Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật Nghệ An

  • Thực hiện: Nhung Trần
  • 27/06/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1376

Công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, là một việc làm cần thiết và cấp bách. Hiểu được sự quan trọng của hoạt động này, công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được đẩy mạnh trong dự án "Tăng cường năng lực ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An". Một trong những điểm sáng của dự án chính là sự kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An cùng các đối tác trong dự án và năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại đây.

Theo bài tham luận của ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nghệ An trong Hội thảo Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An, từ 01/01/2019 đến tháng 9/2020, Trung tâm đã trợ giúp pháp lý 49 vụ việc cho người khuyết tật trong đó có 22 vụ việc là bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, chiếm 45% trong tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và chỉ chiếm 1,49% tổng số vụ việc của Trung tâm. Đây là con số còn khá khiếm tốn do trong quá trình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Theo ông Lý chia sẻ: những khó khăn, thử thách này đến từ nhiều khía cạnh khác nhau như cơ sở vật chất chưa tiếp cận với người khuyết tật, không có đội ngũ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu khi có người khuyết tật nghe nói cần trợ giúp pháp lý hoặc tâm lý muốn giấu kín, cam chịu của phụ nữ khuyết tật khi xảy ra vụ việc bạo lực giới cũng là tác nhân gây khó khăn cho việc trợ giúp pháp lý. Một khó khăn lớn khác không thể không kể đến là từ người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ khi làm việc với người khuyết tật; công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật còn chưa được thường xuyên, nội dung truyền thông chưa phù hợp với các dạng tật đặc thù. Tất cả những điều này cùng nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác khiến cho việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại tỉnh Nghệ An dù luôn được Trung tâm ưu tiên, coi trọng nhưng số lượng người được thủ hưởng dịch vụ này còn khá thấp.

Những khó khăn này đã được dự án lường trước và cũng đã đưa ra các phương án giải quyết nó. Dự án đã chú trọng đến việc tăng cường năng lực cho các cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các Tập huấn về hòa nhập khuyết tật, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật và các đối tượng khác. Đặc biệt với nội dung về hòa nhập khuyết tật, các luật sư, trợ giúp viên pháp lý đã được học cách thức làm việc cùng người khuyết tật, các mô hình khuyết tật, các rào cản và cách hỗ trợ người khuyết tật vượt qua rào cản. Đây đều là những kiến thức, kỹ năng vô cùng cần thiết nhưng các cán bộ rất ít khi được đào tạo một cách bài bản.

Cán bộ trợ giúp pháp lý tham gia trải nghiệm hòa nhập khuyết tật trong Hội thảo

Chia sẻ về tác động của các lớp tập huấn này Chị Thu Hoài - Phó phòng Hành chính Trung tâm nói: “Thông qua các hoạt động của dự án, các cán bộ Trung tâm đã có thêm kỹ năng mềm khi tiếp xúc với người khuyết tật, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được nâng cao hơn. Ban lãnh đạo trung tâm cũng đã chú trọng hơn đến việc tăng cường truyền thông, xây dựng các phương thức để phù hợp với người khuyết tật hơn trong thời gian tới”. Những thay đổi này đã góp phần to lớn trong việc nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An.

Ngoài việc tăng cường năng lực cho các cán bộ trợ giúp pháp lý tại tỉnh Nghệ An, việc tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan như hội phụ nữ, hội người khuyết tật, phía ACDC… trong vấn đề bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cũng đặc biệt được dự án quan tâm. Tuy hoạt động truyền thông về dịch vụ trợ giúp pháp lý đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn khá nhiều người khuyết tật ở vùng nông thôn, miền núi chưa thực sự biết đến và tiếp cận dịch vụ này. Khi nói đến những khó khăn này chị Lưu Thị Hà - Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc tiếp cận thông tin trợ giúp pháp lý ở Thanh Chương và Thái Hòa còn rất nhiều hạn chế. Chúng tôi hy vọng Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An có phương thức liên lạc phù hợp như số điện thoại, đường dây nóng… để khi có vấn đề người khuyết tật có thể liên hệ và được hỗ trợ luôn”. Nắm được vấn đề này từ trước, các hoạt động phối hợp giữa nhiều bên đã được thực hiện xuyên suốt dự án. Đơn cử như hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí tại địa phương có sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An, Phòng Lao động - Thương binh xã hội, Hội người khuyết tật tỉnh Nghệ An, Ngân hàng chính sách xã hội và Bộ phận Luật của ACDC.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An tư vấn pháp luật miễn phí cho phụ nữ khuyết tật

Từ hoạt động này đã tạo mối liên hệ, trao đổi cùng phối hợp để hỗ trợ người khuyết tật giữa các đơn vị tham gia tư vấn. Cơ chế phối hợp, chuyển gửi các trường hợp phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới giữa các bên đã dần được hoàn thiện thông qua các Hội thảo về thực trạng tình hình bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, về tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý. Các đơn vị, đặc biệt là Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An đều cam kết sẽ cùng chung tay hỗ trợ và xử lý linh hoạt các trường hợp bị bạo lực giới. Để thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An đã khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn sẽ đồng hành cùng tất cả mọi người. Trong số 14 nhóm đối tượng mà chúng tôi làm việc cùng thì có nhóm đối tượng là người khuyết tật cũng là đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí.” Đây là kết quả vô cùng to lớn, giúp phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tiếp cận đẩy đủ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ khi bị bạo lực giới.

Hội thảo tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An

Sự phối hợp chủ động và chặt chẽ với các bên liên quan đặc biệt là Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tỉnh Nghệ An là một điểm sáng của dự án. Điều này đã giúp tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ pháp lý, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật và các vấn đề khác liên quan đến sự phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.


0 bình luận

Bình luận thêm