Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Sự kiện Nghe bằng Mắt 3 - Ngôn ngữ ký hiệu dành cho tất cả mọi người

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 30/09/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1061

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế người điếc, trong tuần từ 21 - 27/09/2020, ACDC đã phối hợp với Ban vận động Thành lập Hội người điếc Việt Nam thực hiện các hoạt động truyền thông cho tuần lễ và phát động thử thách quay video ngôn ngữ kí hiệu trên fanpage. Đặc biệt, chiều tối ngày 25/09/2020, ACDC đã cùng Ban vận động, Hiệp hội Vì Giáo Dục Cho Mọi Người Việt Nam (VAEFA), nhóm Nghe bằng mắt (NBM) phối hợp tổ chức sự kiện “Nghe bằng Mắt 3 – Ngôn ngữ ký hiệu dành cho tất cả mọi người” tại Rạp tháng 8, Hà Nội.

Tham dự sự kiện có hơn 260 người, trong đó có TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng - Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; bà Vũ Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện CBM tại Việt Nam; bà Simon Vis, Trưởng Bộ phận Giáo dục - UNICEF Việt Nam; bà Lê Hà Vân, Trưởng bộ phận Hỗ trợ khuyết tật, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); ông PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Vì Giáo Dục Cho Mọi Người Việt Nam (VAEFA); bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC); đại diện lãnh đạo các Trung tâm Giáo dục và Trường Cao đẳng Sư phạm TW và các cơ sơ giáo dục khác; đại diện của các tổ chức phi chính phủ; đại diện của các CLB người điếc đến từ các tỉnh cùng đông đảo thầy cô, phụ huynh, học sinh, sinh viên điếc và các cơ quan báo chí và truyền hình.

Xuyên suốt sự kiện là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật do chính những người điếc thực hiện, cùng với đó là buổi lễ trao giải và triển lãm của 17 bộ ảnh về nâng cao nhận thức và đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Đây là cuộc thi ảnh trực tuyến do Nhóm Nghe bằng mắt phát động từ ngày 18 - 23/09 với chủ đề “Ngôn ngữ ký hiệu dành cho tất cả mọi người” và thu hút sự tham gia của rất nhiều thí sinh trên cả nước. Các bài dự thi đều thể hiện tinh thần lạc quan, khát vọng vươn lên và nghị lực phi thường vượt qua rào cản và định kiến để hòa nhập xã hội của người điếc. Đặc biệt, bộ phim ngắn “Nơi tôi thuộc về” với những diễn viên chính là người điếc được công chiếu lần đầu tiên tại sự kiện đã gây xúc động mạnh và tạo nên hiệu ứng tích cực cho những người tham dự. Bộ phim là câu chuyện về ước mơ được đi học và hành trình theo đuổi con đường học tập bằng ngôn ngữ kí hiệu của một cô gái người điếc. Ở đó có tình mẫu tử, tình cảm gia đình, khát vọng được hạnh phúc... Những giọt nước mắt đã rơi trong khán phòng, sự rung động chạm đến trái tim qua từng âm thanh, từng phân cảnh của bộ phim. Đó là thành quả và nỗ lực cho sự kết nối giữa người nghe và người điếc của những thành viên của đoàn làm phim để cùng nhau hoàn thành bộ phim có ý nghĩa sâu sắc này.

Chương trình khép lại bằng lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân song ngành đặc biệt Tiểu học – Sư phạm Mỹ thuật cho các sinh viên người điếc của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội, đây cũng là lần đầu tiên có một chương trình đào tạo cao đẳng dành cho sinh viên người điếc ở khu vực miền Bắc. Buổi lễ là sự động viên, khích lệ cho những nỗ lực của tân cử nhân, cũng là sự kỳ vọng về một thế hệ người điếc trong tương lai sẽ có được một môi trường giáo dục chất lượng và phù hợp hơn.


0 bình luận

Bình luận thêm