Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tuyển Giảng viên tập huấn về Quyền trẻ em cho cha mẹ/ người chăm sóc trẻ khuyết tật với chủ đề An toàn trên không gian mạng cho trẻ em khuyết tật

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Tập huấn viên

Tập huấn về quyền trẻ em cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ khuyết tật

Chủ đề: an toàn trên không gian mạng cho trẻ khuyết tật

 

Hà Nội, ngày  tháng  năm 2023

I. Thông tin dự án và cơ sở đề xuất hoạt động

Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC) là một tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật, thúc đẩy và hỗ trợ người khuyết tật bao gồm cả trẻ em khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác ở Việt Nam. ACDC là một trong số những tổ chức tiên phong trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng sống, hướng tới địa vị bình đẳng, khả năng sống độc lập, hòa nhập cộng đồng và khả năng đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho xã hội của người khuyết tật. 

Dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật” (viết tắt là: dự án AVAC) do ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hồng Kông với sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam trong năm 2022-2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu chung của dự án là góp phần cùng Nhà nước và các bên liên quan ở tất cả các cấp thực hiện hiệu quả quyền trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em được thực hiện đầy đủ như đã cam kết.

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học- công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc học tập, giải trí và tham gia các hoạt động xã hội khác dần dịch chuyển sang môi trường mạng. Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích, môi trường mạng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về bạo lực giới, thiếu an toàn cho trẻ em, đặc biệt là với trẻ em khuyết tật. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ là bên chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, dạy bảo, bảo vệ và bảo đảm quyền của trẻ em, tuy nhiên thực tế kiến thức và nhận thức về quyền trẻ em trên không gian mạng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết, kiến thức về an toàn trên không gian mạng cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ khuyết tật càng trở nên cấp bách, cần thiết hơn bao giờ hết. Hiểu rõ vấn đề này, ACDC dự kiến tổ chức khóa Tập huấn về quyền trẻ em cha mẹ/người chăm sóc trẻ khuyết tật, chủ đề an toàn trên không gian mạng cho trẻ em khuyết tật tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng một hoặc một nhóm tập huấn viên trong nước có kinh nghiệm để thực hiện khóa tập huấn về chủ đề trên.

II. Mục tiêu hoạt động

Sau tập huấn, cha mẹ/ người chăm sóc trẻ khuyết tật sẽ:

- Nâng cao kiến thức về an toàn trên không gian mạng, có khả năng nhận biết những rủi ro trên không gian mạng mà trẻ em khuyết tật có thể gặp phải.

- Có phương pháp, kỹ năng hỗ trợ trẻ em khuyết tật phòng chống những rủi ro trên không gian mạng, đặc biệt là những rủi ro về bạo lực giới, xâm hại tình dục và 1 số biện pháp ứng phó cơ bản khi gặp phải nguy hiểm trên môi trường mạng

III. Nội dung, yêu cầu công việc

3.1. Nội dung công việc

Tập huấn viên sẽ đảm nhận các trách nhiệm (nhưng không giới hạn) dưới đây:

a. Xây dựng đề cương giảng dạy và tài liệu tập huấn, thảo luận và thống nhất với ACDC và nhà tài trợ SC.

b. Biên soạn và gửi tài liệu tập huấn cho ACDC và nhà tài trợ. Tư vấn chủ động đề xuất các nội dung phù hợp với mục tiêu của khóa tập huấn. Các nội dung cơ bản cần có:

- Một số khái niệm cơ bản: không gian mạng, an toàn trên không gian mạng, rủi ro trên không gian mạng đối với trẻ em khuyết tật...

- Nguyên nhân và hậu quả của những rủi ro đối với trẻ em trên không gian mạng;

- Những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em trên không gian mạng đặc biệt nhấn mạnh đến những những rủi ro về bạo lực giới, xâm hại tình dục;

- Cách hỗ trợ phòng chống và ứng phó khi xảy ra những rủi ro với trẻ em khuyết tật trên môi trường mạng;

- Một số địa chỉ báo cáo, tư vấn, hỗ trợ khi xảy ra những rủi ro trên môi trường mạng

Các nội dung trên được xây dựng thân thiện, dễ hiểu, và phù hợp với học viên.

Phương pháp tập huấn có sự tham gia, lấy người học làm trung tâm, kết hợp đa dạng và linh hoạt các cách thức tập huấn, thảo luận tập huấn.

c. Tham gia tập huấn cho 25- 30 cha mẹ/người chăm sóc trẻ em khuyết tật trong 1 ngày.

- Tập huấn có sự tham gia của cha mẹ/người chăm sóc có trẻ thuộc nhiều dạng tật, đa dạng về khu vực sinh sống, giới tính…

- Thời gian và địa điểm dự kiến

+ Online trên nền tảng Zoom: tháng 05-06/2023

+ Tại Đà Nẵng: 27/05/2023

* Trách nhiệm của giảng viên phụ (trong khóa tập huấn online):

- Giảng viên phụ hỗ trợ giảng viên chính điều phối khi chia phòng làm việc nhóm

- Hỗ trợ tham dự viên trong quá trình giảng viên chính tập huấn

- Hỗ trợ tập huấn một số nội dung  

d. Hoàn thành các báo cáo 3 ngày sau tập huấn.

3.2. Yêu cầu sản phẩm đầu ra

- 01 đề cương giảng dạy và 01 chương trình tập huấn

- Các phiếu đánh giá trước và sau khóa học. Hình thức đánh giá có thể linh hoạt để phù hợp với đối tượng, nội dung, phương pháp tập huấn. Tuy nhiên cần đảm bảo đo lường được sự thay đổi, kiến thức thu nhận được của người tham gia và các phản hồi liên quan đến tập huấn.

- Các tài liệu tập huấn cho học viên. Các tài liệu có thể được in ấn và sử dụng trong dự án.

- 01 bản báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến khóa tập huấn và các khuyến nghị đi kèm.

IV. Kế hoạch thực hiện

STT

Nội dung

Thời gian dự kiến

 

Số ngày

Giảng viên chính

Giảng viên phụ

(chỉ khóa online)

1

Xây dựng đề cương giảng dạy, tài liệu tập huấn cho học viên và báo cáo

5 ngày trước khi lớp tập huấn diễn ra

01 ngày

 

2

Tham gia tập huấn

Như 3.1.c

02 ngày

01 ngày

Tổng

 

 

       03 ngày

      01 ngày

 

V. Yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm của tư vấn

Tư vấn được lựa chọn dựa trên các tiêu chí sau:

Tiêu chí chi tiết

Số điểm

Kinh nghiệm, chuyên môn, năng lực

  • Bằng sau đại học và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đối với giảng viên chính; Bằng đại học và 02 năm kinh nghiệm đối với giảng viên phụ trong lĩnh vực trẻ em, giáo dục đặc biệt, công tác xã hội, giới, an toàn trên không gian mạng: 20 điểm
  • Có kinh nghiệm điều hành tập huấn hoặc các sự kiện truyền thông cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ khuyết tật hoặc trẻ em: 20 điểm
  • Có kinh nghiệm làm việc với các tổ chức phi chính phủ, với các nhóm yếu thế: 10 điểm

50

Có đề xuất nội dung và phương pháp tập huấn cụ thể, phù hợp, đa dạng, đảm bảo sự tham gia của học viên

30

Có đề xuất tài chính phù hợp với dự án

20

TỔNG

100

Các ứng viên có đề xuất hợp lý sẽ được phỏng vấn (nếu cần) để thực hiện hoạt động này.

VI. Phí tư vấn

- Phí tư vấn được chi trả theo định mức của dự án, hình thức Hợp đồng trọn gói bao gồm tất cả các chi phí cần thiết cho tư vấn (phí tư vấn, chi phí đi lại, công tác phí, phòng nghỉ trong thời gian công tác). Dự án sẽ giữ lại 10% thuế thu nhập cá nhân trên toàn bộ giá trị hợp đồng để thay mặt tư vấn đóng cho cơ quan thuế theo quy định.

- Phí tư vấn được tính theo ngày làm việc và định mức của nhà tài trợ, sẽ thanh toán sau khi nhận được các báo cáo hoàn thành từng khóa tập huấn.

VII. Hồ sơ dự tuyển

Các tư vấn quan tâm vui lòng gửi hồ sơ dự tuyển bằng tiếng Việt cho ACDC, bao gồm:

  • Email/thư bày tỏ sự quan tâm
  • Sơ yếu lý lịch (CV) cá nhân tư vấn
  • Đề xuất về mức phí bao gồm tất cả các chi phí cần thiết cho tư vấn
  • Đề xuất nội dung và phương pháp tập huấn cụ thể

* Lưu ý:

ACDC sẽ chỉ liên hệ với các hồ sơ phù hợp

ACDC tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các tư vấn. Chúng tôi hoan nghênh mọi tư vấn đủ điều kiện. Quy trình lựa chọn của ACDC tuân thủ các cam kết trong chính sách bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ … của tổ chức.

Thời gian gửi hồ sơ: trước ngày 26/04/2023. Thời hạn này có thể kết thúc sớm khi ACDC đã lựa chọn được ứng viên phù hợp.

Địa chỉ gửi hồ sơ và liên hệ:

Ms. Bích Phương - Trợ lý hành chính nhân sự

Email: hr@acdc.org.vn

Địa chỉ: Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng. P905, tòa nhà Dream Center Home, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: 024 6675 3946