Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Trị: Tập huấn bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật cho cán bộ ngành y tế và trợ giúp pháp lý

  • Thực hiện: Lê Thơ
  • 14/06/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1288

Trong 150 phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật của 03 huyện Cam Lộ, Triệu Phong và thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị có tới 24,3% đã từng bị bạo lực về thể chất, tinh thần, kinh tế và 14,2% bị bạo lực về tình dục. Đây là kết quả điều tra về tình trạng bạo lực giới (BLG) của dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế của người khuyết tật – giai đoạn 2” được thực hiện vào tháng 3/2022.

Đây là con số đáng báo động liên quan đến việc phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bi bạo lực, cần sự vào cuộc từ nhiều cơ quan ban ngành. Chính vì thế, ngày 14 -15/06/2022, trong khuôn khổ dự án này, ACDC phối hợp với Ban quản lý dự án tổ chức tập huấn “Bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật cho cán bộ ngành y tế và trợ giúp pháp lý” tại tỉnh Quảng Trị. Khóa tập huấn này nhằm mục đích nâng cao năng lực về phòng chống BLG đối với phụ nữ khuyết tật cho các cơ quan liên quan và hình thành mạng lưới tại địa phương để hỗ trợ các trường hợp BLG cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Các học viên trong nhóm trao đổi và thảo luận với nhau về nội dung liên quan đến bạo lực giới

Bà Lê Thị Thùy Hương - Quản lý chương trình tại khu vực miền trung, Phòng Hàn gắn và Phát triển, USAID tại Việt Nam và ông Thái Vĩnh Liệu – Chủ tịch Hội NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE tỉnh - Trưởng ban QLDA đã đến dự và phát biểu khai mạc cùng lớp tập huấn. Hoạt động có sự tham gia của 45 học viên là cán bộ của ngành Y tế, Trợ giúp pháp lý, Hội Phụ nữ, Hội Người khuyết tật tuyến tỉnh và 03 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chuyên gia về Giới - Tổ chức Hagar Việt Nam là Giảng viên của lớp tập huấn.

Bằng nhiều phương pháp tập huấn đan xen như chơi trò chơi, thảo luận nhóm lớn nhóm nhỏ, kể chuyện, cùng với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế giảng viên đã chia sẻ nhiều nội dung phong phú liên quan đến BLG. Trong đó 02 chủ đề chính được các học viên thực hành tích cực và trao đổi sôi nổi chính là quản lý ca bị BLG và mạng lưới hỗ trợ các trường hợp bị BLG.

Học viên phát biểu chia sẻ về các tình huống khó khăn gặp phải trong bạo lực giới đối với người khuyết tật

Anh H.T.H làm việc tại UBND xã Ba Lòng, huyện Đakrong chia sẻ: “Nội dung về lớp tập huấn này rất ý nghĩa và rất thực tế, đã giúp tôi hiểu một cách sâu hơn về bạo lực giới đối với người khuyết tật. Từ đó tôi có thể hỗ trợ những người khuyết tật ở địa phương hiệu quả nhất.”

Anh T.Đ.N làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Trong quá trình công tác, tôi cũng có quản lý một số trường hợp về bạo lực. Qua bài giảng của cô về các bước thực hiện quản lý trường hợp bạo lực giới đã giúp tôi nắm rõ hơn để áp dụng vào thực tế”.

Chị H.T.H làm việc tại trung tâm y tế huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi tham gia khóa đào tạo về nội dung bạo lực giới đối với người khuyết tật. Tôi nhận thấy vấn đề này rất quan trọng và cấp thiết vì hậu quả để lại cho người bị BLG rất nặng nề. Để giải quyết vấn đề này cần huy động rất nhiều cơ quan, nguồn lực để hỗ trợ cho người khuyết tật. Bản thân tôi, sau khóa học này sẽ chủ động hơn trong việc phát hiện và hỗ trợ can thiệp những người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực giới”.

Thông qua lớp tập huấn các học viên cũng đã tham gia vào nhóm Zalo hỗ trợ bạo lực giới của các huyện Hải Lăng, Hướng Hóa và Đakrong để hình thành nhóm mạng lưới chia sẻ thông tin và phối hợp hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực tại địa phương. Hoạt động trong khuôn khổ dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.


0 bình luận

Bình luận thêm