Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Asean 2020: Cuộc họp lần thứ 4 của mạng lưới các chuyên gia về doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật Asean

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 23/10/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 790

Sáng 22/10/2020, tại Hà Nội, ACDC đã tham gia và có bài trình bày trong Cuộc họp lần thứ 4 của Mạng lưới các chuyên gia về Doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật trong ASEAN (gọi tắt là NIEA).  Đây là hoạt động trong khuôn khổ Khung Chiến lược về Phúc lợi xã hội và Phát triển cảu ASEAN do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì trong giai đoạn 2020-2021.

Tham dự cuộc họp trực tuyến gồm các đầu mối phụ trách Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD), các thành viên của NIEA đến từ 10 nước thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; đại diện các tổ chức liên kết với ASEAN như AWEN, ABAC; và đại diện các đối tác quốc tế: USA, EU, UNESCAP. Tại Việt Nam, cuộc họp có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, bà Hà Thị Minh Đức - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) và các tổ chức, chi hội, công ty, doanh nghiệp của người khuyết tật; đại biểu các Bộ, ngành liên quan.

Theo Báo cáo của Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) ước tính, 1/6 người dân ở châu Á - Thái Bình Dương đang sống chung với một số dạng thức của khuyết tật đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về vấn đề tiếp cận bao gồm y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng… Bên cạnh đó, ở khu vực ASEAN với hơn 625 triệu người dân, trong đó có khoảng 100 triệu người là người khuyết tật. Vì vậy, việc tăng cường trao quyền và tạo một môi trường không rào cản đối với người khuyết tật là một trong những biện pháp quan trọng của ASEAN nhằm đẩy mạnh vai trò của người khuyết tật trong cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng ACDC, đại diện cho Mạng lưới chuyên gia về doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật ASEAN cũng đã có bài trình bày về  “Luật pháp, chính sách về thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập tại Việt Nam” trong cuộc họp lần này.

Bài chia sẻ tập trung vào các nội dung sau:

  • Định nghĩa người khuyết tật và các dạng tật
  • Luật, chính sách về việc làm đối với lao động là người khuyết tật
  • Luật, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật
  • Khó khăn, thách thức của việc xây dựng và thực hiện các luật pháp, chính sách về việc làm đối với người khuyết tật
  • Khó khăn, thách thức của việc thúc đẩy các doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật
  • Các đề xuất nhằm thúc đẩy đẩy doanh nghiệp hòa nhập, thúc đẩy tiếp cận việc làm cho người khuyết tật
  • Điển hình doanh nghiệp, sáng kiến thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm: Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã hình thành một khung pháp lý cơ bản về việc làm đối với lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ quy định chung về việc làm cho người khuyết tật, không quy định cụ thể về việc làm cho người khuyết tật trong khu vực công hay tư nhân, cũng không quy định cụ thể, chi tiết về tỷ lệ người lao động là người khuyết tật trong từng khu vực này.

Thông qua các báo cáo quốc gia, đại diện các nước thành viên đã cùng thảo luận và trao đổi về các vấn đề  luật pháp, chính sách, điển hình tốt thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật; những khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đối với việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật, hầu hết các nước đều ban hành các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Những ưu đãi đối với doanh nghiệp thường được thể hiện dưới các hình thức như miễn hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng, vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật; ưu đãi tiền thuê mặt bằng...

Với gần 30 thành viên, Mạng lưới đã và đang góp phần thúc đẩy và quảng bá về các doanh nghiệp của người khuyết tật với các bên liên quan và công chúng; chia sẻ các thông tin liên quan đến vấn đề người khuyết tật; và đóng góp cho các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật trong khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội chia sẻ: “Đối với Việt Nam chúng ta nên rà soát những luật pháp, chính sách về người khuyết tật, trong đó quy định những chi tiết về trách nhiệm xã hội, các nghị định và có những cơ chế chính sách để khuyến khích hỗ trợ cho những doanh nghiệp tuyển nhiều người khuyết tật.”

Cũng tại cuộc họp, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất cùng xây dựng một bản Khuyến nghị chung về Thúc đẩy Doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để gửi lên các quan chức, các Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển. Bản khuyến nghị sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của các cấp trong vấn đề người khuyết tật, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật trong tương lai.


0 bình luận

Bình luận thêm