Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Kết quả đánh giá nhanh về thời gian phát sóng và kênh phát sóng các chương trình có phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu trên Đài Truyền hình Việt Nam

Danh mục: Nghiên cứu | Ngày: 10/03/2021 | Download

Thời gian: 01/2021
Đơn vị thực hiện: Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC)
Hình thức sử dụng: Đánh giá nhanh qua mạng xã hội (Facebook và Google)
Số lượng mẫu: 200 mẫu

Trong quá trình phát sóng song song chương trình Thời sự dành cho người khuyết tật, phát hằng ngày trên kênh VTV2, lúc 22h00 và chương trình “Việt Nam hôm nay” trên kênh VTV1 phát sóng trong khung giờ từ 17h30 - 18h30 hàng ngày được thực hiện phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu (NNKH), ACDC đã tiến hành một cuộc khảo sát đánh giá nhanh về phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình, trong đó 86% người tham gia là người khuyết tật nghe - nói với các độ tuổi từ 10 tuổi đến trên 60 tuổi, thông qua hình thức trả lời bảng hỏi trên Google form.

Một điều đáng vui mừng rằng đa số đối tượng được hỏi đều biết đến chương trình Thời sự lúc 22 giờ trên VTV2 (63,6%) và chương trình “Việt Nam hôm nay” lúc 17 giờ 30 phút trên VTV1 (78.8%) vì họ cho rằng các thông tin của hai chương trình này rất bổ ích, cần thiết, sống động, giúp người điếc biết để tránh những rủi rõ trong thực tế cuộc sống và điều quan trọng là có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu giúp người khuyết tật nghe - nói biết được thông tin của trong nước và thế giới.

Tuy nhiên, cùng là các chương trình truyền hình có phiên dịch NNKH, thì tỷ lệ người  khuyết tật nghe - nói (tham gia khảo sát) xem chương trình “Việt Nam hôm nay” lúc 17 giờ 30 phút trên VTV1 (73,5%) cao hơn hẳn tỷ lệ người xem chương trình Thời sự lúc 22 giờ trên VTV2 (50,3%). Lý do chủ yếu  là  thời gian phát sóng bản tin có phiên dịch NNKH lúc 22h trên VTV2 là thời gian quá muộn, chưa thực sự phù hợp hoặc hoàn toàn không phù hợp với lịch sinh hoạt cá nhân của đa số người khuyết tật nghe - nói và gia đình họ.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát của Viện chúng tôi cho thấy: Đại đa số người khuyết tật nghe nói tham gia khảo sát (84,2%), đều mong muốn tập trung theo dõi tin tức của Chương trình “Việt Nam hôm nay” có phiên dịch NNKH phát trên VTV1 vào 17h30 hàng ngày. Vì khung giờ đó dễ tiếp cận với đại đa số người khuyết tật nghe - nói ở nhiều lứa tuổi; phù hợp với điều kiện sinh hoạt của nhiều gia đình có người khuyết tật nghe - nói ở các khu vực khác nhau (thành thị, nông thôn,...).

Xuất phát từ kết quả nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi xin kiến nghị với đài truyền hình Việt Nam:

Thứ nhất: Việc có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu của Chương trình “Việt Nam ngày nay” trên kênh VTV1 vào 17h30 cần được tiếp tục duy trì, thay vì kết thúc vào tháng 03 - 2021. Vì đây là giải pháp rất cần thiết, phù hợp với đại đa số nhu cầu của người khuyết tật nghe - nói hiện nay. Trong trường hợp vì lý do ngân sách hoặc lý do khác mà chưa thể duy trì song song chế độ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho cả hai chương nói trên, thì trước mắt chúng tôi kiến nghị Quý Đài tập trung ưu tiên bố trí phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đối với Chương trình “Việt Nam ngày nay” trên kênh VTV1 vào 17h30 hàng ngày.

Thứ hai: Để phù hợp với nội dung của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật (nghe - nói) bình đẳng với người không khuyết tật trong tiếp cận thông tin (đặc biệt là thông tin thời sự trong nước, quốc tế), đồng thời nhằm hỗ trợ nhóm người khuyết tật nghe - nói tăng cường hòa nhập cộng đồng, thì về lâu dài đề nghị Quý Đài cân nhắc, nghiên cứu giải pháp để tiến tới việc sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại Chương trình Thời sự phát trên VTV1 vào 19h hàng ngày (khung giờ vàng).

Thứ ba: Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khán giả khuyết tật nghe - nói, đề nghị Quý Đài cân nhắc một số giải pháp cải tiến kỹ thuật như: Màn hình phiên dịch viên phóng to hơn để nhìn rõ hơn. Màn hình ảnh màu trắng riêng và phiên dịch áo đen để nhìn cho rõ. Không nên nhiều màu sắc vì không nhìn rõ phiên dịch nữa. Thêm phụ đề tiếng Việt cho người khuyết tật nghe (người Điếc) học tìm hiểu về thời sự.

Quý vị có thể tải file mục Download.