Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Nam: Hỗ trợ tiếp cận đối với cán bộ công tác xã hội, hội đoàn thể về vấn đề bạo lực giới, giảm bạo lực giới đối với người khuyết tật

  • Thực hiện: Minh Trần
  • 28/12/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 294

Trong 2 ngày 28 - 29/12/2023, Viện ACDC phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hoạt động “Hỗ trợ tiếp cận đối với cán bộ công tác xã hội, hội đoàn thể về vấn đề bạo lực giới, giảm bạo lực giới đối với người khuyết tật”.

Khóa tập huấn có sự tham gia của hơn 40 đại biểu là cán bộ công chức văn hóa xã hội, cán bộ tư pháp, y tế, Hội người khuyết tật và Hội phụ nữ các xã thuộc 4 huyện: Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam.

Học viên trình bày chia sẻ về các vấn đề tình huống gặp phải trong bạo lực giới với người khuyết tật

Mục tiêu của khóa học giúp cho các đại biểu hiểu về nhạy cảm giới trong can thiệp, trợ giúp người khuyết tật; nắm được tổng quan về tình hình phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới; các dấu hiệu nhận biết các dạng bạo lực với người khuyết tật, tâm lý của phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới; Luật pháp, Nguyên tắc, Quy trình hỗ trợ và chuyển gửi người khuyết tật bị bạo lực trên cơ sở giới.

Lớp học đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ học viên:

Trước đây tôi chỉ làm giúp mấy việc như xét mức độ khuyết tật, tặng xe lăn… Giờ học khóa này, tôi hiểu hơn tính nhân văn trong công việc của mình, hiểu thêm về người khuyết tật và cách giúp đỡ người khuyết tật. Tôi đã được trang bị một kiến thức, hiểu được nguyện vọng của người khuyết tật, đồng thời, biết cách tạo niềm tin cho người khác khi mình làm việc”. Anh Phan Hùng Trí, cán bộ lao động thương binh xã hội xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước chia sẻ.

Một học viên phát biểu đưa ra các biện pháp phù hợp trong việc hỗ trợ người khuyết tật khi liên quan đến bạo lực giới

Chị Hồ Thị Danh, cán bộ lao động thương binh xã hội xã Bình Phục, huyện Thăng Bình cũng tâm đắc: “Khóa học này có nội dung phù hợp, mang lại kỹ năng thiết thực cho những người làm công tác xã hội như chúng tôi trong vấn đề quản lý, tiếp cận. Đồng thời, chúng tôi cũng có thêm kỹ năng mềm khi làm việc với người khuyết tật để hỗ trợ cho họ. Lớp học rất thân thiện, cởi mở, có các câu hỏi mở, rất thoải mái khi tiếp cận đến kiến thức, luật, chế độ cho những người yếu thế. Những kiến thức học được ngày hôm nay đóng góp rất nhiều cho tôi trong chuyên môn cũng như về cộng đồng. Chúng tôi có thể tham gia hỗ trợ được cho người khuyết tật, trong chương trình của địa phương.”

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (tên rút gọn là Dự án Hòa nhập 1) được thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam trong giai đoạn 2023 – 2026. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) thuộc Bộ Quốc phòng làm Chủ dự án. Viện ACDC là một trong các đối tác triển khai hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP).


0 bình luận

Bình luận thêm