Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tuyển tư vấn hỗ trợ kết nối thị trường trong sinh kế cho người khuyết tật

  • Thực hiện: admin
  • 14/11/2024
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 13

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

TƯ VẤN THỰC HIỆN HỖ TRỢ KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG

TRONG HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ SINH KẾ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

1. Thông tin chung

Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (viết tắt là ACDC), được thành lập vào năm 2011, là một đơn vị nghiên cứu đồng thời là tổ chức của người khuyết tật tại Việt Nam, đã và đang làm việc với các cơ quan chính phủ, người khuyết tật cũng như các tổ chức của họ để bảo vệ quyền của người khuyết tật và đảm bảo sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật (NKT) vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. 

Năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Văn phòng 701), Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đã phối hợp xây dựng dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”. Dự án đã được Thủ tướng chính phủ ra quyết định phê duyệt Chủ trương đầu tư vào tháng 7/2021.  

Tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam, Dự án  do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) quản lý và được viết tắt là Dự án Hòa nhập 1. ACDC là một trong các đối tác triển khai các hoạt động của Dự án Hòa nhập 1 tại 10 huyện, thành phố của 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam. Mục tiêu tổng thể của dự án là Cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật tại 3 tỉnh  giai đoạn 2023 - 2026 với 3 mục tiêu cụ thể: 

Mục tiêu 1: Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng (PHCN), cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; 

Mục tiêu 2: Mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật; 

Mục tiêu 3: Cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hoà nhập xã hội của người khuyết tật.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, dự án sẽ hỗ trợ về sinh kế thí điểm cho 45 hộ gia đình người khuyết tật. Dự án kỳ vọng có thể góp phần hỗ trợ người khuyết tật có thu nhập ổn định hơn, tạo dựng cuộc sống độc lập, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình, và tự tin đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. ACDC cần tuyển một tư vấn có chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm để thực hiện hỗ trợ kết nối thị trường trong hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

2. Phạm vi công việc

    1.  Mục tiêu của hoạt động

Mục tiêu của hoạt động nhằm tìm hiểu thực trạng và nhu cầu kết nối thị trường của các hộ gia đình người khuyết tật thực hiện hoạt động chăn nuôi gà. Đồng thời, tìm hiểu về nhu cầu của các cửa hàng, cơ sở và các đơn vị để xác định và lựa chọn thị trường tiêu thụ sản phẩm gà thịt cho các hộ gia đình người khuyết tật tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

2.2. Đối tượng và phạm vi

Đối tượng của hoạt động hỗ trợ kết nối thị trường là 19 người khuyết tật/hộ gia đình người khuyết tật được lựa chọn để hỗ trợ hoạt động sinh kế chăn nuôi gà, bao gồm: tỉnh Quảng Trị (12 người khuyết tật), Thừa Thiên Huế (4 người khuyết tật) và Quảng Nam (3 người khuyết tật). Tư vấn cũng thực hiện hoạt động khảo sát nhu cầu của các cửa hàng thực phẩm, cơ sở thu mua và thương lái để kết nối thị trường góp phần giúp người khuyết tật nâng cao thu nhập, giảm phụ thuộc kinh tế và thúc đẩy khả năng tự lập cho người khuyết tật.

Phạm vi về không gian: Hoạt động kết nối thị trường về sinh kế cho hộ gia đình người khuyết tật được thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.

Phạm vi về không gian: Từ tháng 12/2024 đến tháng 4/2025.

3. Kế hoạch thực hiện hoạt động và sản phẩm đầu ra

STT

Hoạt động

Sản phẩm đầu ra

Thời gian hoàn thành

1

Làm việc với 19 hộ gia đình người khuyết tật thực hiện hoạt động sinh kế chăn nuôi gà để khảo sát thực trạng và nhu cầu kết nối thị trường

Kết quả thu thập thông tin từ phỏng vấn hộ gia đình người khuyết tật

Tuần 1 – 2 tháng 12/2024

2

Tìm hiểu về nhu cầu của các cửa hàng thực phẩm, cơ sở và các đơn vị thu mua để xác định và lựa chọn thị trường tiêu thụ sản phẩm gà thịt tại mỗi địa phương

Kết quả thu thập thông tin từ phỏng vấn đại diện các cửa hàng thực phẩm, cơ sở và các đơn vị thu mua và thương lái tại địa phương

Tuần 2 – 4 tháng 01/2025

3

Tổng hợp thông tin, viết và hoàn thiện báo cáo kết thúc hoạt động tư vấn hỗ trợ kết nối thị trường

01 Báo cáo kết thúc hoạt động tư vấn hỗ trợ kết nối thị trường

Tuần 2 – 3 tháng 4/2025

4. Trách nhiệm và yêu cầu với các bên:

4.1. Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC)  

  • Cung cấp các tài liệu có liên quan đến dự án.
  • Liên hệ và đặt lịch với các bên liên quan.
  • Tổ chức hậu cần bao gồm đi lại, nghỉ tại thực địa, và thanh toán các chi phí liên quan, chi phí đi lại, nghỉ trong quá trình thực địa của tư vấn sẽ được chi trả bởi ACDC theo các quy định và định mức của ACDC.
  • Lựa chọn các thành viên tham gia hỗ trợ và tổ chức các hoạt động có liên quan.
  • Góp ý dự thảo báo cáo.

4.2. Nhiệm vụ của tư vấn

  • Nghiên cứu một số tài liệu liên quan đến dự án để hỗ trợ triển khai hoạt động theo đúng nội dung kế hoạch.
  • Hoàn thành các nội dung công việc, đảm bảo chất lượng và tiến độ đã thống nhất, bao gồm:

+   Khảo sát thực địa tại các hộ gia đình thuộc các huyện tại 03 tỉnh triển khai dự án để xác định nhu cầu kết nối thị trường của NTK/hộ gia đình NKT.

+   Tìm hiểu về nhu cầu của các cửa hàng thực phẩm, cơ sở và các đơn vị thu mua để xác định và lựa chọn thị trường tiêu thụ sản phẩm gà thịt tại mỗi địa phương;

+   Tổng hợp thông tin và hoàn thành báo cáo kết thúc hoạt động tư vấn kết nối thị trường. 

  • Kết thúc hoạt động hỗ trợ kết nối thị trường, kết quả thu về của tư vấn cần đảm bảo các mục tiêu ban đầu đề ra của hoạt động và các sản phẩm đầu ra cần có như kế hoạch.

5. Yêu cầu về tư vấn

  • Có trình độ Đại học trở lên về các chuyên ngành liên quan đến phát triển thị trường, phát triển kinh tế, phát triển cộng đồng, marketing, kinh doanh, hoặc các lĩnh vực liên quan.
  • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm thực hiện các khảo sát, đánh giá trong lĩnh vực phát triển, phát triển chuỗi giá trị và hỗ trợ kết nối thị trường.
  • Có kỹ năng đánh giá và xác định cơ hội thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp.
  • Có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng và hộ gia đình người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
  • Có kinh nghiệm thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin và viết báo cáo.

6. Phí tư vấn

Phí tư vấn sẽ được trả dựa trên kinh nghiệm và chất lượng công việc của tư vấn. Mức phí cụ thể sẽ được quyết định sau khi thảo luận và thống nhất với ACDC.

7. Quản lý và giám sát

Các công việc của tư vấn được thực hiện dưới sự quản lý chung của Ban Giám đốc dự án. Khi thực hiện các hoạt động liên quan tới địa phương, tư vấn sẽ chịu sự quản lý và giám sát trực tiếp của cán bộ Giám sát và đánh giá của ACDC (MELO).

8. Thủ tục đăng ký

8.1. Hồ sơ

Ứng viên quan tâm xin nộp đề xuất cho dự án bằng tiếng Việt gồm có:

  • Đề xuất kỹ thuật triển khai hoạt động (ngắn gọn);
  • Sơ yếu lý lịch khoa học (CV) thể hiện năng lực và chuyên môn kinh nghiệm phù hợp.

8.2. Phương thức nộp hồ sơ

  1. Hạn cuối nộp đề xuất: Trước 17h00, ngày 28 tháng 11 năm 2024 (Thứ năm)
  2. Địa chỉ gửi hồ sơ tư vấn và liên hệ:
  • Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Cán bộ Hành chính – Nhân sự
  • Điện thoại: 024 66 75 39 46 - Email: hr@acdc.org.vn
  • Địa chỉ: Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng. Tầng 2, tòa B, Chung cư Bộ Công an, cuối ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, P. Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

* Lưu ý:

  • ACDC sẽ chỉ liên hệ với các hồ sơ đạt yêu cầu.
  • ACDC tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các cá nhân tham gia nộp hồ sơ. Chúng tôi hoan nghênh các cá nhân đủ điều kiện. Quy trình lựa chọn của ACDC tuân thủ các cam kết trong chính sách bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ, của tổ chức.

0 bình luận

Bình luận thêm