Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tập huấn thúc đẩy quyền của người khuyết tật

  • Thực hiện: Ánh Ngọc
  • 11/10/2016
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 810

Từ ngày 10 - 11/10/2016, “Tập huấn thúc đẩy quyền của người khuyết tật” do Ủy ban Nhân quyền ASEAN (AICHR) tổ chức đã diễn ra tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. 

Các học viên đã được tham gia tương tác trong bài giảng, thảo luận sau trải nghiệm, chia sẻ lĩnh vực nghiên cứu dưới sự hỗ trợ từ các chuyên gia đến từ các nước thành viên ASEAN. Tập huấn đã trang bị cho học viên kiến thức và sự hiểu biết về quyền của người khuyết tật ở các nước thành viên ASEAN; từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức của công chúng về quyền của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN về các khía cạnh khác nhau, các vấn đề khác nhau trong xã hội, thúc đẩy thực thi CRPD ở các nước. Đồng thời đây cũng là cơ hội kết nối, tạo ra mạng lưới, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng nhau thúc đẩy và bảo vệ các quyền của người khuyết tật trong khu vực ASEAN. Trung tâm ACDC cũng đã cử đại diện tham gia hoạt động lần này.

Khuyết tật ngày càng được hiểu như một vấn đề nhân quyền kể từ sau khi Công ước Liên hiệp quốc về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) được thông qua vào năm 2006 và có hiệu lực vào năm 2008. 

Quyền của người khuyết tật là vấn đề nhân quyền quan trọng mà ASEAN đã cam kết. Tất cả 10 thành viên ASEAN đều đã phê chuẩn CRPD. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thành công của việc trao quyền cho những người khuyết tật và việc thực hiện quyền cho những người có khả năng sau khi phê duyệt thì đòi hỏi kiến thức, sự hiểu biết, hỗ trợ và tham gia ở cả cấp quốc gia và khu vực từ các bên liên quan khác nhau trong cộng đồng. 

Đông Nam Á có khoảng 60 triệu người khuyết tật. Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực này có tỉ lệ người khuyết tật nặng đứng thứ hai và tỉ lệ người khuyết tật đặc biệt nặng đứng thứ ba thế giới. So với nhiều nước phát triển trên thế giới, một số người khuyết tật ở các nước thành viên ASEAN không được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội chăm sóc sức khỏe, giáo dục và việc làm phù hợp. Thậm chí, ở 1 số nước cơ sở hạ tầng cơ bản cho người khuyết tật chỉ đơn thuần là tồn tại mà không thể sử dụng được. Họ cũng bị hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin từ phương tiện truyền thông và bị coi như không đủ năng lực về mặt pháp lý vì khuyết tật của mình. Đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất, dễ bị bạo hành, lạm dụng, không được tôn trọng và thừa nhận.


0 bình luận

Bình luận thêm