Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hà Nội: Tập huấn Phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ khuyết tật

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 31/03/2024
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 168

15 trẻ khuyết tật nghe nói đã được tập huấn về “Phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ khuyết tật” tại Hà Nội trong 2 ngày 30 – 31/12/2023 vừa qua. Hoạt động nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật nhận biết về những nguy cơ và nâng cao kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục của bản thân. Đồng thời, tập huấn cũng cung cấp các phương pháp, kỹ năng cho trẻ khuyết tật để tự bảo vệ và tìm kiếm sự trợ giúp khi bị xâm hại tình dục.

Xuyên suốt tập huấn, dưới sự hướng dẫn của giảng viên Mai Thị Bưởi - Một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phụ nữ và trẻ em khuyết tật, cùng với sự hỗ trợ của các phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, các em đã được tìm hiểu về các kiến thức cơ bản liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, thực trạng trẻ khuyết tật bị xâm hại, nhận diện những biểu hiện (đặc biệt là những nguy cơ tiềm ẩn), nạn nhân, thủ phạm của xâm hại tình dục trẻ em khuyết tật. Đồng thời, các em cũng được hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ, cách phòng chống, ứng phó khi gặp tình huống có nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Trẻ khuyết tật nghe nói đã trả lời một số câu hỏi tình huống do giảng viên đưa ra với sự hỗ trợ của phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu

Em L.M.Q, trẻ khuyết tật nghe nói cho biết: Em thực sự rất vui, hai ngày tập huấn vừa qua em đã học được rất nhiều điều hay, thú vị. Không chỉ những nội dung được truyền đạt từ giáo viên, mà thông qua sự hỗ trợ của hai phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, em còn có cơ hội kết nối với các bạn khiếm thính, cùng thảo luận và trao đổi về bài giảng cùng các bạn ấy. Ngoài ra, em cũng rất thích các trò chơi như: Vượt sông, Truyền tin… Qua các trò chơi hấp dẫn, em học được tinh thần đoàn kết trong nhóm, chủ động tìm kiếm và các ứng phó khi gặp tình huống có nguy cơ bị xâm hại. Sau khi học xong, em mong muốn chia sẻ kiến thức, kỹ năng đã học về cách phòng chống xâm hại tình dục cho các bạn cùng lớp và những người khác để bảo vệ bản thân khi bị xâm hại thể chất trong mọi tình huống.

Với những phương pháp giảng dạy đa dạng, giảng viên đã khuyến khích trẻ tham gia vào các thảo luận nhóm, thuyết trình, áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào các bài tập tình huống… Giảng viên cũng kết hợp khéo léo hoạt động trò chơi tương tác, đưa ra các ví dụ đơn giản và chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế trong cuộc sống thường ngày nhằm giúp trẻ khuyết tật dễ tiếp cận nội dung và dễ tiếp thu bài học hơn.

Các em đều tự tin và giải thích những hành vi xâm hại tình dục trên các hình ảnh minh họa

Sau hai ngày học, các em đã học được cách phối hợp làm việc nhóm thành thục. Lớp học ngày càng hoà đồng, vui vẻ và thân thiện, các em đã giúp đỡ và chia sẻ các thông tin phong phú cùng nhau. Bản thân các em đã dần trở lên tự tin hơn, mạnh dàn trình bày và tương tác cùng giảng viên.

Chia sẻ về chương trình, em L.T.N, trẻ khuyết tật nghe nói, vui vẻ kể lại: “Khi em tham gia thảo luận cùng các bạn điếc, em cảm thấy thật là vui lắm và hấp dẫn. Giảng viên hướng dẫn các nội dung khác đều dễ hiểu và bản thân em rất muốn học thêm nhiều chủ đề khác hơn nữa. Những kiến thức và các kỹ năng cơ bản về phòng chống xâm hại tình dục giúp em tự tin hơn khi chia sẻ thông tin cho các bạn và mọi người để cùng nhau bảo vệ thân thể của mình được an toàn.”

Trẻ khuyết tật nghe nói chia sẻ về việc hạn chế động chạm vào các bộ phận trên cơ thể qua các thẻ màu

Tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật” (viết tắt là: dự án AVAC) do Viện ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hồng Kông và sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam. Khoá học không chỉ cung cấp kiến thức cần thiết về phòng chống xâm hại tình dục mà còn mang đến nhiều kỹ năng bổ ích và phù hợp cho trẻ khuyết tật. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động khác nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật đảm bảo an toàn và bảo vệ bản thân khi đối mặt với xâm hại tình dục trong môi trường khác nhau.


0 bình luận

Bình luận thêm