Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chia sẻ kết quả dự án và giao lưu học tập giữa huyện Quảng Hòa và huyện Na Rì

  • Thực hiện: Hoàng Nhật
  • 28/04/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1752

Sáng ngày 28/04/2022, tại thành phố Cao Bằng đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kết quả dự án và giao lưu học tập giữa huyện Quảng Hòa và huyện Na Rì”. Chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, Tổ chức ChildFund Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức.

Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu, trong đó có ông Phan Văn Giáp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cao Bằng; bà Đàm Thị Mai Sen - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bắc Kạn; bà Đàm Việt Hà - Phó Viện trưởng ACDC; đại diện Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; đại diện tổ chức Childfund Việt Nam; đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo, các huyện, thành phố tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; các thầy, cô giáo các trường mầm non, tiểu học; Nhóm tự lực cha mẹ trẻ khuyết tật của huyện Quảng Hòa và huyện Na Rì cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Quang cảnh các lãnh đạo, đại diện của các tổ chức/trung tâm, các thầy cô và nhóm tự lực cha mẹ trẻ khuyết tật tham dự Hội thảo. Nguồn ảnh: Childfund Việt Nam

Dự án “Quyền học tập của em” được triển khai ở huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) và huyện Na Rì (Bắc Kạn) từ tháng 9/2019 đến nay. Trong quá trình thực hiện, có 82 trẻ khuyết tật của 2 huyện được khám tầm soát khuyết tật và tư vấn cho cha mẹ; có 4 nhóm cha mẹ được thành lập để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy trẻ khuyết tật; 80 cha mẹ được nâng cao nhận thức về hỗ trợ con rèn luyện kỹ năng sống; 29 trường học được hỗ trợ áp dụng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; gần 300 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non, tiểu học được nâng cao năng lực về lập kế hoạch giáo dục cá nhân và phương pháp dạy học đặc thù cho trẻ khuyết tật.

Nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật được sống trong môi trường hòa nhập và được tiếp cận giáo dục có chất lượng, dự án đến nay đã góp phần triển khai xây dựng 158 kế hoạch giáo dục cá nhân với trên 3.600 tiết học can thiệp; xây dựng 4 phòng học giáo dục hòa nhập, trang bị các thiết bị hỗ trợ dạy học trẻ khuyết tật; thành lập và vận hành 1 hội người khuyết tật ở Na Rì, 1 nhóm tự lực ở Quảng Hòa; triển khai 6 đợt hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi gà và nuôi lợn cho 45 hộ gia đình có trẻ khuyết tật để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ… Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý giáo dục tại các trường của các xã/huyện, dự án cũng đã vận dụng được kiến thức và kĩ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục hòa nhập.

Ông Phan Văn Giáp - Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Bắc Kạn phát biểu kết quả báo cáo hoạt động về công tác giáo dục hòa nhập của trẻ khuyết tật. Nguồn ảnh: Childfund Việt Nam

Ông Phan Văn Giáp - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Chất lượng giáo dục của tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn nói chung ngày càng được nâng cao, trong đó có giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật... Cùng với đó, các cấp, các ngành, phụ huynh, cộng đồng ngày càng nhận thức đúng và quan tâm đến công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Các gia đình học sinh có con em khuyết tật đều tạo điều kiện cho các em đến trường, được đối xử công bằng, các em xóa dần những tự ti, mặc cảm về bản thân. Đội ngũ giáo viên tham gia dạy các lớp có học sinh hòa nhập có ý thức học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, học tập nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn trong công tác giáo dục hòa nhập, chăm sóc tận tình đối với học sinh khuyết tật, biết cách lập kế hoạch giáo dục cá nhân và đánh giá trẻ khuyết tật.”

Giáo viên chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại trường. Nguồn ảnh: Childfund Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc làm thay đổi nhận thức của phụ huynh của trẻ khuyết tật và những khó khăn trong quá trình triển khai giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ để hoàn thiện mô hình giáo dục hòa nhập ở địa phương… Ngoài ra, các cán bộ, giáo viên của 2 huyện Quảng Hòa, Na Rì giao lưu kiến thức và thực hành “hòa nhập cho em” thông qua hình thức chơi trò chơi “Rung chuông vàng”, xử lý tình huống trong quá trình giáo dục trẻ khuyết tật.

Hội thảo lần này là một trong những hoạt động tổng kết của dự án “Quyền học tập của em” đã được triển khai ở huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) và huyện Na Rì (Bắc Kạn) trong thời gian vừa qua. Dự án kỳ vọng những kết quả dự án đã đạt được sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển nhằm thúc đẩy công tác giáo dục hòa nhập tại địa phương.

 


0 bình luận

Bình luận thêm