Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Ngày quốc tế về ngôn ngữ kí hiệu, 23/09/2019

  • Thực hiện: Nguyệt Hà
  • 26/09/2019
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 4122

Tổng thư ký Liên hợp quốc – Antonio Guterres – đã chia sẻ: “Việc ra đời Ngày ngôn ngữ kí hiệu quốc tế đã ghi nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ kí hiệu vì những mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện đúng cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau. Sự kiện này cũng đưa ra những cơ hội nhằm hỗ trợ và bảo vệ tính đồng nhất của ngôn ngữ và tính đa dạng văn hóa cho nhiều người sử dụng ngôn ngữ khác nhau”

Theo Liên đoàn người Điếc Thế giới (WFD), hiện có khoảng 72 triệu người điếc trên toàn thế giới, hơn 80% trong số họ đang sống tại các nước đang phát triển. Theo thống kê, họ đang sử dụng hơn 300 ngôn ngữ kí hiệu khác nhau.

Ngôn ngữ kí hiệu có đầy đủ các yếu tố giao tiếp tự nhiên và cấu trúc rõ ràng như ngôn ngữ nói. Hiện nay ngôn ngữ kí hiệu quốc tế được sử dụng thường xuyên trong các cuộc họp quốc tế và trong sinh hoạt hàng ngày như khi đi du lịch và trong các hoạt động xã hội thông thường. Có ý kiến cho rằng việc diễn đạt các thuật ngữ của ngôn ngữ kí hiệu là không phức tạp và nguồn từ vựng có hạn chế nhất định.

Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật đã công nhận sự tồn tại của ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời cũng nhấn mạnh cần thúc đẩy việc sử dụng hình thức ngôn ngữ này. Theo nội dung công ước, ngôn ngữ ký hiệu hoàn toàn bình đẳng với các loại ngôn ngữ khác. Nhiệm vụ của chính phủ các nước là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học ngôn ngữ ký hiệu và thúc đẩy bản sắc ngôn ngữ của người điếc.

Hội đồng Liên hợp quốc cũng đã lấy ngày 23/09 hàng năm là Ngày ngôn ngữ kí hiệu quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ kí hiệu trong việc công nhận đầy đủ các quyền con người của cộng đồng người điếc.

Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế ngôn ngữ kí hiệu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 với chủ đề: “Ngôn ngữ kí hiệu, tất cả cùng hòa nhập”.

Những nỗ lực nhằm thành lập Ngày quốc tế ngôn ngữ kí hiệu này đã ghi nhận những bước tiến đầu tiên trong việc đưa ngôn ngữ kí hiệu vào đời sống, bao gồm cả việc đưa ngôn ngữ này vào các chương trình giáo dục, đây cũng là bước quan trọng cho việc phát triển và nâng cao vị thế của người điếc nhằm đạt được những mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế đã đề ra. Động thái này cũng ghi nhận việc bảo vệ ngôn ngữ ký hiệu là một phần của nhiệm vụ bảo tồn sự đa dạng của ngôn ngữ và văn hóa... Đồng thời nhấn mạnh và khẳng định nguyên tắc: “không có gì về chúng tôi mà không có chúng tôi” khi làm việc với cộng đồng người điếc.

  

Chủ đề 2019: Ngôn ngữ ký hiệu cho mọi người

Chủ đề chính của Ngày Quốc tế ngôn ngữ kí hiệu 2019 là: “Ngôn ngữ ký hiệu cho mọi người”, và trong Tuần lễ người điếc, mỗi ngày sẽ có những chủ đề riêng như sau:

  • Thứ 2: Ngày 23/9 - Ngôn ngữ ký hiệu cho mọi người
  • Thứ 3: Ngày 24/9 - Ngôn ngữ ký hiệu cho tất cả trẻ em
  • Thứ 4: 25/9 - Ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc lớn tuổi.
  • Thứ 5: 26/9 - Ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc mù và người điếc.
  • Thứ 6: 27/9 - Ngôn ngữ ký hiệu cho phụ nữ điếc.
  • Thứ 7: 28/9 - Ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc LGBTIQA+
  • Chủ nhật: 29/9 - Ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc tị nạn

Thu Trang (Biên dịch)

Nguồn: https://www.un.org

 


0 bình luận

Bình luận thêm