Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hội nghị Hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật

  • Thực hiện: Hải Âu
  • 15/09/2014
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1088

Ra mắt mạng lưới hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người khuyết tật Việt Nam Ngày 15/9/2014, Trung tâm ACDC tổ chức Hội nghị Hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật tại Khách sạn Lake Side, Hà Nội.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật Việt Nam” do Trung tâm ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Hỗ trợ các Sáng kiến Tư pháp.

Hội nghị nhằm mục đích chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm trong hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật cũng như kết nối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật.

Hội nghị có sự tham gia của :

ông Alan McCagh – Trưởng đại diện Quỹ Hỗ trợ các Sáng kiến Tư pháp tại Việt Nam;

Tiến sĩ Trần Huy Liệu – Nguyên Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp;

ông Trần Văn Tùy – Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp;

Ông Phan Hồng Nguyên, Vụ Tuyên truyền và giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp;

Ông Nguyễn Trung Thành – Phó phòng Chính sách xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH);

bà Đặng Huỳnh Mai – Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD);

Ngoài ra còn có các đại biểu đến từ các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước của một số tỉnh thành của 3 miền Bắc, Trung Nam;

Các văn phòng luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội người khuyết tật và các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Trần Văn Tùy, đại diện từ Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và Tiến sĩ Trần Huy Liệu chia sẻ về chính sách, thực tiễn và một số giải pháp đối với hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật.

Theo đó, hiện nay người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng được TGPL miễn phí. Về tổ chức thực hiện TGPL, đến nay, trong cả nước có 63 Trung tâm TGPL nhà nước (trực thuộc Sở Tư pháp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 199 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại huyện hoặc liên huyện.

Cả nước có 277 tổ chức hành nghề luật sư với 815 luật sư (chiếm gần 10% tổng số tổ chức hành nghề luật sư), 48 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức xã hội với 102 tư vấn viên pháp luật có đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Về đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, đến nay các Trung tâm trợ giúp pháp lý có 483 Trợ giúp viên pháp lý và có 8.980 người là cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trong đó có 1.055 luật sư. Về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, từ năm 2007 đến nay, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã trợ giúp pháp lý cho khoảng 3.670 lượt người khuyết tật.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã chỉ ra rằng, hoạt động TGPL cho người khuyết tật hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Đa số người khuyết tật chưa có thông tin về trung tâm TGPL nhà nước cũng như chưa biết được quyền được TGPL của mình; cơ sở vật chất, phương tiện của các trung tâm TGPL còn hạn hẹp. Đặc biệt, đội ngũ trợ giúp viên còn thiếu các kỹ năng trong làm việc và TGPL cho người khuyết tật, nhất là với các dạng tật phức tạp như khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn...

Ngoài ra, còn thiếu sự phối hợp giữa các Trung tâm TGPL nhà nước và các tổ chức xã hội như Hội người khuyết tật, Hội người mù, Hội người điếc, các tổ chức xã hội dân sự...

Hội nghị cũng đã tiến hành thảo luận 04 chủ đề chuyên sâu liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật, bao gồm: tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người khuyết tật; Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người khuyết tật; Kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật; chính sách trợ cấp xã hội cho người khuyết tật.

Qua các chủ đề, các đại biểu đã chia sẻ về hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật cùng với những thành công, những khó khăn thách thức, thực tiễn trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, những kỹ năng cần thiết trong họat động hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật và những vấn đề nổi cộm trong chính sách trợ cấp xã hội cho người khuyết tật hiện nay.

Đa số các đại biểu tham gia hội nghị đều thừa nhận rằng khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL của người khuyết tật hiện nay còn rất hạn chế do những nguyên nhân từ cả 2 phía người khuyết tật và cơ quan thực hiện TGPL; đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết để TGPL cho người khuyết tật; những người khuyết tật đặc biệt nặng, những dạng khuyết tật ảnh hưởng đến giao tiếp như nghe nói, nhìn…đòi hỏi những hình thức và phương tiện hỗ trợ đặc thù cũng như những kỹ năng riêng biệt, tuy nhiên hiện tại lại chưa được quan tâm đúng mức…

Hội nghị đã thống nhất rằng, để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật mang lại hiệu quả, cần phải có những biện pháp tích cực như hoàn thiện hệ thống chính sách về TGPL; xây dựng mô hình TGPL hiệu quả cho người khuyết tật; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động TGPL đối với người khuyết tật; triển khai các phương thức truyền thông pháp luật và TGPL đặc thù phù hợp với người khuyết tật và tăng cường năng lực và kỹ năng TGPL đặc thù cho người thực hiện TGPL.

 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe chia sẻ của ông Alan McCagh – Trưởng đại diện Quỹ Hỗ trợ các Sáng kiến Tư pháp về hoạt động hỗ trợ về pháp lý cho người khuyết tật tại Australia. Bài trình bày cũng chỉ ra một số những yếu tố mà Việt nam có thể học tập và áp dụng trong hoạt động hỗ trợ pháp lý nói chung và cho người khuyết tật nói riêng.

Đặc biệt, Hội nghị này cũng đã ra mắt mạng lưới hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người khuyết tật Việt Nam. Đây là một mạng lưới kết nối các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý đã được Trung tâm ACDC xây dựng trong quá trình thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người khuyết tật trong thời gian qua.

Mạng lưới này bao gồm các Trung tâm TGPL nhà nước, Trung tâm tư vấn pháp luật, các văn phòng luật sư, các luật sư, luật gia…cùng cam kết thúc đẩy hoạt động hỗ trợ pháp lý không rào cản cho người khuyết tật. Kết thúc chương trình hội nghị, các đại biểu đã thể hiện sự đồng tình, ủng hộ những giải pháp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian tới. Với những kinh nghiệm và các đề xuất, ý tưởng quý báu của các đại biểu tham gia hội nghị, hy vọng rằng người khuyết tật sẽ ngày càng tiếp cận tốt hơn dịch vụ TGPL nhằm đảm bảo sự bình đẳng và hòa nhập xã hội cho người khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm