Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tháng Mười kinh hoàng

  • Thực hiện: Nguyễn Lan - Lê Thơ
  • 26/11/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 908

 “Dì ơi, cháu mà không khuyết tật thì sẽ không mất và hỏng hết đồ đạc nhà cháu đâu!” - Lời chia sẻ trong nước mắt của Thùy Dương sinh năm 1982, bị liệt chân trái do di chứng của bại liệt. Cô đang sống cùng chồng và 3 người con, ngoài ra phải phụ giúp, chăm sóc, cơm nước hàng ngày cho bố mẹ chồng đã già yếu ở bên cạnh nhà. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình cô đều phụ thuộc vào chồng – làm nghề lái xe tải chở cát sạn/vật liệu xây dựng.

“Một mình chị với đứa con nhỏ xoay xở không kịp em ạ, nước lên nhanh quá vừa phụ đưa anh và mệ cho đội cứu hộ đưa ra nhà nội vừa kêu thằng cu nhỏ phụ hốt lúa nhưng được mấy bao thôi. Mệt đọa rồi không hốt nổi đứng nhìn nước vô ngập rứa thôi.” - Chia sẻ đầy chua xót của chị Kim Hòe, người thân của gia đình có 2 người khuyết tật ở phường Đông Giang, Thành phố Đông Hà sau đợt lũ vừa qua.

Đây là những trường hợp chúng tôi quen biết trong khi thực hiện dự án “Cải thiện tình trạng sống độc lập của người khuyết tật” do Tổ chức Humanity & Inclusion Việt Nam (HI) và ACDC hợp tác triển khai tại Quảng Trị nhằm hỗ trợ người khuyết tật tại địa phương hoàn thiện kĩ năng sống độc lập.

Dốc và vết chỉ mực nước lên đến cửa chính trong nhà của chị Dương

Nhà Thùy Dương nằm bên cạnh dòng sông Hiếu với 2 con dốc cao vời vợi, lần đầu đến nhà cô chúng tôi đã thần người ra và nghĩ: “Dốc cao thế này thì làm sao cô ấy đi lại hàng ngày được?”. Hình như đoán được suy nghĩ của tôi và mọi người trong đoàn, trong buổi nói chuyện Thùy Dương đã bộc bạch để mọi người được rõ: Mỗi lần lên xuống sân nhà để làm việc hoặc đi ra ngoài em phải ngồi xuống để lết từng bậc tam cấp, còn 2 cái dốc này chỉ để chồng và con dắt xe máy/xe đạp vào nhà vào buổi tối. Em nói rằng thà công sức em lết từng bậc thang này để đi lại, còn hơn xây thấp xuống nước lũ lại tràn vào nhà.  Ít ra các vật dụng trong nhà vẫn còn được bảo quản hoặc dễ dọn dẹp sau mỗi mùa mưa lụt. Tuy nền nhà em cao vậy đó nhưng hàng năm vẫn lụt vào nhà. Đặc biệt năm nay chỉ trong vòng 10 ngày của tháng 10 mà nhà em đã đón nhận 4 trận lụt. Dọn nhà lần này chưa xong thì lụt lại vào, lần thứ 3 và 4 gia đình em đã kiệt sức và chỉ biết cứu lấy mạng người là trên hết. Lần thứ tư ngày 10/10 nước đã ngập lên hết cửa chính, cả nhà phải lên ngồi trên nóc nhà vệ sinh, ăn uống phải nhờ vào các đoàn cứu trợ.

Nhà Dương tránh lụt trên nóc nhà vệ sinh

Nhà chị Kim Hòe cũng éo le không kém, anh Sáu - chồng chị là một người thợ xây giỏi, anh bị tai nạn giao thông đã tổn thương não, đi lại khó khăn và động kinh nên không lao động được. Mọi khó khăn chồng chất đè lên vai người phụ nữ nhỏ bé vừa lao động vừa phải chăm sóc cho chồng, nuôi con vừa nuôi thêm cô chồng năm nay đã 90 tuổi là người khuyết tật vận động đặc biệt nặng di chuyển chủ yếu bằng xe lăn.

Ngôi nhà của chị Hòe

Ngôi nhà chị Hòe thiết kế với nhiều bậc cao trước nhà để tránh lũ. Từ khi anh Sáu chồng chị bị tai nạn việc di chuyển qua từng bậc tam cấp rất nguy hiểm, còn cô Tuyết chỉ ở trong nhà không ra ngoài vì đường dốc cao quá. Chị xúc động chia sẻ: “Đã cố tình xây cao để phòng khi lũ lụt nhưng cũng không chống nổi trận lụt lớn vừa qua, nước vào nhà dâng lên ngập giường em ạ. Anh Sáu và cô Tuyết được đội cứu hộ đưa lên chổ cao còn 2 mẹ con ở lại nhà kê giường lên để tránh lụt. May cũng có đoàn cứu hộ họ đưa đồ ăn với mì tôm vào để ăn qua bữa chứ bếp núc ngập hết trơn rồi. Sau trận lụt nhà chị bị thiệt hại nặng nề, đậu xanh chuẩn bị thu hoạch, miếng đất trồng ném đang lên tốt cũng bị hư hại hoàn toàn, bầy gà gần 50 con bị chết. Đồ đạc trong nhà đã hư hại hoàn toàn, tích góp lâu ngày để mua cái tủ đựng quần áo nhưng bị ngâm nước và hỏng rồi.”

Lúa bị lên mầm tại nhà của chị Hòe

Rồi chị gửi cho chúng tôi những hình ảnh lúa bị ngâm nước đã lên mầm, chị nói với tôi rằng lúa này chị phơi ra để tận dụng nuôi gà chứ không biết làm gì khác. Chị còn chia sẻ: “Sau lụt lội mà mình và người thân còn bình an là mừng rồi em ạ, chừ thì tình cảnh chung chứ cũng không riêng gì gia đình chị, chừ phải cố gắng mần ăn lại thôi.”

Câu chuyện gia đình cô bé Thùy Dương, chị Hòe là một phần nhỏ của hơn 61.000 hộ dân ở tỉnh Quảng Trị gặp phải trong những trận lũ lụt kinh hoàng ở Quảng Trị. Các trận lũ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống gần 200.000 người dân Quảng Trị. Trong số đó những người khuyết tật là bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề hơn tất cả.

Khi ngồi viết câu chuyện này, chúng tôi nhận được tin sẽ tham gia cùng đoàn công tác do ACDC chủ trì để trao tặng 2000 gói cứu trợ khẩn cấp - hỗ trợ cho người khuyết tật & gia đình bị ảnh hưởng nặng sau bão lụt tại miền Trung. Đây thực sự là tin vui đối với những cán bộ tại địa bàn như chúng tôi, khi đã chứng kiến sự khốc liệt của thiên tai, lắng nghe những chia sẻ của người khuyết tật mà lòng nặng trĩu bởi chưa tìm ra cách nào để giúp đỡ mọi người. Tuy sự hỗ trợ lần này chưa thể bù đắp hết những mất mát, thiệt hại nhưng cũng giúp cho những người khuyết tật nơi đây được an ủi và thêm động lực để vượt qua giai đoạn quá khó khăn này. Đồng thời những cán bộ như chúng tôi cũng có thêm niềm tin và sự tự hào trên con đường mà chúng tôi đang theo đuổi để hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam.


0 bình luận

Bình luận thêm