Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Niềm vui năm mới

  • Thực hiện: Huyền Trang
  • 10/01/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1795

Những ngày cuối năm Canh Tý 2020, khi mọi người hân hoan chuẩn bị đón năm mới thì gia đình chị Long Thị Thương ở thôn Lũng Sặp, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cũng đón nhận niềm vui riêng, khi hành trình xin học bổng dành cho học sinh khuyết tật của con gái chị đã có kết quả tốt đẹp.

Chị Long Thị Thương (35 tuổi) là người dân tộc Tày, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo ở xã Quốc Toản. Con gái chị, Lương Hạnh Giang, sinh năm 2016, được xác định bị bệnh tan máu bẩm sinh. Giang đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật, với mức độ khuyết tật nặng và thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 540.000 đồng. Số tiền tuy không lớn, nhưng cũng giúp đỡ đần gia đình chị Thương được phần nào trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác của bé Giang.

Ảnh 1: Khu nhà chị Thương, Hạnh Giang và gia đình sinh sống tại thôn Lũng Sặp, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, ngày 16/4/2021 - Ảnh chụp bởi Phan Ngọc Việt, cán bộ ACDC

Tháng 10/2020, chị Thương được tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến và tư vấn các chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, chính sách học bổng cho học sinh khuyết tật và tham gia học hòa nhập dành cho cha mẹ trẻ khuyết tật trên địa bàn dự án tỉnh Cao Bằng. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Quyền học tập của em” – (VN04-035) do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp cùng Văn phòng dự án ChildFund tại Cao Bằng và Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Quảng Hòa triển khai. Nhờ tham gia các hoạt động này, chị Thương đã biết được các quy định, chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật và trẻ khuyết tật đang đi học, đặc biệt là chính sách học bổng, hỗ trợ chi phí mua sắm đồ dùng học tập dành cho trẻ khuyết tật mà trước đây chị chưa được được biết. Cũng nhờ đó, chị Thương đã biết được các dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật và các mức hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tương ứng với dạng và mức độ khuyết tật.

Ảnh 2: Hạnh Giang tươi cười khi được nhận quà tại nhà, thôn Lũng Sặp, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, ngày 16/4/2021 - Ảnh chụp bởi Phan Ngọc Việt, cán bộ ACDC

Sau buổi phổ biến và tư vấn chính sách đó, chị Thương đã chủ động tìm hiểu thêm thông tin và gọi điện cho phòng Luật của ACDC[1] xin tư vấn các nội dung liên quan đến chính sách học bổng hỗ trợ học tập cho trẻ khuyết tật. Cán bộ tư vấn của ACDC đã tìm hiểu, thông tin và tư vấn cho chị Thương về nguyên tắc hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi nói chung, điều kiện được hưởng học bổng hỗ trợ học tập theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC[2] (người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở, tương đương 1.192.000 đồng/ tháng). Nhận thấy con gái đủ điều kiện nhận học bổng hỗ trợ học tập, chị đã nhờ ACDC tư vấn tiếp về quy trình làm hồ sơ để nhận hỗ trợ này của Nhà nước. Nhờ thông tin tư vấn và hướng dẫn cụ thể về quy trình làm hồ sơ từ cán bộ ACDC, chị Thương đã gặp và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường về chính sách này để tiếp tục được hỗ trợ. Qua đó, Hội đồng trường đã hướng dẫn gia đình hoàn chỉnh hồ sơ, các thủ tục cần thiết theo quy định.

Đến tháng 01/2021, hồ sơ xin học bổng cho cháu Giang được chấp thuận như món quà năm mới lớn nhất tới gia đình chị Thương, mỗi học kỳ Giang được nhận học bổng trị giá 5.268.000 đồng. Trong suốt quá trình hoàn thiện thủ tục xin học bổng, bên cạnh sự chủ động của chị Thương và hỗ trợ tư vấn kịp thời từ ACDC, gia đình chị luôn nhận được sự hỗ trợ tận tình từ chính quyền xã Quốc Toản, Hội đồng trường của Trường Mầm non Quốc Toản (nơi cháu Giang theo học). Chị Thương chia sẻ: “Đáng ra phải được hưởng học bổng từ năm 2019, nhưng do gia đình không biết đến các chính sách này. Cũng may, huyện Trà Lĩnh sáp nhập vào Quảng Hòa, chị được đi tập huấn nên mới biết được chính sách, được biết thông tin tư vấn miễn phí của ACDC nên mới nhờ tư vấn thêm. Chị cảm thấy vui vì con được hỗ trợ, động viên”.

Sang năm, Giang vào học lớp một, chị Thương lại có nhiều băn khoăn, trăn trở làm sao để con được hòa đồng với các bạn, làm sao để xã hội bớt “dị nghị” về người khuyết tật hơn. Chị Thương mong muốn “được tham gia các lớp tập huấn của dự án, được vỡ thêm nhiều điều” và chị mong các thầy cô giáo có thể “thay đổi tư duy giáo dục” - không có phân biệt trẻ khuyết tật và có các kỹ năng, phương pháp dạy để tạo môi trường học tập phù hợp, hòa nhập cho các em học sinh khuyết tật.

Việc đảm bảo trẻ khuyết tật được hưởng với các chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội và chính sách học bổng cho học sinh khuyết tật là công tác liên ngành, cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng. Do đó, công tác nâng cao nhận thức về các vấn đề khuyết tật, về các chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật và về giáo dục hòa nhập cần được triển khai thường xuyên cho gia đình của trẻ khuyết tật và cộng đồng nói chung.

Hy vọng rằng, không chỉ gia đình chị Thương, cháu Giang, mà sẽ có thêm các trẻ khuyết tật khác cũng được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; góp phần hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn thông qua việc cải thiện cuộc sống của gia đình của trẻ khuyết tật cũng như đảm bảo các quyền lợi của trẻ khuyết tật.

Ảnh 3: Chị Thương và bé Giang ở sân sau nhà tại thôn Lũng Sặp, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, ngày 16/4/2021 - Ảnh chụp bởi Phan Ngọc Việt, cán bộ ACDC


[1] Một trong các chức năng của phòng Luật của ACDC là tư vấn miễn phí cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật thông qua các kênh như: email: tuvan@acdc.org.vn, tư vấn trực tuyến trên Facebook: Trung tâm ACDC và website: http://acdc.vn hoặc tuvanmienphi.vn.

[2] Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm