Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Sự kiện tiêu biểu năm 2016 - ACDC một năm nhìn lại

  • Thực hiện: Hải Âu
  • 31/12/2016
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 887

1. Hoàn thiện bản Chiến lược 10 năm (2016 - 2025) với nhiều thay đổi

Năm 2016 là năm đánh dấu việc hoàn thành chiến lược 5 năm (2011-2015) của Trung tâm ACDC. Từ năm 2017, ACDC sẽ đi theo chiến lược mới, với nhiều kỳ vọng trong tương lai. Với cam kết đóng góp cho sự hòa nhập của người khuyết tật, tầm nhìn đến năm 2025, ACDC sẽ là tổ chức tiên phong trong việc tạo dựng môi trường sống tốt hơn cho người khuyết tật. “Chia sẻ niềm tin, nâng cao vị thế” là khẩu hiệu và phương châm của ACDC trong 10 năm sắp tới. Can thiệp của Trung tâm ACDC tập trung vào việc phá bỏ rào cản, đồng thời khuyến khích người khuyết tật nâng cao năng lực bản thân và đóng góp giá trị cho xã hội.

2. Vận động thành công hàng không tiếp cận dành cho người khuyết tật

Vào tháng 05/2016, với mong muốn các hãng hàng không, cảng hàng tiếp cận hơn với người khuyết tật, Trung tâm ACDC đã tổ chức thành công hội thảo “Tiếp cận giao thông hàng không đối với người khuyết tật”. Sau hội thảo, các hãng, cảng hàng không đã có nhiều thay đổi tích cực, cụ thể:

Các Hãng Hàng không đã chấp nhận hỗ trợ cho khách là người khuyết tật với các dịch vụ đặc biệt (không thu phí); chấp nhận vận chuyển khách nếu khách chấp nhận không sử dụng dịch vụ mà các điều kiện về tàu bay hoặc cảng hàng không, sân bay chưa đáp ứng được.

Về thời gian đăng ký sử dụng dịch vụ hỗ trợ đặc biệt dành cho người khuyết tật, các hãng Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh theo hướng giảm còn 24 giờ trước giờ khởi hành (quy định cũ: 03 ngày đối với Jetstar Pacific, 48 giờ đối với Vietjet Air), riêng đối Vietnam Airlines thời gian đăng ký giảm xuống còn 08 giờ trước giờ khởi hành đối với chuyến bay nội địa. Ngoài ra, hãng này đã bỏ thủ tục yêu cầu hành khách là người khuyết tật phải ký Giấy miễn trừ trách nhiệm (chỉ yêu cầu khi sức khỏe hành khách quá yếu). Tại tất cả các Cảng Hàng không đã bố trí hạ tầng tối thiểu phục vụ người khuyết tật (Nhà vệ sinh cho người khuyết tật; Chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật tại khu cách ly; Ram dốc cho xe lăn lên xuống ở thềm ga đi và thềm ga đến). Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài: Bố trí 02 xe shuttle bus phục vụ hành khách di chuyển giữa hai nhà ga T1 và T2 được trang bị đầy đủ chức năng phục vụ hành khách là người khuyết tật, người già yếu; Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: tại ga quốc tế: Đáp ứng chỗ ngồi riêng cho người khuyết tật tại 12 khuvực riêng và có 12 biển báo cụ thể; Có hệ thống thang máy, cửa khởi hành dành riêng cho người 2 khuyết tật; Có 16 nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật. Tại ga quốc nội đã đáp ứng chỗ ngồi riêng cho người khuyết tật tại 15 khu vực riêng và có 15 biển báo cụ thể, có hệ thống thang máy, cửa khởi hành dành riêng cho người khuyết tật, có 9 nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật. Năm 2016, các Cảng Hàng không đã thực hiện giảm giá vé 15% cho 65.754 lượt người khuyết tật tham gia giao thông hàng không các tuyến nội địa.

3. Tư vấn pháp luật miễn phí dành cho người khuyết tật

Được duy trì từ năm 2012, tính đến nay, đã có hơn 5.000 lượt người người khuyết tật được tư vấn miễn phí qua tất cả các kênh: hotline, email, gặp trực tiếp, tư vấn lưu động tại địa phương…. Phòng tư vấn pháp luật Trung tâm ACDC cũng đã tới 27 tỉnh, thành phố trên khắp ba miền của tổ quốc từ Hà Giang đến Vũng Tàu giải đáp hơn 1.350 lượt câu hỏi trực tiếp của người khuyết tật và người thân của người khuyết tật.

4. Vận động và hỗ trợ kỹ thuật cho sự ra đời của Thông tư 18/2016/TT-BYT quy định danh mục kỹ thuật, danh mục vật tư y tế dùng trong phục hồi chức năng và việc chi trả chi phí phục hồi chức năng ban ngày thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. 

Đây là một quá trình vận động chính sách lâu dài và liên tục đến các cơ quan hoạch định chính sách, cụ thể là Bộ Y tế. Theo đó, Bảo hiểm y tế sẽ chi trả bổ sung thêm 20 vật tư y tế sử dụng trong phục hồi chức năng bên cạnh 299 vật tư đã được quy định trong Thông tư số 27/2013/TT-BYT. Một điểm đặc biệt  trong Thông tư mới chính là các vật tư y tế được bổ sung bao gồm chủ yếu các dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng như nẹp chân (nẹp bàn chân, nẹp cổ bàn chân, nẹp khớp gối, nẹp khớp háng), nẹo khuỷu tay, nẹp cột sống, áo nẹp cột sống, ghế chỉnh hình, giầy chỉnh hình và ghế bại não, đệm chống loét…

Thông tư 18/2016/TT-BYT vẫn còn một số hạn chế như một số dụng cụ hỗ trợ rất cần thiết cho người khuyết tật như xe lăn chỉnh hình, chân giả, tay giả… chưa được đưa vào danh mục này. Thêm vào đó, việc thực hiện Thông tư này còn nhiều thách thức khi phải thiết lập được những tiêu chuẩn, quy trình thực hiện, quy định mang tính chuyên môn kỹ thuật để Bảo hiểm y tế có thể có căn cứ để chi trả.

5. Mở rộng văn phòng đại diện tại Bình Phước

Năm 2016, Trung tâm ACDC khai trương văn phòng đại diện tại tỉnh Bình Phước. Như vậy tính đến nay, Trung tâm ACDC đã có 1 trụ sở chính tại Hà Nội và 2 văn phòng đại diện tại Thừa Thiên Huế và Bình Phước

6. Duy trì và phát triển các dịch vụ dành cho người khuyết tật

Ngoài tư vấn pháp luật miễn phí, Trung tâm ACDC vẫn duy trì và phát triển các dịch vụ khác, cụ thể:

Nâng cao năng lực cho Câu lạc bộ, hội, nhóm người khuyết tật trên toàn quốc: đã có hơn 3.000 lượt người khuyết tật trên toàn quốc được tập huấn, nâng cao năng lực về vận động chính sách, luật và chính sách dành cho người khuyết tật, lập kế hoạch phát triển hội, nhóm, truyền thông và gây quỹ…; khoảng 8.000 cuốn cẩm nang pháp luật dành cho người khuyết tật được xây dựng, phát hành và chuyển đến cho 22 Hội/nhóm người khuyết tật cấp tỉnh, hàng chục hội, nhóm người khuyết tật cấp huyện, xã…

Các chương trình dành cho cho phụ nữ vẫn luôn được chú trọng: 3.500 cuốn cẩm nang chăm sóc sức khỏe sinh sản được in ấn và phát hành; Gần 500 phụ nữ khuyết tật được trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; Hơn 1.500 phụ nữ khuyết tật tại Hà Nội, Thái Bình, Quảng Bình được khám sức khỏe sinh sản miễn phí.

7. Thúc đẩy cho sự ra đời của Hội người khuyết tật 

Tính đến hết năm 2016, Trung tâm ACDC đã vận động thúc đẩy cho sự ra đời của ít nhất 10 Hội người khuyết tật cấp địa phương. Việc thúc đẩy thành lập Hội người khuyết tật cũng là một trong những mục tiêu chiến lược của Trung tâm ACDC trong thời gian tới.


0 bình luận

Bình luận thêm