Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hiểu và điều chỉnh tạo nên thành công lớn

  • Thực hiện: Nhung Trần
  • 28/09/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1886

Nhóm phụ nữ và trẻ em gái Điếc TP Vinh là một bộ phận thuộc Câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Nghệ An. Nhóm được thành lập dựa trên nhu cầu các chị em phụ nữ Điếc muốn có một sân chơi riêng để chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng ở mọi lĩnh vực bằng ngôn ngữ ký hiệu của chính mình. Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An” ngay từ những ngày đầu triển khai dự án nhóm phụ nữ và trẻ em gái Điếc đã luôn là nhóm đối tượng được đặc biệt quan tâm.

Nhóm phụ nữ điếc tại Nghệ An có kiến thức hạn chế hơn các dạng tật khác đồng thời các chị em lại sử dụng đa dạng các ngôn ngữ ký hiệu (ngôn ngữ ký hiệu đời sống và ngôn ngữ ký hiệu trong trường học), đặc biệt có những phụ nữ điếc chưa từng biết đến ngôn ngữ ký hiệu. Bên cạnh đó, đội ngũ phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu ở Nghệ An còn thiếu và yếu, không đáp ứng được nhu cầu phiên dịch của học viên trong các lớp tập huấn. Tất cả những yếu tố tố này đã khiến cho việc tiếp cận thông tin của phụ nữ điếc gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Những khóa tập huấn đầu tiên, nhiều học viên là người điếc thể hiện sự buồn chán, nản lòng vì không theo kịp bài học và các hoạt động chung trong lớp. Những điều chỉnh kế hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế đã được thảo luận và đưa ra ngay sau đó. Khởi đầu từ nâng cao kỹ năng cho đội ngũ phiên dịch địa phương bằng việc mời phiên dịch địa phương phiên dịch các hoạt động thông thường trong dự án để các phiên dịch có cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ ký hiệu đời sống nhiều hơn. Với những hoạt động đòi hỏi kỹ năng dịch chuyên sâu hơn, dự án sử dụng phiên dịch được đào tạo và có kinh nghiệm ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh. Sự thay đổi này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực giúp học viên người điếc tiếp thu kiến thức đúng và đầy đủ hơn đồng thời các giảng viên là người nghe cũng dễ dàng giao tiếp hơn với các học viên điếc.

Phiên dịch nhiều kinh nghiệm ở tp. Hồ Chí Minh đang phiên dịch trong Tập huấn nhóm phụ nữ khuyết tật nòng cốt

Để thực sự giảm thiểu các vụ việc bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thì việc quan trọng cần phải làm là tăng cường năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái là người Điếc. Chính vì vậy, tập huấn chuyên sâu về ngôn ngữ ký hiệu trong lĩnh vực bạo lực giới cho nhóm phụ nữ Điếc nòng cốt đã được dự án chú trọng triển khai. Giảng viên chính trong lớp tập huấn này là chị Bùi Thị Thanh Hương - một phụ nữ điếc có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy tập huấn liên quan đến bạo lực giới. Bên cạnh việc được dạy và học bằng ngôn ngữ kí hiệu thì các yếu tố về văn hoá người Điếc cũng được lồng vào trong suốt khoá tập huấn. Nếu như trước đó các học viên chưa hiểu rõ về các khái niệm giới-giới tính; định kiến, bất bình đẳng, bạo lực giới… thì đến khi kết thúc tập huấn các học viên đã hiểu và nhận ra về những định kiến và những sự bất bình đẳng ngay trong gia đình, trường học và ở nơi làm việc của mình.

Học viên người điếc tích cực tham gia các hoạt động trong tập huấn Bồi dưỡng ngôn ngữ ký hiệu trong lĩnh vực bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

Bạn Nguyễn Thị Linh chia sẻ trong lớp tập huấn: “Em rất vui vì được tham gia lớp này. Giảng viên là người điếc nên đã sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp. Học rất vui. Sau khóa này, em tự tin truyền đạt lại kiến thức đã học cho người điếc khác.” Và đúng như cam kết, sau khi kết thúc khóa tập huấn, Linh và các bạn trong nhóm đã tự tổ chức lại buổi chia sẻ kiến thức về bạo lực giới đối với phụ nữ điếc cho các bạn khác trong Câu lạc bộ người Điếc tỉnh Nghệ An. Buổi chia sẻ đã thu hút đông đảo các bạn Điếc tham gia.

Đặc thù về dạng tật và ngôn ngữ của phụ nữ điếc cũng là một trong số những yếu tố làm gia tăng khó khăn khi tổ chức các hoạt động chung với phụ nữ và trẻ em gái các dạng khuyết tật khác. Vì vậy, dự án đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tổ chức các buổi tư vấn đồng cảnh riêng cho nhóm người Điếc mà không tổ chức cùng các dạng tật khác. Nhờ đó, trong không khí thân tình của những người đồng cảnh, đồng dạng tật và ngôn ngữ, các chị em phụ nữ điếc đã cởi mở chia sẻ hơn, nhiều trường hợp đang bị bạo lực giới cũng được kịp thời phát hiện và hỗ trợ. Chị H, 21 tuổi trong buổi tư vấn đồng cảnh đã chia sẻ: “Chị hay bắt gặp những ánh mắt không lịch sự của những người đàn ông, họ nhìn chị như nhìn một món hàng rồi bình phẩm, cười cợt. Chị rất khó chịu nhưng không thể nghe được họ đang nói về vấn đề gì nên cũng không biết phản ứng như thế nào, đành lặng lẽ bỏ đi và suốt ngày hôm ấy cứ buồn mãi.”

Buổi tư vấn đồng cảnh dành riêng cho phụ nữ điếc ở TP Vinh

Những câu chuyện như thế này đã trở thành bài học kinh nghiệm, là câu chuyện để các chị em phụ nữ điếc cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, từ buổi tư vấn đồng cảnh như thế này, nhóm phụ nữ điếc nòng cốt đã mạnh dạn, chủ động hơn trong việc lên chương trình, kế hoạch hoạt động, nâng cao kỹ năng tổ chức, điều hành buổi họp.

Hiểu rõ đặc thù về dạng tật, về nhóm đối tượng và thay đổi kịp thời để tạo nên sự khác biệt là một bài học được rút ra trong suốt quá trình triển khai dự án. Có rất nhiều những thay đổi tích cực trong từng cá nhân và cả phong trào của nhóm phụ nữ Điếc là điểm giúp tạo nên thành công chung của toàn dự án. Sự thay đổi này là tiền đề vững chắc cho việc giảm thiểu các trường hợp bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ gái khuyết tật nói chung và phụ nữ, trẻ em gái điếc nói riêng.


0 bình luận

Bình luận thêm