ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
TƯ VẤN THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU VỀ SINH KẾ
CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
1. Thông tin chung
Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (viết tắt là ACDC), được thành lập vào năm 2011, là một đơn vị nghiên cứu đồng thời là tổ chức của người khuyết tật tại Việt Nam, đã và đang làm việc với các cơ quan chính phủ, người khuyết tật cũng như các tổ chức của họ để bảo vệ quyền của người khuyết tật và đảm bảo sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật (NKT) vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Văn phòng 701), Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đã phối hợp xây dựng dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”. Dự án đã được Thủ tướng chính phủ ra quyết định phê duyệt Chủ trương đầu tư vào tháng 7/2021.
Tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam, Dự án do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) quản lý và được viết tắt là Dự án Hòa nhập 1. ACDC là một trong các đối tác triển khai các hoạt động của Dự án Hòa nhập 1 tại 10 huyện, thành phố của 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam. Mục tiêu tổng thể của dự án là Cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật tại 3 tỉnh giai đoạn 2023 - 2026 với 3 mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng (PHCN), cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người khuyết tật;
Mục tiêu 2: Mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật;
Mục tiêu 3: Cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hoà nhập xã hội của người khuyết tật.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, dự án sẽ hỗ trợ về sinh kế thí điểm cho 45 hộ gia đình người khuyết tật. Dự án kỳ vọng có thể góp phần hỗ trợ người khuyết tật có thu nhập ổn định hơn, tạo dựng cuộc sống độc lập, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình, và tự tin đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. ACDC cần tuyển một tư vấn/nhóm tư vấn có chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm để thực hiện đánh giá ban đầu về sinh kế cho người khuyết tật tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.
2. Phạm vi công việc
-
- Mục tiêu của đánh giá
2.1.1. Mục đích của đánh giá: Mô tả, phân tích, đánh giá ban đầu về thực trạng sinh kế của hộ gia đình NKT và tìm hiểu khả năng phát triển bền vững của một số mô hình. Trên cơ sở đó đề xuất triển khai các mô hình sinh kế cho hộ gia đình NKT giai đoạn 2024 - 2025.
2.1.2. Mục tiêu cụ thể
- Xác định kế hoạch, định hướng phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa phương liên quan đến NKT/hộ gia đình NKT hiện nay. Tìm hiểu các mô hình sản xuất kinh doanh tại địa phương phù hợp với hộ gia đình NKT.
- Mô tả, phân tích, đánh giá ban đầu về thực trạng, năng lực kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm và nhu cầu về sinh kế của hộ gia đình NKT; về những thuận lợi, khó khăn làm cơ sở cho việc phát triển các mô hình sản xuất và kinh doanh;
- Đánh giá tiềm năng, thách thức của các mô hình sinh kế, các yếu tố ảnh hưởng đến mô hình sinh kế ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, các ngành nghề liên quan để có thể hỗ trợ phát triển sinh kế cho NKT và hộ gia đình NKT;
- Đề xuất các giải pháp và khuyến nghị phát triển sinh kế bền vững ở địa bàn dự án;
- Đề xuất kế hoạch thực hiện mô hình sinh kế tương ứng với mỗi hộ gia đình NKT (bao gồm kế hoạch thực hiện mô hình sinh kế, các hỗ trợ được nhận và kết quả sau hỗ trợ).
2.2. Phương pháp và nội dung đánh giá
Đánh giá ban đầu về sinh kế cho người khuyết tật sẽ được thực hiện với nhiều phương pháp khác nhau dựa trên đề xuất và thống nhất giữa tư vấn/nhóm tư vấn và ACDC. Một số phương pháp thu thập thông tin dữ liệu được thực hiện, nhưng không giới hạn gồm:
- Nghiên cứu, thu thập thông tin tài liệu thứ cấp: Các tài liệu liên quan đến dự án, tài liệu về kế hoạch hỗ trợ NKT tại các địa phương, các các chính sách hỗ trợ dành cho NKT phát triển sinh kế, các định hướng hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương,...
- Phỏng vấn sâu: Đối tượng phỏng vấn dự kiến bao gồm lãnh đạo/cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh; Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện/thị xã; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện/thị xã; Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện/thị xã; Hội Người khuyết tật cấp tỉnh/huyện; Ủy ban Nhân dân cấp xã, Cơ sở sản xuất kinh doanh…
- Phỏng vấn hộ: Ít nhất135 hộ gia đình NKT tại 03 tỉnh triển khai dự án (tương ứng với 45 hộ/tỉnh) được đánh giá ban đầu về sinh kế.
- Thảo luận nhóm[1]: Thảo luận nhóm với các nhóm sinh kế, tổ hợp tác, các đơn vị cấp huyện, xã và thành viên 06 CLB PNKT tại 06 huyện/thành phố thuộc 03 tỉnh: Thừa Thiên Huế (huyện Phong Điền và thành phố Huế); Quảng Trị (Vĩnh Linh và Triệu Phong) và Quảng Nam (Thăng Bình và Duy Xuyên).
- Thời gian, địa điểm và thành phần tham gia
STT |
Địa điểm |
Thời gian |
Thành phần nhóm hưởng lợi |
1 |
Thừa Thiên Huế |
Tháng 06 -07/2024 |
Đánh giá ban đầu 45 hộ gia đình NKT; chọn 14 hộ vào mô hình sinh kế thuộc các huyện Phú Vang, Phong Điền, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế |
2 |
Quảng Trị |
Tháng 06 -07/2024 |
Đánh giá ban đầu 45 hộ gia đình NKT; chọn 17 hộ vào mô hình sinh kế thuộc các huyện Cam Lộ, Triệu Phong và Vĩnh Linh |
3 |
Quảng Nam |
Tháng 06-07/2024 |
Đánh giá ban đầu 45 hộ gia đình NKT; chọn 14 hộ vào mô hình sinh kế thuộc các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Phước Sơn và Bắc Trà My |
- Tiêu chí lựa chọn hộ gia đình NKT và lập kế hoạch sinh kế
- Tiêu chí về hộ gia đình:
- Hộ gia đình NKT có nhu cầu, có khả năng lao động và có năng lực về tài chính/kỹ thuật và người khuyết tật có thể tham gia vào thực hiện một số hoạt động kế hoạch sản xuất và phát triển sinh kế của mình;
- Ưu tiên một số hộ gia đình NKT có khả năng đối ứng về nguồn lực tài chính, tư liệu sản xuất nhằm đảm bảo tính cam kết và bền vững của các mô hình sinh kế;
- Ưu tiên một số hộ gia đình có phụ nữ khuyết tật tham gia vào hoạt động phát triển sinh kế của hộ gia đình.
- Tiêu chí về mô hình sinh kế:
- Ưu tiên các mô hình hộ gia đình NKT hoặc địa phương đã có kinh nghiệm;
- Có khả năng duy trì bền vững và nhân rộng mô hình tại địa phương;
- Có lợi ích về kinh tế và dễ dàng tiếp cận với thị trường;
- Có khả năng tiếp cận với các nguồn lực phù hợp ở địa phương (tín dụng, tập huấn và các nguồn lực khác);
- Ít gây tác động xấu đến môi trường;
- Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương;
- Đa dạng hóa mô hình sinh kế, trong đó ưu tiên các mô hình phi nông nghiệp phù hợp với năng lực và trình độ của hộ gia đình và NKT.
- Đối với các mô hình sản xuất, ưu tiên nguồn nguyên liệu tại địa phương để phát triển sản xuất. Đặc biệt dân cư ở các vùng đệm khu vườn quốc gia, khu bảo tồn phải ưu tiên phát triển những lâm sản ngoài gỗ nhằm giảm thiểu lên tác động tài nguyên rừng, tài nguyên nước và đa dạng sinh học;
- Mô hình sinh kế cần phải khả thi, phù hợp với hộ gia đình NKT theo từng địa phương.
Lưu ý: Dựa trên kết quả khảo sát tư vấn có thể đề xuất tiêu chí lựa chọn hộ gia đình người khuyết tật, mô hình sinh kế phù hợp để bổ sung hoặc thay thế các tiêu chí lựa chọn dự kiến ở trên.
5. Kế hoạch thực hiện hoạt động và sản phẩm đầu ra
STT |
Hoạt động |
Sản phẩm đầu ra |
Thời gian hoàn thành |
1 |
Xây dựng và thống nhất đề cương và bộ công cụ khảo sát, đánh giá hộ gia đình NKT với ACDC |
|
Tuần 01 tháng 7/2024 |
2 |
Tiến hành đánh giá ban đầu về sinh kế cho 135 hộ gia đình NKT tại thực địa |
|
Tuần 2 - 4 tháng 7/2024 |
3 |
Tổng hợp thông tin và xử lý dữ liệu |
File nhập thông tin và xử lý dữ liệu |
Tuần 4 tháng 7/2024 |
4 |
Viết báo cáo dự thảo |
|
Tuần 01 tháng 8/2024 |
5 |
Tham vấn các bên liên quan |
|
Tuần 01 tháng 8/2024 |
6 |
Hoàn thiện báo cáo |
|
Tuần 01 tháng 8/2024 |
6. Trách nhiệm và yêu cầu với các bên:
6.1. Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC)
- Cung cấp các tài liệu liên quan đến dự án.
- Liên hệ đặt lịch với các bên liên quan.
- Tổ chức hậu cần bao gồm đi lại, ăn ở tại thực địa, và thanh toán các chi phí liên quan, chi phí đi lại, ăn, nghỉ trong quá trình thực địa của tư vấn/nhóm tư vấn sẽ được chi trả bởi ACDC theo các quy định và định mức của ACDC.
- Lựa chọn các đối tượng hưởng lợi tham gia khảo sát và tổ chức các cuộc họp có liên quan.
- Góp ý dự thảo báo cáo, bộ công cụ.
6.2. Nhiệm vụ của tư vấn/nhóm tư vấn
- Nghiên cứu một số tài liệu liên quan đến dự án để hỗ trợ triển khai hoạt động theo đúng nội dung kế hoạch.
- Xây dựng và hoàn thiện đề cương, bộ công cụ đánh giá (Đề cương khảo sát đánh giá; Bộ công cụ đo lường các chỉ số về hỗ trợ sinh kế, Bảng hỏi phỏng vấn hộ; Phiếu phỏng vấn sâu; Nội dung thảo luận nhóm với các đối tác và người hưởng lợi) theo kế hoạch.
- Khảo sát thực địa tại các huyện thuộc 03 tỉnh triển khai dự án để xác định nhu cầu phát triển các mô hình sinh kế của NTK/hộ gia đình NKT.
- Tổng hợp thông tin, phân tích, xử lý số liệu và hoàn thiện báo cáo đánh giá ban đầu về sinh kế cho 135 hộ gia đình NKT.
- Xác định và đề xuất kế hoạch phát triển sản xuất/kinh doanh ban đầu cho 45/135 hộ được chọn làm mô hình sinh kế. [2]
- Kết thúc đợt đánh giá, kết quả thu về của tư vấn/nhóm tư vấn cần đảm bảo các mục tiêu ban đầu đề ra của khảo sát và các sản phẩm đầu ra cần có như kế hoạch.
7. Yêu cầu về tư vấn/nhóm tư vấn
7.1. Tư vấn chính/trưởng nhóm tư vấn
- Có trình độ Thạc sĩ trở lên về các chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông nghiệp, kinh tế phát triển hoặc các lĩnh vực liên quan đến sinh kế.
- Có ít nhất 7-10 năm kinh nghiệm thực tế thực hiện các khảo sát, nghiên cứu tương tự về các mô hình sản xuất, kinh doanh ở khu vực các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam.
- Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm các dự án phát triển của các tổ chức phi chính phủ (NGO) về hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế, nhất là sinh kế hộ gia đình.
- Có kiến thức và kinh nghiệm làm việc về các chương trình, dự án phát triển, đặc biệt là các dự án liên quan đến nhóm người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác.
- Tôn trọng và có khả năng giao tiếp hiệu quả với nhiều nhóm người yếu thế khác nhau (đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, …).
- Có kinh nghiệm thu thập dữ liệu khảo sát định tính và định lượng (bảng hỏi giấy hoặc qua các ứng dụng thu thập dữ liệu online).
- Có khả năng phân tích dữ liệu, tổng hợp thông tin và viết báo cáo bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
7.2. Tư vấn viên/thành viên nhóm tư vấn
- Có trình độ Đại học trở lên về các chuyên ngành liên quan đến nông - lâm - ngư nghiệp hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đến phát triển sinh kế.
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm thực hiện các khảo sát, đánh giá các hoạt động sinh kế và phát triển cộng đồng.
- Có ít nhất 5 kinh nghiệm làm việc với các tổ chức phi chính phủ (NGO).
- Có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng và hộ gia đình người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
- Có kinh nghiệm thu thập dữ liệu khảo sát định tính và định lượng (bảng hỏi giấy hoặc qua các ứng dụng thu thập dữ liệu online).
- Có kinh nghiệm thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin và viết báo cáo.
8. Phí tư vấn
Phí tư vấn sẽ được trả dựa trên kinh nghiệm và chất lượng công việc của tư vấn/nhóm tư vấn. Mức phí cụ thể sẽ được quyết định sau khi thảo luận và thống nhất với ACDC.
9. Quản lý và giám sát
Các công việc của tư vấn/nhóm tư vấn được thực hiện dưới sự quản lý chung của Ban Giám đốc dự án. Khi thực hiện các hoạt động liên quan tới địa phương, tư vấn/nhóm tư vấn sẽ chịu sự quản lý và giám sát trực tiếp của cán bộ Giám sát và đánh giá của ACDC (MELO).
10. Thủ tục đăng ký
10.1. Hồ sơ
Ứng viên hoặc các đơn vị quan tâm xin nộp đề xuất cho dự án bằng tiếng Việt gồm có:
- Đề xuất kỹ thuật:
- Đề xuất kỹ thuật triển khai hoạt động (ngắn gọn);
- Kế hoạch làm việc dự kiến bao gồm các đầu việc cụ thể và số ngày làm việc. Nếu là nhóm tư vấn, cần cung cấp kế hoạch thực hiện với các đầu công việc và số ngày làm việc cụ thể tương ứng với từng thành viên;
- Sơ yếu lý lịch khoa học (CV) thể hiện năng lực và chuyên môn kinh nghiệm phù hợp.
- Đề xuất tài chính: Đề xuất phí tư vấn với bảng nội dung chi tiết (Nếu là nhóm tư vấn, chỉ rõ mức phí tư vấn theo ngày bằng đồng Việt Nam (VND), nhiệm vụ của từng thành viên và mức phí tương ứng của từng thành viên). Lưu ý thông tin mức phí tư vấn đề xuất là mức phí đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân hoặc VAT (áp dụng đối với các đơn vị/tổ chức).
10.2. Phương thức nộp hồ sơ
- Hạn cuối nộp đề xuất: Trước 17h00, ngày 21 tháng 6 năm 2024 (Thứ sáu)
- Địa chỉ gửi hồ sơ tư vấn và liên hệ:
- Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Cán bộ Hành chính – Nhân sự
- Điện thoại: 024 66 75 39 46 - Email: hr@acdc.org.vn
- Địa chỉ: Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng. Tầng 2, tòa B, Chung cư Bộ Công an, cuối ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, P. Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
* Lưu ý:
- Đề xuất cần nộp bản có đầy đủ chữ ký, con dấu (đối với công ty).
- ACDC sẽ chỉ liên hệ với các hồ sơ đạt yêu cầu (trong thời gian 02 tuần kể từ khi thời gian gửi hồ sơ kết thúc).
- ACDC tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các đơn vị/cá nhân tham gia nộp hồ sơ. Chúng tôi hoan nghênh các đơn vị/cá nhân đủ điều kiện. Quy trình lựa chọn của ACDC tuân thủ các cam kết trong chính sách bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ, của tổ chức.
[1] Lưu ý: Tùy theo tình hình thực tế tại các địa phương, tư vấn/nhóm tư vấn có thể đề xuất số lượng cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm trong đề cương và kế hoạch đánh giá chi tiết.
[2] - Trong bản đề xuất, một hộ có thể có nhiều mô hình được đề xuất để lựa chọn, các mô hình đề xuất cần đảm bảo NKT có thể tham gia.
- Tùy theo từng địa phương, vùng có thể tập hợp lại một nhóm người khuyết tật/ hộ gia đình tạo thành một mô hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất.