Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Diễn đàn “Truyền cảm hứng Phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số” và Lễ trao giải Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 13/10/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1166

Ngày 13/10/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Truyền cảm hứng Phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số” và Lễ trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công” tại Hà Nội nhằm hưởng ứng Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, 10 năm Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10 và kỷ niệm 16 năm Ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10.

Tham dự sự kiện có Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ; Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bà Ngô Thị Minh Thư, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC); Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội; đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học, đặc biệt là sự có mặt của các tác giả có đề án khởi nghiệp xuất sắc lọt vào vòng chung kết cấp toàn quốc Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020.

Xuyên suốt sự kiện, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đã lan tỏa tích cực, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát huy sáng tạo và vai trò cũng như lập nghiệp đối với những người phụ nữ khuyết tật, những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa để khẳng định giá trị, khả năng làm chủ của bản thân nhằm xây dựng phát triển, đóng góp cho cộng đồng xã hội. Trong tọa đàm với chủ đề “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho Phụ nữ khuyết tật”, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng ACDC đã chia sẻ: “Ngoài sự tâm huyết, niềm đam mê, dám dấn thân, dám học hỏi thì cần đội ngũ doanh nhân nữ mở đường, mở rộng cửa để đón nhận những doanh nhân là nữ khuyết tật vào cùng, đi cùng để cùng phát triển” góp phần xóa bỏ mọi rào cản, thách thức để khẳng định vị thế của phụ nữ khuyết tật trong xã hội.

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 của Hội LHPN Việt Nam mặc dù diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nhưng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp phụ nữ với số lượng đề án gửi về dự thi cấp TW cao gấp 1,2 lần so với năm 2019. Trong đó, tác giả trẻ nhất mới 17 tuổi, đang là nữ sinh PTTH và cao nhất là 74 tuổi; 4% tác giả đề án là nhà khoa học, giảng viên đại học, 11% là nữ doanh nghiệp, 16% là Ban Giám đốc các hợp tác xã, 54% nữ thuộc hộ kinh doanh cá thể. Điều rất đáng mừng là có 12% đề án đến từ vùng dân tộc thiểu số; 3% đề án có tác giả là phụ nữ khuyết tật.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên cuộc thi được tối đa hoá việc ứng dụng công nghệ. Các clip giới thiệu do tác giả đề án xây dựng đã góp phần cho buổi thuyết trình thêm sinh động, hấp dẫn giàu sức sáng tạo. Các thành viên Ban Giám khảo tham gia chấm đề án bằng hình thức kết nối trực tuyến không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài. Các video thuyết trình giới thiệu dự án được đưa lên trang fanpage Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thu hút được đông đảo sự tương tác và tham gia bình luận của cộng đồng. 816.666 người tiếp cận các clip đề án, số người theo dõi trang Fanpage tăng 742%, 58 nghìn người bình luận, chia sẻ, like... Thông qua hoạt động này cũng đã giúp phụ nữ làm kinh doanh tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đã có nhiều sản phẩm của chị em được cộng đồng mạng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Cuộc thi năm nay thu hút 922 tác giả tham gia dự thi và đã có 68 tác giả có dự án xuất sắc, đặc biệt là 23 dự án của phụ nữ khuyết tật, 10 dự án của nữ sinh viên được tôn vinh và trao giải, tổng số giải thưởng cho các đề án năm nay có trị giá hơn 8 tỷ đồng, được trao cho các đề án ở nhiều lĩnh vực khác nhau. ACDC cũng là đơn vị đã đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam để hỗ trợ các dự án của phụ nữ khuyết tật trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 thời gian vừa qua.

Đến dự động viên và phát biểu tại Chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp, thân thương nhất tới toàn thể các bà, các mẹ, chị em phụ nữ, các cấp Hội LHPN Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Chúc mừng những tác giả có đề án đạt giải trong năm nay, Phó Thủ tướng tin rằng, có những chị em chưa chính thức tham gia Cuộc thi nhưng đã và đang nỗ lực phát triển kinh doanh, nuôi dưỡng ước mơ và dự định để phát triển sự nghiệp. Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng cuộc thi năm nay cũng như những cuộc thi tiếp theo sẽ khơi dậy được tâm thế khát vọng của toàn xã hội, đặc biệt là chị em phụ nữ, bởi nếu chị em có tinh thần khát vọng thì tinh thần đó cũng sẽ được thấm đẫm sang các thành viên khác trong gia đình, từ đó cùng đồng sức, đồng lòng sáng tạo để làm giàu chính đáng cho bản thân, cho cộng đồng, xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ đồng hành và tạo điều kiện để cùng Hội LHPN Việt Nam thực hiện tốt phong trào phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo.

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục có những hoạt động thiết thực, phong phú nhằm tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ cho phụ nữ, trong đó có phụ nữ khuyết tật nhằm tìm hiểu, học hỏi mô hình các hoạt động trong lĩnh vực khác để cùng nhau quyết tâm khởi sự, khởi nghiệp với tinh thần vượt khó, tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật và làm giàu chính đáng cho bản thân và cộng đồng.

Danh sách người khuyết tật được trao giải tại buổi lễ:

Giải Video Clip tiêu biểu:

  • Chị Trần Thị Như Hoa, tác giả Dự án Thiết lập cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm may mặc và sản phẩm từ vải vụn của phụ nữ khuyết tật (Nghệ An).
  • Sản xuất Nấm Sò, một loại thực phẩm sạch và bổ dưỡng của HTX Thủ Công Mỹ Nghệ Trái Tim Hồng, Sóc Sơn, Hà Nội.

Giải Video Clip xuất sắc:

  • Chị Trần Thị Thuần, tác giả Dự án Trà thảo dược, Sóc sơn, Hà Nội

Gói tư vấn, hướng dẫn và thực hành cùng các dự án để hỗ trợ hoàn thiện đề án kinh doanh và tạo kênh kinh doanh Online, tiếp cận khách hàng mục tiêu của Chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0, Công ty RSVP (Google)

  • Anh Lê Việt Cường, Hà Nội
  • Chị Trần Thị Như Hoa, Nghệ An

Giải Cánh Én Vàng: dành cho 23 tác giả của Dự án là người khuyết tật gồm:

  • Phạm Thị Hà (Ninh Bình)
  • Phan Thị Hoa Quỳnh (Nghệ An)
  • Lương Thị Kiều Thúy (khiếm thính), Hà Nội
  • Vũ Thị Quê (Hải Dương)
  • Lưu Thị Hà (Nghệ An)
  • Đinh Thị Quỳnh Nga (Hà Nội)
  • Võ Thị Hồng Vinh (Nghệ An)
  • Trần Thị Như Hoa (Nghệ An)
  • Trần Thị Thuần (Hà Nội)
  • Lê Thị Thuận (Thanh Hóa)
  • Hoàng Thị Liên (Hà Nội)
  • Lê Việt Cường (Hà Nội)
  • Đoàn Thị Như Tuyết (Quảng Ngãi)
  • Võ Minh Thương (Quảng Ngãi)
  • Phan Thị Hồng Nga (Quảng Ngãi)
  • Nguyễn Thị Thúy Kiều (Quảng Trị)
  • Trương Thị Ngọc Anh (Thừa Thiên Huế)
  • Lê Thị Sau (Thừa Thiên Huế)
  • Hoàng Thị Mỹ Tuyến (Đắk Lắk)
  • Trần Thị Nở (Khánh Hòa)
  • Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (TP. Hồ Chí Minh)
  • Nguyễn Thị Kiều Phương (Cần Thơ)
  • Đinh Thị Tuyết Đào (TP. Hồ Chí Minh)
  1. Giải Triển Vọng
  • Anh Lê Việt Cường, đại diện Phát triển sản phẩm ghép Lụa Vạn Phúc trên áo dài, áo phông, túi, ví,… giải quyết việc làm cho phụ nữ khuyết tật của Hợp tác xã VỤN ART, Hà Đông, Hà Nội.
  1. Giải Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường
  • Chị Trần Thị Như Hoa, đại diện mô hình Dự án "Thiết lập cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm may mặc và sản phẩm tiêu dùng làm từ vải vụn của phụ nữ khuyết tật (Nghệ An).

0 bình luận

Bình luận thêm