Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hà Nội: Sự kiện truyền thông "Tiếng nói của chúng em"

  • Thực hiện: Linh Chi
  • 29/08/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2077

Ngày 28/08/2022, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã tổ chức sự kiện truyền thông dành cho trẻ khuyết tật với tên gọi “Tiếng nói của chúng em” tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật” (viết tắt là dự án: AVAC) được tài trợ bởi bởi Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hồng Kông và sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam.

Bài hát tập thể “Sống như những đóa hoa” được biểu diễn do Nhóm trẻ đến từ Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng kỹ năng sống và Hướng nghiệp nghề SEED CENTER

Chương trình nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức của trẻ em, gia đình, cộng đồng về quyền, đặc biệt là quyền được tham gia và quyền được bảo vệ của trẻ. Đây cũng là cơ hội trẻ thể hiện những năng khiếu của bản thân, là sân chơi kết nối trẻ khuyết tật với những dạng tật khác nhau cùng phụ huynh của trẻ.Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 150 người, trong đó có gần 100 trẻ khuyết tật cùng phụ huynh, đại diện các hội nhóm, trung tâm giáo dục đặc biệt, cơ sở hướng nghiệp và dạy nghề trẻ khuyết tật và Hội người khuyết tật một số quận/huyện trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD); Bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC; Bà Mạc Thị Thanh Tuyền, Quản lý dự án, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam.

Bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng ACDC phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng ACDC chia sẻ: “Thông qua dự án, ACDC mong đợi trẻ em khuyết tật được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội có năng lực và các tổ chức liên quan để tham gia một cách ý nghĩa vào quá trình ra quyết định và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực.Bà cũng nhấn mạnh cần có sự tham gia phối hợp của tổ chức, xã hội, các cơ quan nhà nước và những người có trách nhiệm khác để hướng tới mục tiêu mọi trẻ em có môi trường phù hợp, thuận lợi cho các em thực hiện quyền được lắng nghe, thể hiện khả năng, sở thích và nói lên suy nghĩ của mình.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) chia sẻ phát biểu chào mừng sự kiện

Trong phần phát biểu chào mừng, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực VFD đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của toàn thể cán bộ trong công tác nâng cao nhận thức về quyền trẻ em. Hoạt động lần  này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực thi chính sách đối với trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng để các em được bày tỏ quyền, tiếng nói, chứng tỏ khả năng, đóng góp cho xã hội. Ông cho biết, về cơ bản pháp luật và chính sách đã có những quy định tương đối đầy đủ nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em trong đó bao gồm cả trẻ em khuyết tật. Các quy định được ghi nhận trong điều 23 Công ước quốc tế về quyền trẻ em, điều 35 Luật trẻ em Việt Nam, Luật Người khuyết tật 2010,... Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những tồn tại và hạn chế nhất định, đặc biệt là đối với trẻ em khuyết tật là nhóm đối tượng yếu thế phải chịu nhiều tác động đến từ các vấn đề của cả trẻ em lẫn tình trạng khuyết tật hay nghèo đói. Vì vậy, ông hy vọng những hoạt động tương tự sẽ được lan tỏa và nhân rộng, qua đó trẻ em khuyết tật được tham gia bình đẳng và đầy đủ vào cộng đồng, xã hội để trẻ em không bị bỏ lại phía sau đúng như câu ngạn ngữ “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”.

Tiết mục "Cả nhà thương nhau" được thể hiện bằng Ngôn ngữ ký hiệu

Đến với sự kiện, trẻ khuyết tật đã được trải nghiệm các hoạt động thú vị và bổ ích như: biểu diễn văn nghệ, trình diễn thời trang, trò chơi đố vui có thưởng,… Bốn gian hàng vui chơi với những đặc điểm thú vị riêng được phụ trách bởi Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN); Hội cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng kỹ năng sống và Hướng nghiệp nghề Hạt giống; và Đội Sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội. Đặc biệt, các những khu vui chơi này phần lớn do chính trẻ khuyết tật dẫn dắt, với sự tham gia hỗ trợ của các phụ huynh. Nhiều trò chơi vận động, tương tác đã được tổ chức thu hút sự tham gia sôi nổi và nhiệt tình của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ khuyết tật cũng đã tham gia  thuyết trình, giới thiệu với mọi người về những sản phẩm thủ công do chính mình thực hiện. Thông qua hoạt động này, dự án kỳ vọng các em sẽ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn để thể hiện tiếng nói của bản thân, rèn luyện những kỹ năng cần thiết khi đối mặt những vấn đề trong xã hội.

Trình diễn thời trang do các em khiếm thính thể hiện dưới sự hỗ trợ của Hội cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam

Em N.H.A, trẻ khiếm thính đã chia sẻ: “Em rất vui khi tham gia hoạt động này, em được trình diễn tiết mục áo dài và được vui chơi, gặp gỡ các bạn. Đối với em quyền được bảo vệ là quan trọng nhất.”

Em H.D, trẻ khuyết tật trí tuệ cũng hào hứng phát biểu: “Được tham gia hoạt động em rất vui. Theo em, quyền được đảm bảo sức khoẻ về thể chất và tinh thần là quan trọng nhất. Em muốn được tham gia nhiều hoạt động như thế này hơn nữa.”

Một hoạt động trò chơi Đố vui có thưởng

Nhận xét về sự kiện, chị Chử Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Cha mẹ Trẻ khiếm thính và Người khiếm thính Việt Nam chia sẻ: “Điều tôi ấn tượng nhất về sự kiện là các hoạt động phù hợp, khuyến khích sự tham gia của trẻ em. Hiện nay, những vấn đề về quyền trẻ em vẫn chưa có sự tham gia đầy đủ của các em. Vì vậy, nếu những sự kiện tương tự được tổ chức trong tương lai thì tôi rất mong muốn có thêm nhiều trẻ em tham gia để các em có thể hiểu được về quyền của mình.”

Sự kiện truyền thông “Tiếng nói của chúng em” là một trong nhiều hoạt động dự án AVAC dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Dự kiến trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch nhằm góp phần cùng Nhà nước và các bên liên quan ở tất cả các cấp thực hiện hiệu quả quyền trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em được thực hiện đầy đủ như đã cam kết, đặc biệt là quyền của trẻ em khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm