Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Nam: Họp sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án "Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật, giai đoạn II" tại tỉnh

  • Thực hiện: Minh Trần
  • 31/07/2024
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 184

Sáng ngày 31/7/2024, dự án “Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật, giai đoạn II” tại tỉnh Quảng Nam đã họp sơ kết, đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện dự án. Cuộc họp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và Ban Quản lý dự án tại tỉnh Quảng Nam và Viện ACDC phối hợp tổ chức.

Mục tiêu của sự kiện nhằm sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế của người khuyết tật giai đoạn II” (2021-2024); đồng thời lắng nghe các chia sẻ kết quả từ người hưởng lợi là người khuyết tật và các cơ quan liên quan trong dự án.

Một tiết mục trình diễn văn nghệ do người khuyết tật biểu diễn

Tham gia sự kiện có bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC, Giám đốc dự án; bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trưởng Ban quản lý dự án; đại diện các cơ quan, đơn vị như Sở/phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Hội người khuyết tật tỉnh/huyện…

Bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trưởng Ban quản lý dự án đánh giá cao về kết quả hoạt động của ACDC đạt được trong công tác hỗ trợ người khuyết tật

Phát biểu tại hội nghị, bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trưởng Ban quản lý dự án khẳng định: Quá trình thực hiện dự án đã đạt những mục tiêu, kết quả theo quyết định của UBND tỉnh giao, qua đó, góp phần tiếp tục tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật cũng như góp phần thiết thực vào đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC, Giám đốc dự án cũng cho biết: Với mục đích nhằm tăng cường việc thực thi chính sách về người khuyết tật, qua ba năm triển khai, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào... Qua các hoạt động này, hàng nghìn người khuyết tật đã được tham gia và hưởng lợi, các cán bộ địa phương được nâng cao kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ người khuyết tật tốt hơn, thúc đẩy việc thực thi các chính sách liên quan ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh, qua đó góp phần xây dựng một xã hội hòa nhập, công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Theo báo cáo, từ năm 2021 đến năm 2024, dự án tại tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Xét về mục tiêu thúc đẩy thực thi chính sách về sống độc lập, hòa nhập khuyết tật và không phân biệt đối xử với người khuyết tật: dự án đã triển khai và thí điểm hệ thống xe buýt dễ tiếp cận ở tỉnh, đơn cử như đã có 10 xe buýt được lắp đặt tính năng hỗ trợ tiếp cận; thiết kế, giám sát và lắp đặt 02 nhà chờ xe buýt tiếp cận; 79 lái xe, phụ xe, người quản lý của các đơn vị vận tải hành khách được tập huấn về kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông. Tiếp nối thành công của giai đoạn trước, ở giai đoạn này 01 mô hình Nhà trung chuyển được thiết lập tại Trung tâm y tế huyện Tiên Phước. Năng lực về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cũng được nâng cao bằng việc 138 phụ nữ và thành viên gia đình phụ nữ khuyết tật được tham gia tập huấn, 93 cán bộ y tế, tư pháp, trợ giúp pháp lý, các hội, ban ngành được tập huấn về bạo lực giới, tập trung vào kỹ năng sàng lọc, quản lý trường hợp. 

 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC, Giám đốc dự án chia sẻ về kết quả thực hiện dự án giai đoạn 2021 - 2024 vừa qua

Xét về mục tiêu cải thiện năng lực thực thi chính sách của các cơ quan ban ngành, đã có 78 cán bộ y tế cấp xã, công chức văn hoá xã hội và cán bộ hội người khuyết tật được tham gia tập huấn nâng cao năng lực về sống độc lập, hòa nhập khuyết tật và tiếp cận vật lý, từ đó giúp họ có thể tư vấn cho người khuyết tật tại nhà. Đặc biệt, trong 3 năm triển khai dự án 03 chuyến khảo sát về đánh giá mức độ tiếp cận đã được triển khai, 338 công trình đã được khảo sát và đánh giá. Các hoạt động cải thiện tiếp cận y tế công và dịch vụ xã hội cho người khuyết tật cũng đạt được nhiều thành công đáng kể, với 318 phụ nữ được thăm khám sức khỏe sinh sản miễn phí; 131 được tập huấn về hòa nhập khuyết tật, sống độc lập; 78 hộ gia đình được đánh giá và tư vấn sống độc lập. Đặc biệt, dự án cũng đã tăng cường các dịch vụ tư vấn về người khuyết tật và dịch vụ trợ giúp pháp lý. Cuối dự án, đã có 1.060 lượt câu hỏi/nhu cầu tư vấn pháp luật của người khuyết tật được tư vấn, giải đáp miễn phí các vấn đề liên quan đến pháp luật, chính sách…

Với những nỗ lực vì cộng đồng người khuyết tật của dự án nói riêng và ACDC nói chung tại địa phương, trong buổi họp sơ kết lần này, ACDC và Viện trưởng Viện ACDC đã vinh dự được đón nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhằm ghi nhận những đóng góp trong công tác xã hội, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. 

Viện ACDC vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhằm ghi nhận những đóng góp trong công tác xã hội, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh các bài chia sẻ về kết quả dự án, các đại biểu cũng đã lắng nghe các chia sẻ đầy tâm huyết của các cơ quan ban ngành của tỉnh cũng như người khuyết tật tại tỉnh nhà. Đại diện cho người khuyết tật tại tỉnh, ông Hứa Quốc Dũng, chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh đánh giá cao những kết quả mà dự án đã đạt được. Ông cho biết: Khi tham gia các hoạt động dự án, ban đầu chúng tôi thật bỡ ngỡ, từ việc sử dụng từ ngữ đến công tác phối hợp tổ chức hoạt động đều mới lạ…sau dần tôi mới được làm quen và tăng cường được năng lực của bản thân tôi nói riêng và các anh/ chị trong Hội nói chung. Chúng tôi trân trọng, tri ân những giá trị mà dự án mang lại và mong mỏi có thêm các hoạt động, dự án dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Nam.

Ông Hồ Quang Huy, Phó trưởng Trạm Y tế xã Tam An, huyện Phú Ninh chia sẻ: Có thể nói, thay đổi quan trọng nhất đối với tôi, đó là tôi đã thay đổi nhận thức, tư duy trong việc can thiệp, hỗ trợ người khuyết tật. Bản thân tôi trước đây hầu như chỉ quan tâm yếu tố chăm sóc về mặt y tế mà chưa nghĩ đến các yếu tố về hòa nhập và sống độc lập, thì đến nay tôi đã hiểu rằng, cần lưu ý đến các rào cản xung quanh người khuyết tật (như rào cản về cơ sở vật chất, chính sách, thông tin truyền thông, thái độ, nhận thức của cộng đồng, xã hội về người khuyết tật…) vì đó mới là nguyên nhân chính làm cản trở sự tham gia của họ. 

Nhiều đại biểu cũng đã đồng thuận, dự án làm thay đổi rất nhiều trong nhận thức, trong đời sống không chỉ của người khuyết tật mà còn của các cán bộ, của các sở, ban, ngành liên quan. Đồng thời, các đại biểu cũng kỳ vọng sẽ có những hoạt động tiếp nối thành công của dự án để nhiều hơn nữa người khuyết tật và các bên liên quan được hưởng lợi.

Hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật, giai đoạn II” tại tỉnh Quảng Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.


0 bình luận

Bình luận thêm