Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Gieo mầm đổi thay

  • Thực hiện: admin
  • 10/08/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2394

“Điều mà tôi học được từ dự án và rất tâm đắc để chia sẻ cùng mọi người ở mọi lúc mọi nơi là để người khuyết tật hòa nhập thì cần phải có tiếp cận. Tiếp cận phải từ trong nhà và ra đến xã hội.” - Lời chia sẻ tâm huyết trên thể hiện sự thay đổi lớn của ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em, nguyên Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị.

Thực sự khi nghe lời chia sẻ này, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc xen lẫn tự hào, vì sau bao thời gian đồng hành cùng dự án, bao tâm huyết và cố gắng của tất cả, vị lãnh đạo chủ chốt của người khuyết tật tỉnh Quảng Trị đã có những thay đổi tích cực và sâu sắc trong cả nhận thức và hành động, mang lại lợi ích to lớn cho người khuyết tật tỉnh nhà. Nhớ lại những ngày đầu tiếp cận với ông để phác thảo dự án, câu hỏi đầu tiên của ông dành cho chúng tôi là dự án có bao nhiêu tiền và cho người khuyết tật cái gì? Lúc đó, chúng tôi đã tự hỏi rằng bao giờ mọi người sẽ thực sự hiểu đúng về “hòa nhập khuyết tật”.

Ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em và Trưởng ban Quản lý Dự án trên bàn làm việc

Với vai trò Trưởng Ban quản lý dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” tại tỉnh Quảng Trị do ACDC thực hiện với tài trợ từ USAID, ông luôn mang trong mình tâm huyết tất cả vì người khuyết tật. Khi tham gia sâu vào từng hoạt động của dự án, từ các lớp tập huấn nâng cao năng lực đến các hội thảo, giao lưu chia sẻ, tư vấn pháp luật trực tiếp và hoạt động giám sát thực thi chính sách, tiếp cận... ông đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức về hòa nhập khuyết tật. Ông nhận ra để hỗ trợ người khuyết tật không chỉ cho cái ăn và phương tiện di chuyển mà việc hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu và quyền của họ. Từ đây, ông đã chỉ đạo các hoạt động gây quỹ của Hội, không chỉ tập trung vào việc trao học bổng, xe lăn, quà nhân các ngày lễ mà nhân rộng sang việc quảng bá hình ảnh của Hội để gây quỹ hỗ trợ người khuyết tật được sống độc lập và tiếp cận hơn với cộng đồng như xây dựng nhà vệ sinh tiếp cận, đường dốc…

Tại hội nghị “Chia sẻ việc thực hiện các chính sách liên quan đến người khuyết tật năm 2019” ông đã thẳng thắn chỉ ra: “Vừa qua được sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”, Hội chúng tôi đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đi kiểm tra các công trình công cộng ở một số huyện, thấy rằng rất hiếm công trình đáp ứng được khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. Các cơ sở y tế chỉ có đường tiếp cận mà chưa có nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Nhìn lại khoảng thời gian khi còn làm lãnh đạo tỉnh, tôi nghĩ mình quan liêu quá, không biết việc này do không kiểm tra các công trình công cộng đã tiếp cận với người khuyết tật hay chưa mà chỉ xem qua báo cáo của cơ quan chuyên môn.”

Ông Thái Vĩnh Liệu chia sẻ phát biểu tại Tập huấn về Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật tại Quảng Trị

Không dừng ở lời phát biểu, ông đã biến suy nghĩ thành hành động. Ông yêu cầu Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị báo cáo thực trạng và đề xuất với UBND tỉnh về việc công trình công cộng chưa đáp ứng được tiêu chí tiếp cận của người khuyết tật theo quy chuẩn mà Kế hoạch 3861/KH-UBND của UBND tỉnh về trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 đã đề ra. Không phụ sự nỗ lực của Hội và cũng như cá nhân ông Thái Vĩnh Liệu, UBND tỉnh đã có có công văn chỉ đạo gửi Sở Xây dựng vào ngày 16/09/2019. Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã gửi công văn số 1456/SXD- QLXD đề nghị các đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư tuân thủ quy chuẩn QCVN 10:2014/BXD của Bộ Xây dựng. Đến nay một số công trình mới ở tỉnh đã có sự thay đổi như: thêm đường dốc tiếp cận tại Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank, đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà; công trình tiếp cận cho người đi xe lăn tại UBND phường 2; cải tạo một số công trình như: đường dốc tiếp cận ở Sở Tài chính, công viên Lê Duẩn.

Thay đổi suy nghĩ sẽ dẫn đến thay đổi hành động và tạo ra kết quả bất ngờ. Đó là minh chứng cho những nỗ lực mà rất nhiều người đang cùng chung tay đóng góp cho sự tiếp cận cũng như hòa nhập bình đẳng trong xã hội của người khuyết tật. Câu chuyện của ông Thái Vĩnh Liệu chỉ là một câu chuyện trong rất nhiều cá nhân đang từng ngày giúp sức cho con đường hòa nhập của người khuyết tật hiện nay thêm ngắn lại.
 


0 bình luận

Bình luận thêm