Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Caritas: Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập xã hội

  • Thực hiện: Thanh Phương
  • 08/05/2014
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1148

Thăm khám, kiểm tra khả năng của trẻ em khuyết tật từ độ tuổi 0 - 10 tuổi để tìm cách giúp các em có thể hòa nhập xã hội. Đây là một trong hợp phần của Dự án Tăng cường quan hệ đối tác giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao tiếp cận giáo dục cho trẻ em khuyết tật do tổ chức Caritas Thụy Sĩ tài trợ sẽ được tiến hành từ năm 2014-2017 tại Hà Nội.

8h sáng ngày 8/5, tại Trạm y tế xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn rất nhiều các bé khuyết tật cùng người nhà đã có mặt để chuẩn bị cho buổi Kiểm tra sức khỏe hàng năm, phân loại và xây dựng kế hoạch can thiệp cho trẻ khuyết tật.

Khám bệnh cho trẻ em tại xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội.

Ngồi ở góc ghế cuối của dãy hành lang là người mẹ gày guộc mặc chiếc áo đen, đôi mắt thâm quầng bế đứa con bé nhỏ với khuôn mặt trầy xước, vô hồn. Đó là bé Đỗ Thanh Hải (3 tuổi). Mẹ Hải kể: Bố cháu vừa bị mất do xơ gan cách đây 6 ngày. Hải sinh ra đã bị nhiễm sắc thể, tim bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Bây giờ 3 tuổi nhưng chưa biết nói, chưa biết làm gì. Mong muốn của mẹ Hải tìm cơ hội chữa bệnh cho con và giúp con có cơ hội tiếp cận xã hội khi điều kiện gia đình rất khó khăn.

Buổi kiểm tra sức khỏe gồm có hai phần dành cho y tế và giáo dục. Các bé được các bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn khám tổng thể và sau đó được các cô giáo ở Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam kiểm tra khả năng tiếp nhận, giao tiếp xã hội. Sau khi có kết quả khám bệnh, dự án sẽ có các hoạt động can thiệp để hỗ trợ cho các cháu như đưa đến cơ sở y tế gần nhất để phục hồi chức năng, đào tạo cho bố mẹ về cách chăm sóc trẻ, đào tạo cho giáo viên về phương pháp giảng dạy trẻ khuyết tật...

Bà Lê Thị Thanh Mai, giám đốc chương trình Bình đẳng xã hội, tổ chức Caritas cho biết, Dự án Tăng cường quan hệ đối tác giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao tiếp cận giáo dục cho trẻ em khuyết tật do tổ chức Caritas Thụy Sĩ tài trợ sẽ được tiến hành từ năm 2014-2017. Nhóm đối tượng hưởng lợi dự án là 500 trẻ em khuyết tật tại Hà Nội hiện đang sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội. Bên cạnh đó là 10 trường mầm non, tiểu học; 100 giáo viên và 1.000 cha mẹ trẻ em khuyết tật trên địa bàn thực hiện dự án.

Dự án sẽ xây dựng kế hoạch hành động chung về phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được soạn thảo và thực hiện với sự tham gia của các bên liên quan. Nâng cao năng lực và mạng lưới Hội Người khuyết tật Hà Nội có khả năng vận động và tham gia cung cấp dịch vụ về phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập; nhận thức của các bên liên quan và công chúng nói chung về quyền được giáo dục của trẻ em và vai trò của các tổ chức xã hội nâng cao...

Tham gia buổi kiểm tra cho trẻ khuyết tật, cô Phạm Thị Trang, giáo dục trẻ khiếm thính, Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt cho biết, nhiều trường hợp các bé có khả năng nhận thức được nếu gia đình có sự can thiệp kịp thời. Đơn cử như trường hợp của Ngô Văn Tịnh (5 tuổi), sau khi kiểm tra khả năng nhận biết, cô Trang thấy Tịnh có khả năng học ngôn ngữ ký hiệu rất nhanh và khuyên gia đình nên sớm đưa Tịnh đến học tại những trung tâm dành cho trẻ khuyết tật để giúp em có khả năng tiếp cận xã hội. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn của bà ngoại Tịnh là gia đình làm gì có tiền đóng tiền học cho cháu.

Theo bác sĩ Đinh Trọng Phụng (trạm y tế xã Phù Linh, Sóc Sơn) việc đánh giá thực sự tình trạng bệnh của những người khuyết tật khó và phức tạp với chi phí tương đối cao. Vì vậy, chính quyền các xã, huyện ngoại thành cần có cơ chế hỗ trợ người dân nghèo kịp thời từ nhà nước, từ các tổ chức, vừa giúp đỡ về kiến thức, vừa giúp đỡ về kinh tế để những gia đình khó khăn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh tốt, trẻ em nông thôn không bị quá thiệt thòi như trẻ em thành phố.

"Tôi biết, đã có rất nhiều dự án của các tổ chức giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Nhưng tôi nghĩ rằng điểm khác biệt của dự án này đó là sự tham gia của Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam để xem khả năng tiếp cận giáo dục, các hoạt động xã hội của trẻ khuyết tật như thế nào. Dự án của chúng tôi cũng sẽ tính toán có những can thiệp sớm cho các em học sinh. Dự án sẽ chú tâm vào việc đào tạo giáo viên quản lý trẻ khuyết tật. Chính giáo viên sẽ là những người có thể lập kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ, theo dõi từng trẻ khuyết tật trong quá trình các em tham gia học tập. Hi vọng quyền tiếp cận các hoạt động xã hội và các dịch vụ giáo dục cho trẻ khuyết tật sẽ được nâng cao", bà Mai nói.


0 bình luận

Bình luận thêm