Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Toạ đàm “Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói tại cơ sở y tế & Giới thiệu Dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong bệnh viện”

  • Thực hiện: Hoa Mai
  • 10/06/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1628

Sáng ngày 10/06/2022, ACDC đã tổ chức Tọa đàm “Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói tại cơ sở y tế & Giới thiệu Dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong bệnh viện”. Toạ đàm được tổ chức dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức CBM dưới hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Quang cảnh các đại biểu, đại diện tổ chức tham dự Tọa đàm 

Toạ đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Hồng Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội - Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Huy Quang – Nguyên Vụ trưởng, Chuyên gia độc lập - Vụ Pháp chế - Bộ Y Tế; ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng phòng Phòng Chính sách xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội; bà Vũ Thị Tuyết Mai - Trưởng Đại diện Tổ chức CBM tại Việt Nam; bà Ritu Tariyal - Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập - USAID Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng ACDC; Thạc sỹ Mohamad Sazali- Chủ tịch Hiệp hội Người Điếc Malaysia; Ths. Bs Ck II Nguyễn Hương Trà - Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; ông Nguyễn Hoàng Lâm - Ban vận động thành lập Hội người điếc Việt Nam. Đồng thời, tọa đàm cũng có sự góp mặt của các Sở, ban ngành, các bệnh viện, đại diện của nguời khuyết tật nghe nói trên khắp cả nước.

Mục tiêu chính của toạ đàm nhằm giúp người khuyết tật nghe nói chia sẻ các rào cản của họ trong quá trình khám chữa bệnh. Trên cơ sở đó, các bên đã cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp hỗ trợ người khuyết tật nghe nói tiếp cận thông tin tốt nhất. Đây cũng là cơ hội để các bên đưa ra góp ý cho các văn bản hướng dẫn Luật khám bệnh chữa bệnh hiện nay.

 

Bà Ann Marie Yastishock – Giám đốc USAID tại Việt Nam chia sẻ phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại toạ đàm, bà Ann Marie Yastishock – Giám đốc USAID tại Việt Nam khẳng định: “Sự kiện ngày hôm nay làm sáng rõ nhu cầu xoá bỏ các rào cản và đạt được sự công bằng sức khoẻ cho các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm cả người khuyết tật nghe và nói. Tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của tất cả mọi người. Đối với những người khuyết tật nghe và nói, việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) là điều cơ bản để đảm bảo quyền này. Điều này đặc biệt quan trọng khi đề cập đến nhu cầu của họ đối với các dịch vụ y tế. Trách nhiệm của chúng ta là làm việc cùng nhau để biến điều này thành hiện thực. Các tổ chức như ACDC đã đóng góp vào tiến trình mà Việt Nam đạt được. ACDC là một tấm gương sáng về giá trị quan trọng của các tổ chức địa phương là những nhân tố cơ bản cho sự phát triển của đất nước và xã hội. ACDC góp phần vào quá trình giám sát, vận động chính phủ xây dựng và thực thi các chính sách tốt hơn cho người dân Việt Nam ”.

Bà Vũ Thị Tuyết Mai - Trưởng Đại diện Tổ chức CBM tại Việt Nam đưa ra những thực trạng và tìm kiếm giải pháp phù hợp trong việc hỗ trợ tiếp cận dịch vụ phiên dịch NNKH trong cơ sở y tế

Bà Vũ Thị Tuyết Mai - Trưởng Đại diện Tổ chức CBM tại Việt Nam cũng chia sẻ: “Tổ chức CBM luôn đặt quyền lợi chính đáng của người khuyết tật lên làm mục tiêu đầu tiên của mình. Chúng tôi cam kết nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật và hợp tác với những đối tác liên quan để xây dựng một xã hội hoà nhập cho tất cả mọi người.

Chúng ta đều thấy là về mặt cơ sở pháp lý thì Nhà nước có những quy định ràng buộc về việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận được những dịch vụ cơ bản nhất, trong đó dịch vụ y tế là nhu cầu và quyền lợi chính đáng. Nhưng trong thực tế thì chúng ta đều biết là chưa có dịch vụ phiên dịch NNKH chính quy ở các cơ sở y tế. Việc đảm bảo thông tin liền mạch là vô cùng khó khăn. Tôi hy vọng toạ đàm hôm nay sẽ được nhìn nhận rõ hơn những thực trạng và quy định để vận động tăng cường dịch vụ phiên dịch NNKH trong cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi tiếp nhận thông tin cho người khuyết tật và để không ai bị bỏ lại phía sau.”

Các đại biểu tham gia chia sẻ và cùng nhau đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Luật khám chữa bệnh trong tọa đàm

Không chỉ nêu lên những khó khăn mà người khuyết tật nghe nói gặp phải khi khám chữa bệnh, tọa đàm còn đưa ra một giải pháp vô cùng thiết thực để giải quyết khó khăn trên. Đó chính là giới thiệu dịch vụ phiên dịch NNKH cho người khuyết tật nghe nói đến các bệnh viện, những cá nhân/tổ chức quan tâm.

Dịch vụ phiên dịch NNKH trong bệnh viện được ra đời để hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người khuyết tật nghe nói khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở ý tế và thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật tại các cơ sở y tế. Hai hình thức phiên dịch được sử dụng là trực tiếp và video call qua các nền tảng trực tuyến. Người khuyết tật nghe nói đi khám chữa bệnh cần phiên dịch NNKH hoặc các cơ sở y tế cần phiên dịch NNKH cho người bệnh đều có thể liên lạc để đặt lịch với phiên dịch ở khu vực miền Bắc và miền Nam.

Toạ đàm đã tăng cường hơn nữa quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói trong quá trình khám chữa bệnh nói riêng và tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội nói chung. Sau hoạt động này, nếu có nhu cầu, người khuyết tật nghe nói hoàn toàn có thể chủ động liên hệ với dịch vụ phiên dịch NNKH tại bệnh viện để được trợ giúp.


0 bình luận

Bình luận thêm