Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bình Định: Họp "Rà soát về thực hiện chính sách và khuyến nghị cải thiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật"

  • Thực hiện: Minh Tâm
  • 09/09/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 401

Sáng ngày 09/09/2023, Viện ACDC đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp “Rà soát về Thực hiện chính sách và khuyến nghị cải thiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật” tại Thành phố Quy Nhơn. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” tại tỉnh Bình Định, thực hiện bởi ACDC trong giai đoạn 2023 – 2026, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) thông qua HI quản lý và tài trợ bởi USAID.

Mục tiêu của cuộc họp nhằm rà soát các chính sách hỗ trợ người khuyết tật dựa trên những thông tin và kết quả sẵn có tại tỉnh Bình Định. Từ đó, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật tại địa phương. Trên cơ sở đó, Dự án kỳ vọng sẽ nhận được những đề xuất giải pháp/gợi ý hoạt động hỗ trợ người khuyết tật cần ưu tiên trong thời gian tới.

Sự kiện có sự tham gia của ông Đặng Văn Thanh – Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Trung Thành – Phó trưởng phòng Chính sách Trợ giúp xã hội – Bộ LĐ-TB&XH; ông Phan Đình Hòa – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định; ông Lê Thành Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Định; ông Võ Văn Lương – Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định; bà Đặng Thị Hồng Vân – Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Định; bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện ACDC cùng hơn 20 đại biểu từ Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn và Phù Mỹ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Định và người khuyết tật đại diện của hai huyện Tây Sơn và Phù Mỹ.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó trưởng phòng Chính sách Trợ giúp xã hội – Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ thông tin về những chính sách hỗ trợ người khuyết tật

Ông Phan Đình Hòa – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định phát biểu khai mạc:“Tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người khuyết tật. Thực tế qua triển khai có một số bất cập ảnh  hưởng rất lớn đến người khuyết tật và phần nào đó cũng chưa đáp ứng được với nhu cầu của người khuyết tật. Sở LĐ-TB&XH cũng đã có báo cáo tổng kết 10 năm về những thiếu sót của chính sách và kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2030. Trong kế hoạch thực hiện nội dung Dự án Hòa nhập II – Giai đoạn 2 tại tỉnh Bình Định, Viện ACDC phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức cuộc họp đánh giá các kết quả đạt được, những khó khăn của người khuyết tật, quá đó xác định các nội dung để thúc đẩy trong thời gian tới. Vì vậy, chúng ta cần thảo luận, trao đổi những ưu tiên cần thực hiện để các chính sách hỗ trợ người khuyết tật đảm bảo hơn”.

Tại cuộc họp, các đại biểu được nghe các bài tham luận từ đại diện Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐ-TB&XH với thông tin về Luật và Chính sách hỗ trợ người khuyết tật theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; đại diện Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Trợ giúp pháp lý với thông tin về Tình hình thực hiện Kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình định giai đoạn 2021 – 2030 và Tình hình thực hiện chương trình Trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Đại biểu góp ý và đề xuất về một số vấn đề trọng tâm để xây dựng và chính sách phù hợp cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh

Bên cạnh đó, đại diện Phòng LĐ-TB&XH hai huyện Tây Sơn và Bình Định cũng chia sẻ Tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật tại hai huyện. Qua chia sẻ từ các bài tham luận, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Trong cuộc họp, đại diện Sở LĐ-TB&XH đã chia sẻ bức tranh tổng quan về các lĩnh vực đã thực hiện cũng như những khó khăn tồn tại trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Lao động xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du Lịch, chính sách về xây dựng và chính sách về hỗ trợ Giao thông. Đối với lĩnh vực lao động xã hội, chị Nguyễn Thị Thế Vy – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội rất tâm huyết chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong hỗ trợ người khuyết tật như (i) sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được đồng bộ, (ii) vấn đề cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc, (iii) chưa bố trí được nguồn kinh phí riêng cho các chương trình dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật, khó khăn trong vận động người khuyết tật tham gia học nghề; (iv) cách hiểu chưa thống nhất về xác định khuyết tật theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH, (v) chưa xây dựng được các mô hình trợ giúp người khuyết tât, người cao tuổi tại cộng đồng do thiếu về chuyên môn kỹ thuật, điều kiện vật chất.

Qua các bài tham luận, cuộc họp đã nhận được nhiều quan tâm và đóng góp tích cực của các đại biểu, cũng như những đề xuất hữu ích và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Một số đề xuất, hoạt động ưu tiên được các đại biểu nhấn mạnh, bao gồm: tăng cường công tác tập huấn cho thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, chương trình hỗ trợ, quyền của người khuyết tật, trên cơ sở đầu tư cả về nguồn nhân lực và tài chính; tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật để có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách; tăng cường công tác đào tạo nghề nhưng cần dựa trên nhu cầu lao động thực tế.

Sau cuộc họp, Dự án sẽ hoàn thiện 01 Báo cáo rà soát và tổng hợp khuyến nghị về thực hiện chính sách cho người khuyết tật tại tỉnh Bình Định. Trên cơ sở kết quả Báo cáo, Dự án và Sở LĐ-TB&XH sẽ thống nhất kế hoạch triển khai các hoạt động ưu tiên nhằm thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm