Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Câu chuyện thành công: Vai trò của chân giả trong cuộc sống của người khuyết tật

  • Thực hiện: Nguồn từ ICRC/SFD
  • 05/05/2015
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2955

Câu chuyện của ông Lâm Tấn Sâm, thợ rèn, sinh năm 1964 tại tỉnh Quảng Nam là một trong những câu chuyện điển hình cho việc chân giả không chỉ giúp phục hồi chức năng vận động mà còn hỗ trợ quá trình lao động sản xuất, hòa nhập xã hội.

Năm 1971, viên đạn lạc trong thời kỳ chiến tranh đã cướp đi chân phải của ông. Chiến tranh hỗn loạn, không có gì để bồi thường cho nạn nhân của một viên đạn đi lạc, ông trở thành người khuyết tật từ đó. Việc di chuyển của ông phải nhờ sự trợ giúp của nạng tự chế đến tận năm 1975. Không nhớ thời điểm được nhận chân giả đầu tiên, nhưng ông nhớ rất rõ các khoảng thời gian sau đó khi ông nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức. Ông kể lại, năm 1999, ông nhận được chân giả từ một nhóm tiếp cận cộng đồng của Trung tâm Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Chân giả được làm từ gỗ ép. Nó nặng nề nhưng đủ cứng cáp để sử dụng đến tận bây giờ và ông Sâm vẫn dùng cho công việc của mình. Tháng 9 năm 2003, ông đăng ký hỗ trợ chân giả từ dự án của tổ chức ICRC – SFD khi dự án được triển khai thông qua Hội chữ thập đỏ địa phương. Thời điểm đó có tới 2,334 người cụt chi đăng ký trong cơ sở dữ liệu của ICRC-SFD, trong đó 85% là nạn nhân chiến tranh (dữ liệu ICRC-SFD nhận được ngày 22 tháng 7 năm 2015). Sau 5 tháng, ông Sâm nhận được chân giả bằng nhựa Polypropylene do ICRC-SFD chi trả. Vào tháng tháng 1 năm 2014, ông Sâm được mời đến lắp chân giả mới sau 10 năm sử dụng chân giả do ICRC-SFD cấp. Đây là chân giả thứ 4 và là chân nhựa polypropylene thứ 2 của ông. Chân giả cũ của ông vẫn sử dụng tốt vào thời điểm chúng tôi ghé thăm ông. Ông chia sẻ: chân giả của tôi vẫn sử dụng tốt vì tôi luôn giữ gìn chân nhựa polypropylene, chỉ sử dụng chân gỗ vụn khi đi làm tại lò rèn còn chân nhựa thì chỉ sử dụng vào những dịp lễ.

Cũng giống như nhiều gia đình khác ở vùng quê Việt Nam, ngôi nhà của ông là mái che cho 3 thế hệ: vợ chồng ông Sâm, con trai, con dâu và cháu nội. Gia đình con trai hiện tại phụ thuộc vào ông Sâm vì người con trai 36 tuổi bị thoát vị đĩa đệm và không có khả năng làm việc. Chỉ có người con gái 26 tuổi được học đến nơi đến chốn (tốt nghiệp Cao đẳng) và có việc làm tại một công ty kinh doanh gỗ ở Bình Dương. Mặc dù lương không cao (3.5 triệu đồng/tháng), cô con gái vẫn gửi tiền về phụ giúp gia đình. Nhưng số tiền ít ỏi con gái gửi về không đủ nuôi sống gia đình ông. Năm 2014, ông được nhận trợ cấp khuyết tật 170,000 đồng/tháng nhưng khoản trợ cấp này nhanh chóng bị huỷ vào năm sau. Đơn vị phụ trách đánh giá mức độ khuyết tật cho rằng, chỉ những người không thể di chuyển được và cần sự hỗ trợ của người khác mới xứng đáng hưởng trợ cấp khuyết tật. Không còn cách nào khác, ông trở thành người kiếm tiền chính cho gia đình với lò rèn tàm tạm mà ông đã dựng lên nhiều năm trước trên mảnh đất công. Chính quyền xã mặc dù rút tiền trợ cấp khuyết tật của ông Sâm nhưng để ông tự do sử dụng miếng đất đó. Dù đây là lò rèn duy nhất trong xóm nhưng công việc cũng theo mùa vụ. Ông chỉ có thu nhập tốt hơn vào mùa thu hoạch khi người dân cần liềm mới và các nông cụ khác. Ngoài ra, các tháng khác rất ít việc. Nhưng lò rèn vẫn là công cụ để ông lo cho cuộc sống của gia đình cũng như chi trả các khoản khám, chữa bệnh cho người con trai của ông.

Chúng tôi đã rất thú vị khi xem ông thợ rèn cụt chân này đập và uốn nắn những đồ kim loại đỏ rực khi ngồi xổm dưới đất với cái chân giả bẻ về đằng sau. Công việc của ông yêu cầu sức khỏe cùng với đôi chân, đôi tay vững chãi. Nhưng với sự trợ giúp của chân giả, ông đã làm được công việc chỉ dành cho người khỏe mạnh này. Ông là minh chứng cho thành công của chân giả trong phục hồi chức năng vận động. Nhìn ông di chuyến linh hoạt, xách các đồ nặng và làm rất tốt công việc của một người thợ rèn, chúng tôi càng thấy sự quý giá của chân giả trong việc trợ giúp người khuyết tật lao động và hòa nhập cộng đồng.

Ghi chép từ ICRC/SFD


0 bình luận

Bình luận thêm