Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hệ thống giao thông tiếp cận: Đánh giá mức độ tiếp cận của hệ thống giao thông Bình Phước

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 15/06/2018
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 917

Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới mục tiêu vận động cho việc thực thi giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, ngày 15/06/2018, Trung tâm ACDC phối hợp với Viện chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) tổ chức hội thảo “Hệ thống giao thông tiếp cận: Đánh giá mức độ tiếp cận của hệ thống giao thông Bình Phước” dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Tham dự và chủ trì hội thảo có lãnh đạo của các cơ quan gồm ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải; bà Đinh Thị Thụy, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước cùng với đại diện các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện chiến lược và phát triển GTVT, Sở Giao thông vận tải, Sở LĐTBXH, Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước và các sở ngành liên quan của Hà Nội.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về quyền tiếp cận giao thông của người khuyết tật. Hội thảo tập trung vào việc đánh giá mức độ tiếp cận của hệ thống giao thông đối với người khuyết tật tại tỉnh Bình Phước hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giao thông của người khuyết tật tỉnh Bình Phước nói riêng và người khuyết tật Việt Nam nói chung. Bà Đinh Thị Thụy, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam nhận định rằng “Chính phủ đã có văn bản nhưng nhiều tỉnh/thành phố chưa thực hiện. Bộ GTVT cần có văn bản chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện tại các tỉnh. Đề xuất nâng tỷ lệ miễn giảm giá vé cho người khuyết tật và có cơ chế giảm giá đối với người khuyết tật nhẹ. Cần tiến hành đánh giá việc thực hiện Luật người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật để chuẩn bị đề xuất những điều chỉnh, sửa đổi cho giai đoạn mới”. Bên cạnh đó, đại diện các tổ chức người khuyết tật cũng chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và kiến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc và xây dựng hệ thống giao thông đường bộ tiếp cận với người khuyết tật.

Trong thời gian tới, các bên liên quan sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp với các tổ chức của người khuyết tật để xác định lộ trình, hướng đi phù hợp, phổ biến truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hiện các chính sách tăng cường khả năng tiếp cận giao thông cho người khuyết tật, góp phần đảm bảo hòa nhập và bình đẳng cho người khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm