Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Đà Nẵng: Hội trại “Tiếng nói của chúng em”

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 14/04/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1009

Tiếp nối chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/04, ACDC phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng tổ chức Hội trại “Tiếng nói của chúng em” vào ngày 13-14/04/2023.

Hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của trẻ khuyết tật trong việc xây dựng các sự kiện truyền thông dành cho trẻ em; truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ trẻ em cho trẻ khuyết tật, thầy cô, cha mẹ/người chăm sóc trẻ và tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật.


Quanh cảnh các đại diện lãnh đạo, tổ chức cùng thầy cô, học sinh và phụ huynh tham dự sự kiện

Tham dự sự kiện có bà Đàm Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện ACDC; bà Mạc Thị Thanh Tuyền - Quản lý dự án từ tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam; ông Trần Đình Hải - Phó chủ tịch Hội người khuyết tật Đà Nẵng; bà Đỗ Thị Đỗ Quyên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng; bà Hồ Thị Cẩm Bình – Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng; ông Nguyễn Duy Quy – Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai và hơn 350 người.

Bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện ACDC phát biểu khai mạc Hội trại "Tiếng nói của chúng em"

Phát biểu khai mạc, bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện ACDC chia sẻ: “Với cuộc thi và Hội trại ngày hôm nay, Ban tổ chức hy vọng rằng sẽ được lắng nghe nhiều hơn nữa những chia sẻ của các em về những vấn đề bạo lực thể chất, tinh thần các em có thể gặp phải, những hình ảnh, câu chuyện tốt đẹp về gia đình, nhà trường, môi trường mạng an toàn, không bạo lực với trẻ em. Để từ đó, chúng tôi cùng các bên liên quan sẽ có những giải pháp thiết thực, phù hợp để trẻ em đặc biệt là trẻ khuyết tật được sống trong môi trường an toàn, bình đẳng.”

Tiết mục trình diễn thời trang nhằm lan tỏa những thông điệp về Quyền của trẻ em

Hội trại diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng vui tươi, bổ ích như: thi văn nghệ, thi thuyết trình về Quyền trẻ em, thi thể thao, nấu ăn,... Cuộc thi diễn ra vô cùng sôi nổi và hấp dẫn, với kết quả chung cuộc thuộc về Nhóm Sắc màu em yêu đạt Giải đặc biệt. Đây không chỉ là  sân chơi lành mạnh và an toàn cho các em, mà còn là cơ hội để trẻ khuyết tật được trau dồi các kỹ năng sống, giao lưu học hỏi lẫn nhau, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp trẻ khuyết tật phát triển tốt về đạo đức, nhân cách và trí tuệ.

Một tiết mục múa nón "Quê tôi" của các trẻ khuyết tật

Cô giáo Mỹ Dung, giáo viên dạy lớp 5 bày tỏ : “Điểm ấn tượng nhất của sự kiện là phát huy được quyền trẻ em. Các em có nhiều cơ hội để thể hiện mình qua các hoạt động. Ví dụ, trong các thiết kế lều trại, mỗi em đều góp công sức của mình như vẽ, làm đồ trang trí. Trong phần thi tuyên truyền, các em cũng được nói lên ý kiến của mình hoặc phần thi thể thao, nấu ăn các em đều rất hào hứng. Các em được ăn các món ăn do chính các em lựa chọn thực đơn. Hoạt động này cũng là bước đầu để phụ huynh tiếp cận được các quyền của trẻ em, thay đổi nhận thức của phụ huynh về khả năng của trẻ khuyết tật.”

Nhóm trẻ khuyết tật nhìn biểu diễn hòa tấu với bài "Mẹ ơi có biết" 

Em N, nam, trẻ khuyết tật nhìn, 18 tuổi chia sẻ: “Chúng em hy vọng rằng với các kiến thức đã được học chúng em có thể tuyên truyền cho các bạn về các hành vi nguy hiểm, về quyền trẻ em để các bạn có thể tự bảo vệ cho chính bản thân. Em xin cảm ơn các thầy cô Trung tâm, ACDC và SC đã tổ chức cho chúng em Hội trại ngày hôm nay. Hội trại vô cùng ý nghĩa.”

Đại diện đội Sắc màu em yêu chia sẻ trong phần thi giới thiệu Cổng trại: “Mỗi trẻ em là một màu sắc riêng, một mảnh ghép riêng và có một thế mạnh riêng. Tuy chúng em có khiếm khuyết nhưng chúng em vẫn tạo nên một bức tranh đa sắc màu và góp phần xây dựng nên cuộc sống tươi đẹp. Qua Hội trại chúng em cũng biết được các quyền của trẻ em và cũng nói lên các quyền của mình bằng các sản phẩm trong trại được tạo nên từ chính bàn tay của các em học sinh khuyết tật và giáo viên. Đội chúng em hy vọng rằng quyền trẻ em sẽ luôn được thực thi một cách hiệu quả.”

Cùng nhau nhảy và hát múa "Trái đất này là của chúng mình"

Phụ huynh trẻ khuyết tật từ đội Yêu thương - Sáng tạo cũng cho biết: “Phụ huynh sẽ luôn đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động giáo dục và vui chơi ngoài giờ lên lớp. Như hoạt động Hội trại ngày hôm nay rất nhiều phụ huynh tham gia dựng trại, trang trí trại, cùng thầy cô chuẩn bị các món ăn. Chúng tôi sẽ luôn cùng nhà trường và các bên liên quan yêu thương và bảo vệ các con.”

Một hoạt động trò chơi thể thao nhằm giúp trẻ khuyết tật tăng cường khả năng vận động và phối hợp nhóm

Em T, trẻ khuyết tật nhìn, đội Yêu thương - Sáng tạo phát biểu thêm: “Trong đợt trại này con và các bạn đã được tham gia rất nhiều hoạt động văn nghệ, thuyết trình và cùng các thầy cô, ba mẹ trang trí trại. Con và các bạn rất vui khi được tham gia các hoạt động này Đến với sự kiện, trẻ em đã được trải nghiệm các hoạt động thú vị và bổ ích như: biểu diễn văn nghệ, trình diễn thời trang, trò chơi đố vui có thưởng,…”

Ban giám khảo lắng nghe và đánh giá các món ăn đa dạng của mỗi đội 

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật” (viết tắt là dự án: AVAC) được tài trợ bởi bởi Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hồng Kông và sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam.


0 bình luận

Bình luận thêm