Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Nam: Tập huấn phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật cho các bên liên quan

  • Thực hiện: Kim Nguyễn
  • 24/06/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1228

Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là nhóm có nguy cơ cao bị bạo lực giới. Theo Báo cáo Đánh giá đầu vào về tình hình bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật củadự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” giai đoạn II, một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật đã bị bạo lực giới dưới các hình thức khác nhau. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới của các bên liên quan còn có những hạn chế nhất định; sự phối hợp liên ngành nhằm phòng chống bạo lực giới còn chưa đạt hiệu quả cao.

Nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật bị bạo lực giới cho các bên liên quan, ngày 23 - 24/6/2022, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã tổ chức tập huấn “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật cho các cơ quan liên quan”. Bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban quản lý dự án đã đến tham dự và phát biểu khai mạc chương trình.

Khóa tập huấn có sự tham gia của 52 cán bộ y tế, trợ giúp pháp lý/tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội người khuyết tật các cấp tỉnh và cấp huyện/xã của các huyện Quế Sơn, Phước Sơn, Bắc Trà My, Núi Thành. Xuyên suốt buổi tập huấn, các học viên đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng chống bạo lực giới đối với người khuyết tật; đặc biệt tập trung vào quy trình và kỹ năng quản lý trường hợp, kết nối mạng lưới.

Ông M. H, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Quế Sơn chia sẻ: “Thật ra ở Quế Sơn có tổ tư vấn pháp lý rồi, khi có sự vụ bọn anh vẫn đi tư vấn, hỗ trợ. Tuy nhiên, bọn anh làm mang tính chất hành chính, áp dụng pháp luật là chính. Khi tham gia lớp tập huấn này anh thấy cái hay của nó là mình không chỉ căn cứ pháp luật một cách cứng nhắc mà còn mang tính xã hội, thiên về tâm lý con người nữa. Đây là những kiến thức rất hữu ích, sau này khi đi thực tế tại địa phương anh nhất định sẽ áp dụng để làm việc với đối tượng một cách dễ dàng và có cái tình  hơn.”

Bà N.T.D, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Khóa tập huấn thật sự có ý nghĩa với chị em ạ, bản thân là một trợ giúp viên chị cũng đã làm việc với rất nhiều đối tượng, nhiều trường hợp nhưng làm theo kinh nghiệm một cách chung chung. Lần tập huấn này giúp chị hiểu hơn về quy trình khi tiếp nhận một trường hợp, rồi thông qua chia sẻ của giảng viên, của học viên trong lớp giúp chị học hỏi thêm được rất  nhiều kinh nghiệm thực tế. Nhất định  chị sẽ áp dụng các kiến thức học được trong khóa tập huấn lần này vào công việc đang làm của mình.”

Tâm sự với giảng viên, chị N.T.B, Trưởng trạm y tế xã Tam Tiến, Trung tâm Y tế huyện Núi Thành đã bộc bạch: “Tại Trạm y tế xã Tam Tiến có phòng trạm lánh, đây là địa chỉ để khi các chị em bị bạo lực hay có vấn đề gì cần nơi an toàn để ở tạm thì có thể đến. Chị là người trực tiếp nói chuyện với các chị đó em à. Tuy nhiên, chỉ là nói chuyện theo kiểu an ủi/chia sẻ chứ không được bài bản như buổi học này em à. Đây là lần đầu tiên chị được đi tập huấn về vấn đề này, giá như chị đi sớm hơn thì chắc chắn các trường hợp đến với chị, chị đã can thiệp được tốt hơn rồi. Cảm ơn em, cảm ơn khóa tập huấn đã cho chị có cơ hội được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng khi làm việc với các trường hợp cần hỗ trợ tại địa phương của mình.”

Kết thúc khóa tập huấn, chị T.T.T.L, Chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam cũng phát biểu: “Khóa tập huấn rất ý nghĩa, lôi cuốn được học viên cả lớp tham gia nhiệt tình sôi nổi. Kế hoạch, chương trình, nội dung rất phù hợp với những người làm công tác xã hội như chị.”

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế của người khuyết tật – giai đoạn 2” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tài trợ. Khóa tập huấn đã bước đầu hình thành được các mối liên kết giữa các đơn vị liên quan trong từng huyện nhằm tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và xử lý các trường hợp nạn nhân bị bạo lực giới là người khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm