Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thừa Thiên Huế: Tiếp cận kiến thức pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý

  • Thực hiện: Nguyệt Hà
  • 30/03/2018
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 822

Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 – 2018” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm ACDC tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người khuyết tật về các chính sách pháp luật có liên quan tại thị xã Hương Thủy. Chương trình có sự tham gia của khoảng 90 người khuyết tật và gia đình người khuyết tật trên địa bàn.

Ngày 28 – 29/03, Tập huấn “Chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật, vấn đề giới và phòng tránh bạo lực giới cho người khuyết tật” đã diễn ra với các nội dung liên quan đến quyền của người khuyết tật trong các lĩnh vực y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, dạy nghề, việc làm; ngoài ra còn có kiến thức về giới, bình đẳng giới và phòng tránh bạo lực giới đối với người khuyết tật. Mở đầu chương trình là phần trình bày về luật của người khuyết tật và chính sách về bảo trợ xã hội cho người khuyết tật của ông Nguyễn Trung Thành - Phó phòng Chính sách xã hội, Cục bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các nội dung thiết thực và bổ ích liên quan trực tiếp tới người khuyết tật tạo nên sự hứng thú cho các học viên, nhiều người khuyết tật đã sôi nổi đặt các câu hỏi dành cho giảng viên về việc tăng mức trợ cấp hàng tháng, hay các thủ tục để được hưởng trợ cấp xã hội… Ngoài các vấn đề về bảo trợ xã hội thì các lĩnh vực về y tế cũng được người khuyết tật rất quan tâm. Chính vì thế, ông Lê Tuấn Đống - Trưởng phòng Phục hồi chức năng và giám định, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã giới thiệu cho người khuyết tật các quyền của người khuyết tật trong việc tham gia bảo hiểm y tế, quyền được khám chữa bệnh, phục hồi chức năng của người khuyết tật… Ông Lê Tuấn Đống cũng đã tận tình trả lời các thắc mắc của người khuyết tật về các mức chi trả của bảo hiểm y tế khi người khuyết tật tham gia chữa bệnh đúng tuyến hoặc trái tuyến, giúp người khuyết tật có kế hoạch khám chữa bệnh phù hợp với điều kiện bản thân. Tham gia chương trình tập huấn, đại diện từ Trung tâm ACDC cũng đã hướng dẫn cho người khuyết tật Thị xã Hương Thủy và Phú Vang các quyền của người khuyết tật trong giáo dục, vấn đề giới và phòng tránh bạo lực giới cho người khuyết tật. Các giảng viên đã rất khéo léo trong việc kết hợp các nội dung kiến thức với các trò chơi, thảo luận nhóm để tăng sự hứng thú và dễ hiểu cho các học viên. 

Sáng ngày 30/03, buổi “Phổ biến chính sách và tư vấn pháp luật cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật” cũng được triển khai và nhận được nhiều sự quan tâm. Tham gia chương trình ngoài người khuyết tật đang sinh sống trên địa bàn thị xã Hương Thủy, người khuyết tật huyện Phú Vang và Nam Đông cũng đã gửi các phiếu tư vấn pháp luật tới chương trình. Hơn 90 phiếu tư vấn với các lĩnh vực rất đa dạng như: bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, kinh doanh - vay vốn, giáo dục - học nghề, hôn nhân - gia đình, đất đai - nhà cửa đã được gửi về… Trong đó, bảo trợ xã hội là lĩnh vực mà người khuyết tật quan tâm và có nhiều vấn đề cần được tư vấn nhất. Tham gia tư vấn, giải đáp các thắc mắc của người khuyết tật là các cán bộ, chuyên viên tại địa phương như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, Ngân hàng Chính sách và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy… Tại buổi tư vấn, người khuyết tật được gặp gỡ trực tiếp với các cán bộ và lắng nghe hướng dẫn xử lý các vụ việc mà người khuyết tật đang thắc mắc, qua đó hiểu thêm các quyền của mình trong cộng đồng.

Đây là những hoạt động thường xuyên của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về các kiến thức pháp luật, cũng như tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý của người khuyết tật tại địa phương. Dự kiến trong thời gian tới, dự án vẫn sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng các hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế.


0 bình luận

Bình luận thêm