Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hà Nội: Tọa đàm các chính sách phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật

  • Thực hiện: Minh Trần
  • 28/09/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 951

Sáng ngày 28/9/2023, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Viện ACDC tổ chức toạ đàm “Các chính sách phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật”. Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, lần thứ III – Nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Mục tiêu của toạ đàm nhằm tham vấn ý kiến của các tổ chức xã hội, mạng lưới cha mẹ trẻ và các cơ quan nhà nước về các chính sách phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức làm việc trong lĩnh vực người khuyết tật đóng góp tiếng nói, đưa ra các khuyến nghị cho quá trình sửa đổi Luật Người khuyết tật 2010.

Tham gia tọa đàm có Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Bà Phan Thị Quỳnh Như - Phó ban Luật pháp chính sách - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Bà Mạc Thị Thanh Tuyền - Quản lý dự án Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện ACDC; Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cùng hơn 40 đại diện cho các tổ chức của và vì của người khuyết tật trên toàn quốc.

Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu chia sẻ về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật

Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) nhấn mạnh trong bài phát biểu: “VFD và cả ACDC đã và đang thực hiện các hoạt động với nỗ lực hỗ trợ tối đa cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật, trong đó có các hoạt động liên quan đến Phòng chống Bạo lực. Tọa đàm ngày hôm nay cũng là một trong số những hoạt động cho thấy những kinh nghiệm của các tổ chức trong quá trình thực thi các chính sách về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Từ đó đưa ra các khuyến nghị xác đáng cho quá trình sửa đổi và bổ sung Luật Người khuyết tật 2010 sau này.”

Bà Phan Quỳnh Như - Phó ban Luật pháp chính sách - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: “Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật là một nhiệm vụ quan trọng và cũng là hoạt động ưu tiên trong công tác Hội. Chúng tôi đã có rất nhiều hoạt động khác nhau. Từ những can thiệp của Hội, các chị em đã có thay đổi nhận thức và hành động đáng kể, đóng góp rất trách nhiệm cho hoạt động xã hội. Tuy vậy, để thúc đẩy hiệu quả việc hỗ trợ phụ nữ khuyết tật.”

Với những nỗ lực của mình trong việc xây dựng và triển khai các mô hình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện ACDC đã có bài chia sẻ về Tăng cường năng lực phòng chống bạo lực giới cho phụ nữ khuyết tật tại 3 tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam. Tại bài chia sẻ, bà Đàm Việt Hà đã chia sẻ chi tiết các can thiệp của dự án Tăng cường sự hòa nhập và sống độc lập cho người khuyết tật trong hỗ trợ người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Dự án đang tiếp cận theo 2 hướng song song lấy người khuyết tật làm trung tâm. Hướng thứ nhất là đội ngũ người khuyết tật sẽ thực hiện các hoạt động như thăm nhà; tư vấn đồng cảnh; tham gia đối thoại các bên liên quan; hướng thứ 2 là các cán bộ ban ngành có liên quan, các tổ chức có chuyên môn sẽ hỗ trợ xử lý các trường hợp bị bạo lực giới; tham gia đối thoại cũng như chia sẻ các kiến thức liên quan và các biện pháp hỗ trợ người khuyết tật phòng tránh bạo lực giới...

Đại biểu chia sẻ về những vấn đề quan tâm và công tác hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật phòng chống BLGĐ có trích dẫn kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu gia đình và giới năm 2019 cho thấy 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, đạp, tát... và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 của UNICEF và Tổng cục Thống kê nêu 70% trẻ em từ 1-14 tuổi từng bị ít nhất 1 hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác. Nói đến vấn đề bạo lực trẻ em, Bà Đoàn Minh Hiền, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em việt Nam cũng cho biết: ”Bạo lực trẻ em diễn ra ở nhiều nơi, mọi đối tượng, là vấn đề nhức nhối, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, để lại những hậu nặng nề cho gia đình, đe doạ sự phát triển bền vững của gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho xã hội. Trong số các đối tượng bị bạo lực, trẻ em là nhóm đối tượng đặc biệt cần quan tâm.” 

Tọa đàm cũng đã nghe chia sẻ của bà Luật sư Lê Hải Yến - Trưởng phòng Luật - Viện ACDC có những chia sẻ cụ thể hơn về Kinh nghiệm tư vấn pháp luật các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Đồng thời, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đã có cơ hội chia sẻ cũng như phản hồi, băn khoăn về công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khuyết tật hiện nay.

Hoạt động được diễn ra với sự phối hợp của hai dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật” và dự án “Tăng cường sự hòa nhập và sống độc lập cho người khuyết tật” do ACDC thực hiện.


0 bình luận

Bình luận thêm