Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tuần lễ quốc tế người điếc 2020 - Khẳng định nhân quyền của người điếc

  • Thực hiện: Hoài Linh - Ánh Ngọc (biên dịch và tổng hợp)
  • 21/09/2020
  • 1 Bình luận
  • Lượt xem: 1982

Tuần lễ Quốc tế người điếc (IWD) là một sáng kiến ​​của Liên đoàn người điếc thế giới (WFD) và được phát động lần đầu tiên vào năm 1958 tại Rome, Ý. Tuần lễ được cộng đồng người điếc toàn cầu tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 9 để kỷ niệm Đại hội IWD đầu tiên. Trong Tuần lễ Quốc tế người điếc, các hoạt động, sự kiện khác nhau của cộng đồng người điếc trên toàn thế giới đã được tổ chức và hoan nghênh sự tham gia của tất cả các thành viên trong cộng đồng người điếc, bao gồm gia đình người điếc, các phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp và đã có chứng nhận, đồng nghiệp,... cũng như sự tham gia của các bên liên quan như chính phủ, các tổ chức nhân quyền địa phương và quốc tế, các tổ chức của người khuyết tật.

Năm nay - 2020, chủ đề của Tuần lễ quốc tế người điếc là “Khẳng định nhân quyền của người điếc” với mong muốn tất cả cùng đoàn kết, thúc đẩy việc đảm bảo quyền của người người điếc. Hãy khẳng định sự ủng hộ của bạn đối với việc thực hiện đầy đủ quyền của người điếc bằng cách ký vào Hiến chương WFD về Quyền ngôn ngữ ký hiệu cho tất cả!

Tuần lễ diễn ra từ ngày 21 - 27/09, mỗi ngày sẽ có một chủ đề khác nhau:

  • Thứ 2, ngày 21 tháng 9 năm 2020: Ngôn ngữ ký hiệu
  • Thứ 3, ngày 22 tháng 9 năm 2020: Môi trường ngôn ngữ ký hiệu hòa nhập
  • Thứ 4, ngày 23 tháng 9 năm 2020 - Ngày Quốc tế Ngôn ngữ kí hiệu: Ngôn ngữ kí hiệu cho tất cả
  • Thứ 5, ngày 24 tháng 9 năm 2020: Sự công nhận hợp pháp của ngôn ngữ kí hiệu quốc gia
  • Thứ 6, ngày 25 tháng 9 năm 2020: Cơ hội bình đẳng cho tất cả người điếc
  • Thứ 7, ngày 26 tháng 9 năm 2020: Người điếc lãnh đạo
  • Chủ nhật, ngày 27 tháng 9 năm 2020: Tôi ký cho nhân quyền!

CHỦ ĐỀ HÀNG NGÀY

Thứ 2, ngày 21 tháng 9 năm 2020: Ngôn ngữ ký hiệu

Ngôn ngữ ký hiệu quốc gia là ngôn ngữ bản địa của người điếc. Với hơn 200 ngôn ngữ ký hiệu khác nhau được sử dụng trên toàn cầu, các ngôn ngữ ký hiệu quốc gia này là ngôn ngữ mẹ đẻ của hơn 70 triệu người điếc thế giới. Trong Tuần lễ Quốc tế người điếc, chúng ta hãy cho cộng đồng thấy được sự phong phú của ngôn ngữ ký hiệu, nó cũng cần được bình đẳng như các ngôn ngữ nói. Bởi việc phổ biến ngôn ngữ ký hiệu quốc gia và văn hóa người điếc cũng sẽ khuyến khích, bảo vệ và bảo tồn sự đa dạng của ngôn ngữ và các nền văn hóa trên toàn cầu. Đồng thời, hãy giúp cộng đồng nhận ra sự phân biệt đối xử mà người điếc vẫn đang phải đối mặt liên quan đến quyền tiếp cận và sử dụng các ngôn ngữ ưa thích - ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ.

Người điếc vẫn đang ở bên lề xã hội và gặp nhiều trở ngại khác nhau trong việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu họ. Hãy cùng nhau để thúc đẩy quyền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho tất cả mọi người trên thế giới!

Thứ 3, ngày 22 tháng 9 năm 2020: Môi trường ngôn ngữ ký hiệu hòa nhập

Người điếc cần được đảm bảo đầy đủ sự hòa nhập trong các ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ!

Sự hòa nhập này cần bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, trong chương trình giáo dục song ngữ dành cho người điếc về ngôn ngữ ký hiệu quốc gia và ngôn ngữ viết quốc gia, việc giảng dạy được thực hiện bởi các giáo viên thông thạo ngôn ngữ ký hiệu quốc gia và cần tuân thủ theo chương trình nhằm tối đa hóa tiềm năng học tập của trẻ điếc. Phẩm chất và giáo dục hòa nhập là tiền đề quan trọng để thúc đẩy và trao quyền cho người điếc đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng của họ.

Việc hòa nhập thông qua ngôn ngữ ký hiệu không chỉ ở trường học mà còn trong gia đình, được học ký hiệu ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng để phát triển khả năng đọc viết và nhận thức của trẻ điếc. Do đó, trong suốt quá trình học tập của trẻ điếc, các chính phủ cần đảm bảo việc cung cấp các hướng dẫn miễn phí bằng ngôn ngữ ký hiệu quốc gia. Đặc biệt, để thúc đẩy quyền tự quyết của người điếc trong xã hội, các dịch vụ như: y tế, truyền thông, việc làm, giáo dục, hành chính công,... cũng cần cung cấp ngôn ngữ ký hiệu quốc gia.

Giáo dục hòa nhập song ngữ bằng ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nói quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự hòa nhập của người điếc trong xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau truyền tải thông điệp giáo dục ngôn ngữ ký hiệu tới các nhà lãnh đạo thông qua “Thách thức Lãnh đạo Toàn cầu”!

Thứ 4, ngày 23 tháng 9 năm 2020 - Ngày Quốc tế Ngôn ngữ ký hiệu: Ngôn ngữ ký hiệu cho tất cả

Ngày Quốc tế về Ngôn ngữ ký hiệu là một cơ hội để phổ biến và lan tỏa bản sắc của ngôn ngữ và sự đa dạng văn hóa của tất cả người điếc và những người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu khác. Lễ kỷ niệm này được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2017 trong Nghị quyết A/RES/72/161, công nhận ngày 23 tháng 9 hàng năm là Ngày Quốc tế Ngôn ngữ ký hiệu.

Liên đoàn người điếc thế giới (WFD) tự hào phát động “Thách thức Lãnh đạo Toàn cầu!” năm 2020. Thách thức này nhằm khuyến khích các lãnh đạo ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu sử dụng ngôn ngữ ký hiệu với sự hỗ trợ cùng các hội/nhóm người điếc ở mỗi quốc gia, cũng như các tổ chức khác của người điếc. Các nhà lãnh đạo - họ có thể là quan chức chính phủ, thành viên của quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân,... - sẽ ký vào thông điệp “Tên “ngôn ngữ ký hiệu của quốc gia” dành cho tất cả”. Ví dụ:

  • “Ngôn ngữ ký hiệu Ghana dành cho tất cả”
  • “Ngôn ngữ ký hiệu ở Việt Nam dành cho tất cả”

“Thách thức Lãnh đạo Toàn cầu” là cơ hội để các hội/nhóm người điếc và các tổ chức liên quan thành lập và duy trì sự hợp tác bền vững với các nhà lãnh đạo thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

Tại Việt Nam, “Thách thức Lãnh đạo Toàn cầu” đã được Ban vận động thành lập Hội người điếc Việt Nam, ACDC, VAEFA & NBM phát động ngay trong ngày đầu tiên của Tuần lễ Quốc tế người điếc và thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng người điếc cũng như các cá nhân, tổ chức của và vì người khuyết tật,...

Thứ 5, ngày 24 tháng 9 năm 2020: Sự công nhận hợp pháp của ngôn ngữ ký hiệu quốc gia

Uganda là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận tính hợp pháp của ngôn ngữ ký hiệu quốc gia vào năm 1995. Kể từ đó, chỉ có khoảng 50 quốc gia đã chính thức công nhận ngôn ngữ kí hiệu quốc gia họ bình đẳng với ngôn ngữ nói quốc gia, chiếm gần 25% trong 193 các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc.

Các ngôn ngữ ký hiệu quốc gia là những ngôn ngữ chính thức có cùng tính chất như ngôn ngữ nói, nó xứng đáng đạt được sự công nhận đầy đủ của pháp luật như ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở mỗi quốc gia và được sử dụng bình đẳng như ngôn ngữ nói. Vì vậy, các chiến dịch để công nhận ngôn ngữ ký hiệu quốc gia được nhiều hiệp hội người điếc quốc gia và các nhà hoạt động trong lĩnh vực này cũng như cộng đồng học thuật xem như mục tiêu chung của việc vận động chính sách.

Tại sao việc công nhận sự hợp pháp cho ngôn ngữ ký hiệu quốc gia lại quan trọng?

Sự công nhận hợp pháp của ngôn ngữ ký hiệu quốc gia là bước đầu tiên trên con đường hướng việc đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền của người điếc. Sự công nhận này đóng vai trò quan trọng trong việc trao quyền cho người điếc và là nghĩa vụ bắt buộc của chính phủ các nước.

Thông qua Luật về ngôn ngữ ký hiệu, người điếc có quyền yêu cầu được tiếp cận mọi lĩnh vực đời sống bằng ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ và bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội. Do đó, chính phủ các nước có nghĩa vụ pháp lý trong việc đảm bảo sự công nhận là bước đầu để đưa ngôn ngữ ký hiệu vào xã hội nước họ.

Thứ 6, ngày 25 tháng 9 năm 2020: Cơ hội bình đẳng cho tất cả người điếc

Một môi trường làm việc hòa nhập bằng ngôn ngữ ký hiệu là nền tảng giúp người khiếm thính có thể phát triển và phát huy hết tiềm năng của họ để tối đa hóa sự tham gia và đóng góp của họ cho xã hội.

Điều này được thể hiện ở sự hòa nhập và tham gia vào xã hội này được củng cố bởi các phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đã được công nhận, cũng như việc sử dụng đa ngôn ngữ trong đó có ngôn ngữ ký hiệu quốc gia tại nơi làm việc. Các chương trình đào tạo ngôn ngữ ký hiệu cần được thiết lập và phát triển với sự lãnh đạo của người điếc thông qua các tổ chức đại diện cho họ. Các dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu do chính phủ tài trợ phải luôn có sẵn cho người điếc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Cơ hội bình đẳng cho tất cả người điếc có nghĩa bao gồm cả những nhóm người điếc hầu như không có tiếng nói. Cụ thể như phụ nữ và trẻ em gái người điếc ít được quan tâm và có nguy cơ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử do giới tính, tình trạng khuyết tật, khuyết thiếu ngôn ngữ của họ.  Vì vậy, mọi người - kể cả các tổ chức đại diện của điếc - phải quan tâm đến hoàn cảnh cụ thể của phụ nữ điếc và thực hiện các biện pháp chính xác để bảo vệ bình đẳng giới, sự đa dạng và sự tham gia bình đẳng vào tất cả các quá trình ra quyết định trong xã hội và tổ chức.

Đại dịch Covid-19 năm nay đã làm nổi lên sự thiếu thốn nghiêm trọng trong quyền tiếp cận của người khiếm thính với các thông tin y tế công cộng bằng ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ. Hơn nữa, chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, cũng như các chương trình phòng ngừa sức khỏe bao gồm chăm sóc tâm thần và trị liệu tâm lý phải để cho người khiếm thính có thể tiếp cận được với ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ. Tiếp cận trong các dịch vụ y tế không chỉ tập trung vào cộng đồng người điếc mà quyền tiếp cận này là để đảm bảo sức khỏe của tất cả cộng đồng.

Cơ hội bình đẳng cho tất cả cần có sự tham gia/lãnh đạo của người điếc thông qua các tổ chức đại diện cho họ. Điều này nghĩa là gì? Chúng ta hãy tìm hiểu trong thông điệp của chủ đề của thứ 6.

Thứ 7, ngày 26 tháng 9 năm 2020: Người điếc lãnh đạo

Công ước Liên hợp quốc về Quyền của người Khuyết tật (CRPD) đã khẳng định nguyên tắc “không có gì về chúng tôi mà không có chúng tôi”, điều này nhằm nhấn mạnh rằng bất kỳ các sáng kiến nào được thực hiện vì người điếc thì cũng cần có sự tham vấn của người điếc ở mọi giai đoạn thông qua các tổ chức đại diện của họ. Trao quyền cho người điếc chính là trao cơ hội để họ trở thành những nhân tố tạo nên sự thay đổi trong xã hội của họ.

Những người điếc hiểu rõ hơn bất cứ ai về việc cần gì và làm thế nào để đạt được mục tiêu của mình. Người điếc đã tổ chức và vận động cho quyền của họ hơn hai thế kỷ, và các cộng đồng người điếc trên toàn thế giới là một phần của mạng lưới liên kết rộng lớn từ các địa phương, khu vực, quốc gia và các tổ chức đang tìm cách thúc đẩy nhân quyền thông qua ngôn ngữ ký hiệu. WFD là hiệp hội lớn nhất trong các hiệp hội của người khuyết tật với 125 quốc gia thành viên bao gồm đại diện các hiệp hội người điếc của các nước.

Mạng lưới các tổ chức do người điếc lãnh đạo trên toàn cầu cho thấy tầm quan trọng của các tổ chức người điếc mở đường cho quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là cung cấp đầy đủ tài chính, nâng cao năng lực và trao quyền cho các tổ chức người điếc để đảm bảo họ có thể thực hiện vai trò lãnh đạo và vai trò cố vấn của mình. Các tổ chức này phải thúc đẩy các giá trị bao trùm và liên kết, đảm bảo quan điểm đa dạng của tất cả các thành viên trong các cộng đồng người điếc là một phần trong công việc vận động chính sách.

Tuy nhiên, để có thể nhận được nguồn tài trợ đầy đủ và có mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế mà người điếc phải đối mặt, chúng ta cần cung cấp dữ liệu chất lượng, phù hợp và đáng tin cậy về người điếc được phân biệt theo giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, trình độ thông thạo ngôn ngữ ký hiệu, tình trạng khuyết tật và việc làm.

Và chỉ thông qua ngôn ngữ ký hiệu, người điếc mới có thể đứng vững và đạt được quyền con người của họ.

Quyền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là quyền con người cơ bản nhất của người điếc! Quyền con người là gì? Làm thế nào để ngôn ngữ ký hiệu có thể là một phần của quyền con người? Đây cũng là thông điệp khép lại Tuần lễ Quốc tế người điếc.

Chủ nhật, ngày 27 tháng 9 năm 2020: Tôi ký cho nhân quyền!

Quyền con người (Nhân quyền) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào, bất kể quốc tịch, nơi cư trú, giới tính, nguồn gốc quốc gia hoặc dân tộc, khuyết tật, tôn giáo, văn hóa hoặc ngôn ngữ. Mọi con người đều có quyền thực hiện các quyền con người của mình mà không bị phân biệt đối xử.

Quyền con người là quyền dân sự (quyền sống), quyền chính trị (quyền tham gia), quyền kinh tế (quyền làm việc), xã hội (quyền được học hành), văn hóa (quyền thuộc về nền văn hóa và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu) và tập thể (quyền phát triển và quyền tự quyết) với các nguyên tắc hàng đầu là bình đẳng và không phân biệt đối xử.

Các quyền đó là không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau. Có nghĩa là, không thể chỉ phân lập một số quyền trong số toàn bộ các quyền con người. Việc cải thiện một quyền này sẽ cải thiện các quyền khác. Tương tự như vậy, việc tước bỏ một quyền sẽ ảnh hưởng xấu đến những quyền khác.

Làm thế nào để áp dụng điều đó cho người điếc và quyền của họ đối với ngôn ngữ ký hiệu quốc gia?

Ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ duy nhất mà người điếc có thể sử dụng dễ dàng và đó là cách duy nhất để người điếc tham gia và hòa nhập đầy đủ vào cộng đồng của họ. Quyền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu thuộc cộng đồng người điếc là một quyền văn hóa của con người.

Quyền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cũng được liên kết với quyền xã hội và kinh tế của người điếc để nhận được giáo dục chất lượng bằng ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ và để làm việc trong một môi trường hòa nhập. Việc cung cấp phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đủ điều kiện và được công nhận là cách duy nhất để đảm bảo sự bình đẳng và không phân biệt đối xử với người điếc trong quyền tiếp cận mọi lĩnh vực của xã hội.

Công nhận quyền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của người điếc là để đảm bảo việc thực hiện những quyền con người được liên kết với nhau. Điều này có thể đạt được thông qua việc phổ biến các ngôn ngữ ký hiệu quốc gia như một bộ phận trong xã hội của các nước. Người điếc có thể tiếp cận các dịch vụ trực tiếp trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thông qua ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ hoặc khi không thể tiếp cận ngôn ngữ trực tiếp, họ có thể sử dụng dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu (đã đủ điều kiện và được công nhận). Bình đẳng và không phân biệt đối xử là các nguyên tắc cơ bản trong việc tiếp cận xã hội của người điếc.

Bạn có đồng ý rằng tất cả những người điếc đều xứng đáng có cơ hội bình đẳng và hòa nhập vào xã hội? Bạn có ủng hộ việc sử dụng và phổ biến các ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của bạn? Hãy ký cho nhân quyền! Hãy ký vào Hiến chương về Quyền ngôn ngữ ký hiệu cho tất cả!

Nguồn: http://wfdeaf.org


1 bình luận

Nguyễn Thị Hương
Ngày 30.09.2021 Trả lời
Muốn chia sẻ cho biết vì con đời k vui về mẹ vẫn giấu và muốn trách ra k dám nhìn ngôn ngữ ký hiệu của con là người điếc
Bình luận thêm