Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chủ đề ngày người khuyết tật Việt Nam 18 tháng 4 năm 2025

  • Thực hiện: admin
  • 01/04/2025
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 85

"Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến người khuyết tật"

Ngày 18 tháng 4 hàng năm được quy định là ngày người khuyết tật Việt Nam trong Luật người khuyết tật Việt Nam. Năm nay chủ đề Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam lựa chọn cho ngày này là “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến người khuyết tật” (Digital technology and accessbility for persons with disabilities). Trong thời đại số, công nghệ đã và đang trở thành công cụ quan trọng giúp con người trong đó có người khuyết tật và những người yếu thế khác trong cộng đồng có thể tiếp cận được với thông tin, giáo dục, việc làm các hoạt động kinh tế, xã hội… dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những người khuyết tật trên thế giới và tại Việt Nam không phải ai cũng có khả năng sử dụng lợi ích mà công nghệ mang lại. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho nhiều người khuyết tật có được cơ hội tuyệt vời để tiếp cận tốt hơn vào xã hội. Ví dụ ngày 1 tháng 4 năm 2025, Đài truyền hình Việt Nam đã chính thức đưa phiên dịch ký hiệu dành cho người khuyết tật nghe nói lên nền tảng VTVgo[1] thay cho việc phát sóng bản tin thời sự lúc 22h khuya hàng ngày trên VTV2 như trước đây.

Năm nay Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đưa chủ đề này nhằm hướng tới và thúc đẩy hai điểm là:

1. Khuyến khích ứng dụng công nghệ giúp người khuyết tật tiếp cận thông tin, giáo dục và việc làm

Người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nhìn và khuyết tật nghe nói[2], gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin từ các nền tảng trực tuyến. Các nền tảng cũ trước đây đều rất khó cho người khuyết tật nhìn có thể đọc được thông tin, không có phần mềm hay ứng dụng chuyển đổi sang ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ công nghệ số phát triển, các phần mềm hỗ trợ đọc văn bản bằng giọng nói (text-to-speech), phần mềm nhận diện giọng nói (speech-to-text), và các ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu giúp họ có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn.

Theo điều tra quốc gia về NKT năm 2023 của Tổng cục thống kê thì tỷ lệ độ tuổi trẻ em khuyết tật đi học chậm hơn so với trẻ không khuyết tật. Trẻ khuyết tật đi học tiểu học là 68,1% so với trẻ không khuyết tật là 95,2% và càng lên cao tỷ lệ trẻ đi học đúng tuổi càng giảm. Nguyên nhân của những con số thấp hơn này trong lĩnh vực giáo dục có thể xuất phát từ việc trẻ khuyết tật không thể đến trường được do hạn chế về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học… chưa đảm bảo tiếp cận cho trẻ. Vì vậy Công nghệ trong ngành giáo dục sẽ mở ra một cơ hội học tập tốt hơn cho trẻ khuyết tật thông quan các nền tảng dễ tiếp cận như học trực tuyến, tài liệu điện tử dễ đọc dễ hiểu thay vì chữ in…. Trước khi công nghệ thông tin phát triển, người khuyết tật rất khó có được công việc từ xa, công nghệ… Kể từ khi CNTT phát triển và đặc biệt từ sau thời kỳ covid-19 công nghệ đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa người khuyết tật với việc làm. Nhờ công nghệ họ có thể làm việc từ xa, sử dụng các phần mềm hỗ trợ để giao tiếp hay sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng công việc. Nhiều doanh nghiệp CNT đã tuyển dụng người khuyết tật và đã chứng minh được hiệu quả làm việc của những lao động này.

2. Thúc đẩy xây dựng môi trường trực tuyến và dịch vụ số dễ tiếp cận

Thiết kế bao trùm trong môi trường trực tuyến: Các trang web và ứng dụng cần tuân thủ tiêu chuẩn tiếp cận như WCAG (Web Content Accessibility Guidelines) để đảm bảo mọi người, bao gồm người khuyết tật, có thể sử dụng hiệu quả. Việc sử dụng giao diện thân thiện, cỡ chữ có thể điều chỉnh, màu sắc tương phản tốt và hỗ trợ bàn phím giúp nâng cao trải nghiệm cho tất cả người dùng.

Dịch vụ công trực tuyến tiếp cận: Hệ thống đăng ký, khai báo, chăm sóc khách hàng của các tổ chức chính phủ và tư nhân cần tích hợp các công cụ hỗ trợ tiếp cận, chẳng hạn như trợ lý ảo có giọng nói, giao diện đơn giản và hỗ trợ nhiều định dạng nội dung khác nhau. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ hỗ trợ: AI và các công cụ hỗ trợ như chatbot, nhận diện giọng nói, và phần mềm giao tiếp thay thế giúp người khuyết tật có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ trực tuyến mà không cần hỗ trợ từ bên ngoài. Điều này không chỉ nâng cao tính độc lập của họ mà còn cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ công và thương mại.

Kết luận

Công nghệ số không chỉ mang lại sự thuận tiện trong cuộc sống mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội hòa nhập và phát triển cho người khuyết tật. Việc kiến tạo một môi trường số dễ tiếp cận không chỉ trao quyền cho nhóm yếu thế mà còn thúc đẩy toàn xã hội phát triển bền vững và công bằng. Đây chính là lúc cần sự chung tay của cả khu vực công và tư nhân trong việc ứng dụng công nghệ để kiến tạo một thế giới số thực sự không rào cản - nơi mọi cá nhân đều có thể tiếp cận tri thức, cơ hội việc làm và phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Các hoạt động trọng tâm có thể áp dụng:

Để hiện thực hóa chủ đề Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến người khuyết tật, mỗi cá nhân, tổ chức và cộng đồng đều có thể đóng góp bằng những hành động thiết thực. Dưới đây là một số hoạt động cụ thể mà chúng ta có thể cùng nhau triển khai:

Lan tỏa nhận thức và thay đổi tư duy

  • Chia sẻ thông tin về Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và ý nghĩa của chủ đề năm nay trên mạng xã hội, trong gia đình, trường học và nơi làm việc.
  • Phổ biến các ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật như phần mềm đọc văn bản, chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu, hoặc các nền tảng học tập trực tuyến dễ tiếp cận.
  • Kêu gọi cộng đồng cùng cam kết xây dựng môi trường số không rào cản bằng cách sử dụng hashtag #CôngNghệChoMọiNgười hoặc #TiếpCậnSố2025.

Hành động cụ thể từ các tổ chức và doanh nghiệp

  • Các cơ quan, doanh nghiệp cần rà soát và cải thiện trang web, ứng dụng theo tiêu chuẩn WCAG để đảm bảo người khuyết tật có thể sử dụng dễ dàng.
  • Tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật, đặc biệt là kỹ năng làm việc từ xa, sử dụng phần mềm chuyên dụng.
  • Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tuyển dụng người khuyết tật, tạo cơ hội việc làm công bằng và môi trường làm việc linh hoạt.

Tham gia và tổ chức sự kiện vì cộng đồng

  • Các địa phương, trường học, tổ chức có thể tổ chức mít-tinh, hội thảo trực tuyến hoặc trực tiếp để thảo luận giải pháp thúc đẩy công nghệ tiếp cận.
  • Phối hợp với các tổ chức người khuyết tật tổ chức ngày hội trải nghiệm công nghệ, nơi mọi người có thể dùng thử các thiết bị, phần mềm hỗ trợ.
  • Vận động các cơ quan nhà nước, đơn vị truyền thông tăng cường nội dung có phụ đề, thuyết minh hoặc ngôn ngữ ký hiệu trong các chương trình phát sóng.

Hãy cùng hành động ngay hôm nay!

Mỗi đóng góp của chúng ta - dù nhỏ bé - đều góp phần kiến tạo một xã hội văn minh, nơi công nghệ số trở thành cầu nối vững chắc vì sự hòa nhập và bình đẳng. Hãy chung tay phá bỏ mọi rào cản, để không một ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số của đất nước!

Hà Nội, ngày 2 tháng 4 năm 2025

Ths. Nguyễn Thị Lan Anh

Phó Chủ tịch

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

 

[2] Định nghĩa/cách gọi trong bài viết này tuân thủ theo Luật người khuyết tật Việt Nam.


0 bình luận

Bình luận thêm