Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tết sớm – Tết mau

  • Thực hiện: Nguyễn Đức Nghị, Chủ nhiệm Clb Sinh viên khuyết tật Hà Nội
  • 08/01/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 875

Mới Rằm tháng Chạp, cái xóm nhỏ nằm tít cuối huyện sôi động hơn vì Tết. Qua cánh cổng làng, mấy bà mấy mẹ vừa rảo bước cho kịp buổi chợ, vừa hỏi thăm nhau mấy câu hỏi rằng: Tết chuẩn bị đến đâu rồi? Mua lá dong gói bánh chưa hay năm nay đụng lợn với nhà tôi đi?... Còn lũ trẻ nít chúng tôi hồi đó ngóng Tết lắm. Tờ lịch treo tường bao nhiêu lâu tôi chưa ngó tới giờ bỗng thu hút tôi lạ kì. Tôi giành công việc bóc lịch của bố. 16, 17, 18,... từng ngày trên tay mà sao tôi thấy thời gian trôi chậm chạp quá, lật lật cho đến khi tờ lịch đỏ rực rỡ với cành mai đào ghi số 1 “Tết Nguyên Đán” hiện ra, lẩm nhẩm một lúc rồi thở dài cái thượt như ông cụ non: Còn tận gần hai chục ngày cơ à?

Trẻ mau nhớ cũng mau quên, những trò chơi với lũ trẻ hàng xóm, việc học trên trường khiến tôi quên đi niềm mong chờ Tết, chỉ thi thoảng trong những cuộc chơi có đứa bâng quơ “Tết lâu đến nhỉ?” thì cả bọn lại được dịp ồn ào đồng ý. Chỉ có mẹ là người không nghĩ giống như chúng tôi. Đôi lúc trong bữa cơm, bà lại thở dài “Tết đến nhanh quá, chưa làm gì mà đã hết năm rồi”. Xong bữa, bà lôi giấy bút lẩm nhẩm tính toán cho tới khuya, khi hơi lạnh đã thấm qua lớp tường chát vôi đã bong lỗ chỗ, bà mới vào buồng ngủ.

Mẹ lịch kịch đi chợ sớm mang về nào tay buồng chuối, cân cam sành, tay bộ hàng mã ông Công ông Táo, túi cá chép. Tôi thích thú chạy lại đỡ đồ cho mẹ, nhìn mấy chú cá chép cam còn vung vẩy bơi, chốc chốc lại rung rinh hai chiếc râu nhìn ngộ hết sức. Mẹ gõ đầu bảo đổ cá ông Công ra bát, tôi lon ton chạy làm. Hì hục cả buổi sáng đến quá trưa, mâm cơm cúng tươm tất đã hoàn thành, mẹ lầm dầm khấn lẫn vào mùi hương trầm nghi ngút...

Tiết mục tôi thích nhất là cùng mẹ hóa vàng. Loanh quanh bên chân mẹ, tôi chỉ rình rập thó một tờ tiền âm phủ hay thích hơn là cái mũ của ông Công ông Táo bỏ vào lửa. Nhìn những lưỡi lửa liếm ngọt, thả lơ lửng những tro than tôi thích lắm, lòng hớn hở nghĩ “ông Công về trời kìa”. Trong khi bố đang ngoài cổng tung gạo muối, bố bảo để đuổi ma quỷ thì mẹ gom tro vàng mã rồi mang cá ra ao thả.

Tết bỗng ùa tới vội vã sau ngày Tết ông Công ông Táo, tôi được nghỉ học, mẹ đi chợ Tết như cơm bữa, khi thì mang lá, gạo, thịt làm bánh lúc mang mứt, bánh kẹo. Bố cùng nhà chú thím, cô chú đụng lợn. Hai mươi sáu Tết, cả làng đó đây đã rộn vang tiếng lợn kêu, tiếng củi đốt cháy lép bép quyện vào mùi sôi mới, mùi nồi bánh chưng sùng sục sôi.

Tôi bù đầu, bù cổ để dọn nhà, bắt đầu từ góc học tập tôi không biết bao lâu chưa thu dọn rồi cùng anh lau nhà, lau cửa. Bố đang dọn bàn thờ tổ tiên. Ngoài hiên, mẹ với chị đang gói bánh cùng thím và cô. Mặc cho tất cả không khí rộn ràng, tưng bừng đó, tôi vẫn hì hục với công cuộc dọn nhà. Có lẽ đây là khoảnh khắc tôi hăng say lao động và cho đó là niềm vinh quang bởi câu hứa của mẹ: Dọn dẹp nhà cửa đi rồi được mua quần áo mới. Tôi bắt đầu dọn dẹp từ góc học tập, xếp lại sách vở, lau chùi đèn, bàn học. Đôi lúc tôi lại phát hiện ra mấy cái bút bị mất ít lâu hay vài bài kiểm tra từ đời nào. Xong việc, tôi lại tiếp tục với những quét dọn bàn thờ, lau nhà, bàn ghế,... Mệt bở hơi tai nhưng tối mẹ về được ướm trên người bộ quần áo mới là bao nhiêu mệt nhọc tan biến.

Liếc vào màn hình điện thoại, còn chưa đầy tháng là Tết đã cận kề rồi. “Tết sao đến nhanh vậy”, tôi buột miệng. Vài đứa bạn cùng kí túc cũng gật gù cho phải. Mấy thằng còn kêu đang phải thi cuối kì mà Tết đã đuổi đến chân rồi.

Ngó qua cánh cửa sổ, ngoài kia nắng đông vẫn hanh hao, dòng người vẫn tấp nập. Thi thoảng vài giai điệu nhạc xuân vang lên lạc quẻ giữa tiếng xe rú ga, tiếng bóp còi và mùi khói thành phố đến nghẹt thở. Tết đến muộn trên thành phố này, Tết hụt hơi trong cuộc mưu sinh. Tết đến sớm trong sự lo toan của mẹ, đến sớm trong mắt của lũ trẻ thơ. Còn với tôi Tết đến khi tiếng mẹ qua điện thoại: “Bao giờ về Tết vậy con?”.


0 bình luận

Bình luận thêm