Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tham vấn Báo cáo tình hình thực hiện Luật Người khuyết tật trong một số lĩnh vực trọng tâm

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 26/10/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1443

Sáng ngày 25/10/2022, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) và Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Tham vấn Báo cáo tình hình thực hiện Luật Người khuyết tật trong một số lĩnh vực trọng tâm” tại thành phố Đà Nẵng. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin cho người khuyết tật và các tổ chức Hội người khuyết tật” do Tổ chức CBM tài trợ.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo đánh giá tác động chính sách xây dựng Luật người khuyết tật

Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng, Vụ Xã hội - Ủy ban Xã hội, Quốc hội; ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng – Vụ Pháp chế, Bộ Y tế; bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp hội về người khuyết tật Vệt Nam (VFD); ông Nguyễn Trung Thành, Phó Trưởng phòng Chính sách xã hội - Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; bà Vũ Thị Tuyết Mai - Trưởng đại diện tổ chức CBM Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện ACDC cùng đại diện đến từ các cơ quan ban ngành trung ương; Sở ban ngành các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các tổ chức của và vì người khuyết tật; hội/nhóm người khuyết tật trên toàn quốc.

Ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nam chia sẻ về Vai trò của các tổ chức Hội đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật

Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2022-2023, trong đó có kế hoạch sửa đổi Luật người khuyết tật 2010. Để tăng cường tiếng nói của các tổ chức Hội của và vì người khuyết tật Việt Nam trong sửa đổi Luật Người khuyết tật cũng cũng như có những bằng chứng xác thực về việc thực hiện Luật người khuyết tật và các chính sách liên quan, 04 Báo cáo chuyên đề với nội dung về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật đã được xây dựng. Các báo cáo chuyên đề đã đi sâu khai thác thực trạng cũng như khuyến nghị sửa đổi chính sách đối với các vấn đề trọng tâm, bao gồm: Vấn đề tiếp cận cơ sở hạ tầng giao thông; Vấn đề Bảo hiểm y tế; Vấn đề việc làm và Vấn đề tiếp cận thông tin tại cơ sở y tế đối với người khuyết tật. Bản tổng hợp 04 Báo cáo này sẽ được nộp cho Ủy ban quốc gia về người khuyết tật để góp ý cho quá trình sửa đổi Luật người khuyết tật.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng, Vụ Xã hội - Ủy ban Xã hội, Quốc hội đưa ra quan điểm và đánh giá cao về các báo cáo chuyên đề của tổ chức Hội người khuyết tật

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng, Vụ Xã hội - Ủy ban Xã hội, Quốc hội cho biết: Các báo cáo của tổ chức Hội trình bày hôm nay vô cùng công phu, có số liệu cụ thể rõ ràng qua khảo sát thực tế địa phương. Đây là cơ sở, tư liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan dân cử trong việc đánh giá việc thực hiện Luật người khuyết tật hơn 10 năm qua. Đây cũng là dữ liệu phục vụ cho việc xem xét về sự cần thiết sửa đổi hay sửa đổi bổ sung 1 số điều Luật người khuyết tật.

Tại buổi tham vấn, các đại biểu đã cùng nhau đưa ra các góp ý nhằm hoàn thiện, bổ sung thông tin trong báo cáo. Đây là cơ hội để giúp cho các đại biểu tham gia được lên tiếng nói, được bày tỏ quan điểm cũng như tăng cường vai trò, tiếng nói của các Hội, nhóm người khuyết tật trong việc thực hiện và giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe trực tiếp tiếng nói của người khuyết tật nghe nói về những khó khăn của họ, những rào cản vô hình và hữu hình đang tồn tại khi họ tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.

Chị Trần Thị Dung, đại diện người Điếc chia sẻ thông tin về những rào cản và thách thức đối với người khuyết tật nghe nói trong việc tiếp cận thông tin và hỗ trợ dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế

Chị Trần Thị Dung, người Điếc ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Là một người Điếc, tôi cảm thấy việc có phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu tại bệnh viện thực sự cần thiết. Nó giúp bệnh nhân là người Điếc như tôi có thể chủ động trình bày những cảm giác, triệu chứng của mình, tự quyết định được việc mình có tham gia chữa trị bằng phương pháp đó hay không, hỏi về cách sử dụng thuốc như thế nào… Điều khó khăn duy nhất là chi phí phiên dịch, đôi khi còn đắt hơn cả chi phí khám chữa bệnh, và chi phí này do người Điếc tự chi trả. Tôi hy vọng tương lai bệnh viện có thể thuê phiên dịch cho các bệnh nhân người Điếc, để các bệnh nhân người Điếc có thể khám chữa bệnh như những người nghe nói bình thường khác, và trả chi phí bằng với họ.

Trong thời gian tới, các bên có liên quan tiếp tục duy trì, phối hợp và đưa ra những giải pháp phù hợp để góp phần thực thi các chính sách hỗ trợ người khuyết tật cũng như hoàn thiện sửa đổi Luật người khuyết tật Việt Nam 2010.


0 bình luận

Bình luận thêm