Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Người lái đò thầm lặng trên vùng cao

  • Thực hiện: ACDC
  • 23/11/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1845

William Ralph Inge[1] từng nói “Không một ai chán nản khi họ đang cố gắng tạo ra thứ gì đó đẹp đẽ, hoặc khám phá ra một sự thật nào đó”. Có lẽ đó cũng là những điều cô giáo Lê Thị Thang, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn luôn tâm niệm trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” của mình.

Đến với nghề giáo từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cô Thang công tác liên tục tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xuân Dương từ đó tới nay. Có thể nói không quá rằng hơn nửa thanh thiếu niên xã Xuân Dương đều từng được cô dìu dắt. Trong bao lớp học trò đó, có những học sinh “đặc biệt” mà cô không bao giờ quên, những học sinh khuyết tật. Với tình thương của “người mẹ thứ hai”, cô Thang luôn cố gắng giúp đỡ các em trong học tập, sinh hoạt cũng như hòa nhập với trường, với lớp. Tuy nhiên, quá trình dạy học sinh khuyết tật không hề đơn giản, nếu không muốn nói cô đã gặp rất nhiều khó khăn do hầu như mọi việc cô làm đều xuất phát từ bản năng và kinh nghiệm, chứ chưa biết phương pháp dạy học cho học sinh khuyết tật, cũng chưa có thiết bị dạy học phù hợp. Vì vậy, hiệu quả tiết dạy chưa thực sự như cô mong muốn. Cô chia sẻ “Có lúc cô cũng thấy chán nản. Vì chỉ soạn bài đại trà cho cả lớp, không có mục nội dung giao việc cho riêng học sinh khuyết tật, nên học sinh khuyết tật không làm được”.

Năm học 2020-2021, cô được giao làm giáo viên chủ nhiệm lớp ghép lớp ba và lớp bốn, có em Nông Thị Vân Anh là học sinh khuyết tật trí tuệ. Những ngày đầu mới vào lớp ba, Vân Anh rất ít chơi với bạn bè cùng lớp, khi nói chuyện với cô giáo cũng chỉ trả lời bằng câu đơn giản. Trong lớp, Vân Anh thường xuyên thiếu tập trung chú ý. Đặc biệt, dù đã là học sinh lớp ba, nhưng Vân Anh đặc biệt gặp khó khăn trong tính toán, em mới đếm trơn được tới 50, còn chưa nhận diện được số 0. Mỗi khi làm phép tính cộng trừ trong phạm vi 100 em đều phải giơ ngón tay ra đếm và thường nhầm lẫn nhiều. Cô tâm sự: “Dù đã có nhiều kinh nghiệm đứng trên bục giảng, nhưng nhiều lúc cô cũng cảm thấy mệt mỏi chứ, khi vừa phải đảm bảo chất lượng dạy học cho cả lớp, lại vừa phải dành sự quan tâm cho Vân Anh. Cô rất trăn trở, phải làm sao để làm tốt cả hai nhiệm vụ cùng một lúc đây?”

Tháng 8/2020, cô Thang được trường cử đi tham gia lớp tập huấn đầu tiên trong một chuỗi các khóa tập huấn về giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật do dự án “Quyền học tập của em”[2] tổ chức. Sau khóa tập huấn, cô đã nhận thức rõ hơn về khác biệt trong giáo dục học sinh khuyết tật với học sinh không khuyết tật và đã áp dụng những kiến thức từ lớp tập huấn vào các tiết dạy học.

Ảnh 1: Cô Lê Thị Thang đang hướng dẫn Vân Anh làm phép cộng trong phạm vi 60 trong một tiết can thiệp cá nhân tại phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập Trường TH&THCS Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, ngày 18/3/2021. Ảnh chụp bởi Nguyễn Huyền Trang - Cán bộ ACDC

Lúc đầu mới xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cô cũng thấy khó lắm, nhưng được dự án tư vấn thêm nên cô hiểu hơn. Cô đã chia nhỏ mục tiêu và hoạt động theo tháng, không xây dựng trước kế hoạch quá xa vì còn điều chỉnh theo khả năng của học sinh khuyết tật”. Giờ cô Thang đã tự tin xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật. Hơn nữa, các giáo án đã thể hiện được sự hài hòa, phân bố hợp lý thời gian dành cho học sinh khuyết tật và học sinh cả lớp. Hiểu rõ khả năng và khó khăn của Vân Anh, cô Thang đã điều chỉnh phương pháp dạy, giao bài tập vừa sức với Vân Anh, để Vân Anh không cảm thấy “thất nghiệp” trong lớp, “Cô hiểu học sinh nên cô thấy dễ lắm. Hồi chưa tập huấn cô có biết gì đâu, nên vẫn yêu cầu Vân Anh viết chữ đúng cao độ giống như cô yêu cầu các bạn khác. Giờ cô đã biết điều chỉnh mục tiêu bài học cho Vân Anh, chỉ cần Vân Anh viết đúng chính tả là đạt yêu cầu bài học”.

Đặc biệt, cô Thang luôn chuẩn bị chu đáo, cẩn thận các học liệu cần thiết cho các tiết dạy và sử dụng đa dạng các đồ vật, tranh ảnh trong các tiết dạy học Toán cho Vân Anh, giúp em dễ ghi nhớ bài hơn. Hiểu được tầm quan trọng của thiết bị dạy học, cô dành thời gian để tự tay làm một số công cụ giáo dục đơn giản phục vụ các tiết học. Cô còn hướng dẫn các bạn học khá trong lớp kèm cặp Vân Anh, vừa giúp Vân Anh hòa đồng với các bạn, lại giúp các bạn trong lớp thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của Vân Anh hơn. Khi bước chân vào lớp học của Vân Anh, chúng tôi cảm nhận được một môi trường học tập tích cực, thân thiện giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh khuyết tật và học sinh không khuyết tật.

 

Ảnh 2: Cô Lê Thị Thang đang hướng dẫn Vân Anh làm phép cộng trong một tiết học hòa nhập tại điểm Trường Nà Chang, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, ngày 28/4/2021. Ảnh chụp bởi Nguyễn Hồng Huế - Cán bộ ACDC

Những kết quả bước đầu thật đáng khích lệ, Vân Anh đã tỏ ra hợp tác, hòa đồng hơn với giáo viên, với bạn bè. Bây giờ em đã có thể đọc tốt, to, rõ ràng, diễn cảm và đúng dấu câu của bài đọc. Cô Thang hồ hởi chia sẻ: “Hôm trước, Vân Anh còn viết được đoạn văn tả thầy Thống dạy môn tiếng Anh”. Vân Anh đã có tiến bộ rõ rệt trong môn Toán, em đã có thể cộng trừ không nhớ trong phạm vi 60, đếm từ một đến mười bằng tiếng Anh.

Với mong muốn nhiều học sinh khuyết tật được tiếp cận phương pháp giáo dục phù hợp, cô Thang hy vọng mình và các giáo viên khác sẽ được tham gia nhiều khóa tập huấn về phương pháp, kỹ năng dạy theo từng dạng khuyết tật cụ thể. Cô cũng hy vọng các trường được hỗ trợ thêm dụng cụ dạy học thích hợp cho học sinh khuyết tật, giúp giờ học của các em thêm sinh động, phong phú hơn.

Để công tác giáo dục hòa nhập thực sự hiệu quả và bền vững, việc triển khai cần được quan tâm và đưa vào các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch cụ thể của ngành Giáo dục, đồng thời được lồng ghép trong các cuộc họp giao ban của ngành, theo dõi, giám sát và báo cáo định kỳ của ngành.

Khó có thể diễn tả niềm vui của cô Thang và gia đình khi chứng kiến từng thay đổi mỗi ngày, dù nhỏ nhưng thật đáng tự hào ở Vân Anh. Gặp lại Vân Anh một ngày tháng 4 năm 2021, cô bé ùa ra chào đón chúng tôi với nụ cười rực rỡ trên môi và nói chuyện tíu tít như chú chim nhỏ. Niềm vui của em cũng chính là minh chứng cho những nỗ lực của cô Thang - người lái đò thầm lặng trên vùng cao Na Rì, Bắc Kạn.


[1] William Ralph Inge là một tác giả người Anh, sinh năm 1860. Ông đồng thời là linh mục Anh giáo, giáo sư khoa Thần học tại Đại học Cambridge, và là hiệu trưởng của Nhà thờ St Paul. Ông đã ba lần được đề cử giải Nobel Văn học.

[2] Dự án “Quyền học tập của em” do Chính phủ Úc (ANCP) tài trợ thông qua tổ chức ChildFund Việt Nam, được triển khai tại hai huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng và huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn từ năm 2019 đến 2022.


0 bình luận

Bình luận thêm