Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Khái quát dụng cụ chỉnh hình Phục hồi chức năng

  • Thực hiện: Minh Trần
  • 30/12/2015
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2343

Phục hồi chức năng là một ngành được xây dựng trên cơ sở y học hiện đại. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, ngành Phục hồi chức năng đã chứng minh vai trò của mình trong việc không chỉ giúp người khuyết tật thích nghi với môi trường sống mà còn tác động vào môi trường và xã hội tạo nên khối thống nhất cho quá trình hòa nhập của người khuyết tật.

 

Dụng cụ phục hồi chức năng là những dụng cụ hỗ trợ cho người khuyết tật thực hiện các hoạt động chức năng giúp tăng cường hoặc cải thiện những chức năng bị giảm sau khi bệnh hoặc tai nạn. Dụng cụ trợ giúp là một bộ phận quan trọng trong phục hồi chức năng, nó giúp người khuyết tật khắc phục được những vấn đề giảm khả năng và ngăn ngừa các biến dạng do sai tư thế. Đặc biệt ở các tuyến cơ sở, điều kiện kinh tế khó khăn hơn, việc tiếp xúc với công nghệ thông tin hạn chế hơn, do đó dụng cụ trợ giúp giúp những người có khó khăn vận động dễ tham gia các hoạt động xã hội hơn.

Các dụng cụ phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng nhằm giúp cho người khuyết tật tự di chuyển thân thể, sinh hoạt và hòa nhập xã hội. Người ta thường chia thành 4 nhóm sau: các dụng cụ vật lý trị liệu; dụng cụ giúp người khuyết tật di chuyển vị trí này sang vị trí khác; dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt; dụng cụ chỉnh hình (orthosis), dụng cụ thay thế (prothesis).

Phạm vi bài viết này sẽ tập trung vào dụng cụ chỉnh hình (nẹp chỉnh hình) và dụng cụ thay thế (chân tay giả).

Đầu tiên, phải hiểu rõ sự khác nhau của 2 dụng cụ này là một bên là sự thay thế và một bên là sự trợ giúp chức năng.

Dụng cụ chỉnh hình: gồm các loại máng, nẹp dùng cho người khuyết tật bị suy giảm vận động, biến dạng, mục đích nâng đỡ, trợ giúp, điều chỉnh thích nghi hay ngăn ngừa biến dạng, giữ gìn khớp bị tổn thương. Nẹp chỉnh hình là từ được Bennett đề xuất để chỉ những phương tiện cơ học, có thể được chế tạo bằng các loại vật liệu khác nhau, được gắn bên ngoài hệ cơ- xương. Nẹp chỉnh hình dùng cho người bệnh bị suy giảm khả năng vận động và những biến dạng cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nẹp có rất nhiều chức năng, như: chức năng nâng đỡ, trợ giúp, cố định, định hướng, nắn chỉnh và ngăn ngừa biến dạng chi thể, cơ thể. Chức năng nắn chỉnh là loại nẹp được dùng khi nằm, chúng có nhiều nhiệm vụ: phòng trách co rút gân; điều trị tiếp theo sau phẫu thuật, tham gia trong điều trị không phẫu thuật. Chức năng chống đỡ, định hướng vận động và bảo vệ là những nhiệm vụ cơ bản của các loại nẹp và áo chỉnh hình. Đối với sự tổn thất chức năng của chi dưới thì vấn đề giải quyết chống đỡ rất quan trọng vì nó phải chịu tải trọng của toàn cơ thể dồn xuống. Nhiệm vụ định hướng vận động chủ yếu dùng cho phạm vi các khớp, nó được thực hiện bởi một khớp nẹp cơ khí, giữ vận động khớp trong một giới hạn nhất định, khóa cứng khớp, hạn chế vận động khớp hoặc đưa nó trở lại vận động bình thường. Nhờ có sự chống đỡ của một chi tiết cơ khí đối với phần khớp bị hủy hoại hoặc suy giảm chức năng, chân sẽ giành lại được khả năng đi đứng. Chức năng giảm tỳ đè có nghĩa là trọng lượng của cơ thể không dồn trực tiếp lên chân nữa. Vấn đề này thường được giải quyết ở vùng xương chậu (xương ụ ngồi) đối với việc giảm lực tỳ đè cho khớp háng và khớp gối. nếu chỉ cần giảm lực tỳ đè cho bàn chân và khớp cổ chân thì có thể giải quyết ở vùng lồi củ trước xương chày và góc dưới xương bánh chè. Tóm lại, trọng lượng cơ thể sẽ chuyển trực tiếp qua nẹp chỉnh hình xuống mặt đất. Dụng cụ chỉnh hình được đánh giá hoàn trả lại một cách tối đa các chức năng đã bị giảm cho người khuyết tật.

Dụng cụ thay thế: Là những dụng cụ được sử dụng để thay thế một bộ phận cơ thể đã mất với mục đích tăng tính thẩm mỹ hoặc phục hồi chức năng: chân, tay giả để thay thế cho phần chi bị cắt cụt. Cắt cụt chi là cắt và tạo lại đoạn chi bị tổn thương không còn khả năng bảo tồn được nhằm cứu sống con người và tạo mỏm cụt thích hợp cho việc lắp chi giả sau nàyTùy vào phần chi cắt cụt khác nhau sẽ có các loại chân tay giả khác nhau. Ví dụ với chi dưới: tháo khớp háng, tháo khớp gối, cắt cụt trên khớp gối, cắt cụt dưới khớp gối…; với chi trên: tháo khớp vai, cắt cụt trên khớp khuỷu, tháo khớp khuỷu, cắt cụt dưới khớp khuỷu… Mức độ cắt cụt cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng chấn thương, nhiễm trùng, khuyết tật bẩm sinh, tiểu đường, xơ cứng động mạch…

Hiện nay nhu cầu sử dụng dụng cụ phục hồi chức năng của người khuyết tật là rất lớn. Một số dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật có thể làm ngay tại cộng đồng với nguyên liệu sẵn có như: tre, gỗ, kim loại… Những dụng cụ này giá thành thấp, hữu ích đáp ứng một phần nhu cầu của người khuyết tật. Tuy nhiên về lâu dài cần đầu tư phát triển sản xuất dụng cụ trợ giúp hơn nữa theo phương pháp hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người khuyết tật. Với sự hỗ trợ của công nghệ cao, các dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật ngày càng thông minh, tiện lợi hơn với kích thước nhỏ gọn, giúp người khuyết tật dễ dàng hòa nhập cộng đồng.

Tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

1.      Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, Bộ Y tế, 2008

2.      Bài giảng về phục hồi chức năng, Trường cao đẳng Y tế Thừa Thiên Huế, 2011

3.      Kiến thức cơ bản về chỉnh hình và phục hồi chức năng, Trung tâm Đào tạo kỹ thuật Chỉnh hình Việt Nam, 2015

4.      Website: http://chantaygia.com/


0 bình luận

Bình luận thêm