Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Trị: Hội thảo báo cáo kết quả khảo sát bạo lực dựa trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

  • Thực hiện: Thủy Hải
  • 28/07/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1578

Ngày 28/07/2022, Hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát bạo lực dựa trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật” đã được diễn ra tại Quảng Trị. Hoạt động do ACDC và Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em phối hợp thực hiện.

GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam trình bày kết quả khảo sát

Hội thảo do GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam chia sẻ báo cáo và hướng dẫn. Hơn 30 đại biểu là đại diện cấp Sở: Y tế; Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh; Văn hóa Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ; và các phòng ban của các huyện, thị xã trong toàn tỉnh như: Phòng Tư pháp; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Y tế; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội người khuyết tật đã đến tham dự.

Cán bộ các ban ngành liên quan thảo luận về các biện pháp phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

Báo cáo đã chỉ ra các kết quả nổi bật của Khảo sát về tình hình bạo lực dựa trên cơ sở giới. Khảo sát này được thực hiện với 150 phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại thành phố Đông Hà, huyện Cam Lộ và Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 3/2022. Theo đó, 48/150 người trả lời đã từng bị bạo lực trong thời gian gần đây, bao gồm: bị sỉ nhục hay lăng mạ (chiếm 27,1%); dọa nạt (chiếm16,7%); bị đánh, đấm, đá, v.v. (chiếm 14,6%); bị gửi thư, nhắn tin, tán tỉnh tục tĩu (chiếm 14,6%); bị ôm hôn, sờ soạng vào bộ phận cơ thể, bộ phận sinh dục (chiếm 8,3%) và bị nam giới ép quan hệ tình dục (chiếm 6,3%). Có 5 hành vi bạo lực đã từng xảy ra thường xuyên nhất đối với phụ nữ và trẻ khuyết tật, trong đó có 01 hành vi bạo lực thể chất, 02 hành vi bạo lực tinh thần và 02 hành vi bạo lực tình dục. Chiếm tỉ lệ cao nhất là 19,3% phụ nữ và trẻ khuyết tật đã bị “bố mẹ, anh chị em, chồng/bạn tình nam sỉ nhục hay lăng mạ. Đây là một thực tế đang diễn ra và đáng báo động. Vì vậy, Hội thảo này chính là cơ hội cho các bên liên quan biết được thực trạng về tình hình bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong tỉnh, đồng thời, đề xuất các biện pháp và cơ chế phối hợp liên ngành để phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại tỉnh nhà.

Nhiều giải pháp thiết thực đã được cán bộ các ban ngành đề xuất

Trong thực tế đã có Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ từ cấp tỉnh đến cơ sở và đã có nhiều hoạt động liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã đồng thuận rằng chưa có hoạt động nào liên quan đến phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Vì vậy, tại hội thảo, đã có một số giải pháp được đề xuất như: Xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp hoạt động (phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban, đoàn thể trong thực hiện phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật); thành lập đường dây nóng để hỗ trợ khi có các trường hợp cần trợ giúp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về luật người khuyết tật, luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình… Ngoài ra, sự tham gia của Hội người khuyết tật vào trong Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ là rất cần thiết để tiếng nói của người khuyết tật được chú ý hơn cũng như thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2024” do USAID tài trợ.


0 bình luận

Bình luận thêm