm và rất quý, nó đặc biệt giúp người điếc nhận ra mình đang đứng ở vị trí nào trong xã hội và thúc đẩy niềm tin vào khả năng thành công của bản thân. “Tôi vỡ ra được nhiều điều, hiểu rõ hơn các quyền của bản thân. Đó là những nội dung rất bổ ích mà tôi thấy cần phải được học thêm nữa thì mới giúp cải thiện năng lực, giúp mình tự tin, hiểu biết hơn” – anh bày tỏ.

Những giảng viên người điếc sau khi hoàn thành khóa học đều tích cực tổ chức các buổi tập huấn cho thành viên các câu lạc bộ người điếc trên cả nước. Họ tự thiết kế nội dung, liên hệ học viên và tổ chức triển khai chương trình dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của ACDC. Nội dung giảng dạy tập trung giới thiệu các quyền quan trọng và cung cấp ví dụ làm rõ những khái niệm mà trước nay người điếc chưa từng biết đến. Nói về cảm xúc của mình khi giảng dạy trực tiếp cho những người đồng cảnh, chị Thanh Hương, thành viên câu lạc bộ người điếc Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi cố gắng sử dụng nhiều phương pháp trực quan sinh động phù hợp với cách tiếp thu thông tin của người điếc để tạo sự hứng khởi cho học viên. Mỗi lần có học viên mạnh dạn đứng dậy, tự tin phát biểu đều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.” Chỉ khi những người điếc hiểu được quyền của họ, được trang bị những kỹ năng phản ứng cần thiết, cùng sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ các tổ chức xã hội thì lúc đó họ mới có cơ hội cất lên tiếng nói để bảo vệ bản thân và các thành viên yếu thế khác của cộng đồng, và nhờ có như vậy sẽ không một ai còn bị bỏ lại phía sau.


0 bình luận

Bình luận thêm