Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ người khuyết tật năm 2020

  • Thực hiện: Nguyệt Hà
  • 16/12/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 847

Trong khuôn khổ dự án “Giám sát và đánh giá việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam” do Tổ chức CBM tài trợ, ACDC đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ người khuyết tật năm 2020” vào sáng ngày 15/12/2020 tại Hà Nội.

Chương trình có sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến các Bộ, ban, ngành của chính phủ; các tổ chức của và vì người khuyết tật; các chuyên gia; đại diện Hội, nhóm người khuyết tật trên toàn quốc cùng các cơ quan thông tấn báo chí. Hoạt động được tổ chức nhằm chia sẻ các sáng kiến hỗ trợ người khuyết tật, các thành tựu trong dự án “Giám sát và đánh giá việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam” từ năm 2016 cho đến nay. Tại đây, các đại biểu đã được nghe các kết quả cơ bản sau 4 năm thực hiện dự án và thảo luận để đưa ra những góp ý nhằm tìm kiếm các giải pháp tăng cường kết nối và hỗ trợ người khuyết tật. Đồng thời, các mô hình tiêu biểu, sáng kiến thành công mà dự án hỗ trợ cũng được trưng bày và giới thiệu tại hội thảo như: Sáng kiến “Dạy nghề, tạo việc làm thu nhập ổn định cho người khuyết tật và tổ chức của người khuyết tật tại thị xã Thái Hòa”  - Chi hội người khuyết tật thị xã Thái Hòa; Sáng kiến “Xây dựng mô hình sản xuất tiếp cận thị trường và tăng thu nhập cho người khuyết tật trên địa bàn huyện A Lưới (mô hình chổi đót)” - CLB người khuyết tật 79 huyện A Lưới; Mô hình “Chăn nuôi trùn quế và trồng rau hữu cơ” - Hội người khuyết tật TP Cần Thơ; Sáng kiến “Mở lớp dạy nghề xoa bóp day ấn huyệt cho người mù tỉnh Sóc Trăng” - Hội người mù tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu trong hội thảo, bà Vũ Thị Tuyết Mai – Trưởng đại diện Tổ chức CBM tại Việt Nam chia sẻ: “Có mặt tại hội thảo này sau 5 năm, tôi vô cùng xúc động và cũng rất tự hào khi nhìn lại chặng đường mà chúng ta đã trải qua. Trong hội trường ngày hôm nay, nhiều anh chị cũng đã cùng nhau chia sẻ những gì đã đạt được, những kinh nghiệm đã trải qua và tiếp tục hướng tới chặng đường phía trước. Để nói về những thành công và khó khăn, không ai hiểu rõ hơn việc này bằng chính các anh chị ở đây, và cả những anh chị không có điều kiện tham dự trực tiếp hội thảo hôm nay. Các anh chị chính là những “chiến binh”, những người không quản ngại vất vả đến tận gia đình từng người khuyết tật tại địa bàn để tìm hiểu thông tin, chia sẻ kiến thức, nhiều người thức đến 1-2 giờ sáng để chuẩn bị bài giảng, đọc và viết đi viết lại hàng chục lần bản thảo báo cáo độc lập của người khuyết tật, có người sẵn sàng bỏ cả công việc cá nhân, vất vả thuyết phục cả gia đình, người thân để cho phép mình tham gia hoạt động Hội.”

Với mục tiêu tăng cường năng lực cho các tổ chức của người khuyết tật trong việc giám sát, đánh giá Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) tại 3 miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam, sau 4 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hơn 2.500 người bao gồm cả người khuyết tật và người không khuyết tật đã được nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức. 46 lớp tập huấn tại cộng đồng đã được thực hiện bởi mạng lưới giảng viên nguồn đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đây là những giảng viên người khuyết tật trưởng thành từ chương trình đào tạo giảng viên nguồn cho 6 bộ tài liệu tập huấn do dự án xây dựng. 24 tổ chức của và vì người khuyết tật và mạng lưới của họ đã cùng nhau xây dựng và hiện Báo cáo độc lập về việc thực hiện CRPD tại Việt Nam. Báo cáo độc lập dự kiến sẽ nộp lên Ủy ban quốc tế về người khuyết tật của Liên hiệp quốc vào đầu năm 2021. Đặc biệt, dự án cũng đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc thúc đẩy phong trào hội/nhóm của người khuyết tật. Cụ thể, dự án đã hỗ trợ thành lập được 8 tổ chức của người khuyết tật trong đó có 2 hội người khuyết tật cấp tỉnh, 3 hội người khuyết tật cấp huyện, 2 Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tỉnh và 1 Câu lạc bộ người Điếc.

Ông Phan Hữu Thảo - Chi hội trưởng Chi hội người khuyết tật thị xã Thái Hòa, đơn vị được nhận tài trợ của sáng kiến “Dạy nghề, tạo việc làm thu nhập ổn định cho người khuyết tật và tổ chức của người khuyết tật tại thị xã Thái Hòa” cho rằng: Nếu chi hội không có sự hỗ trợ của chương trình tài trợ dự án nhỏ của ACDC và Tổ chức CBM thì việc thành lập Hội người khuyết tật thị xã Thái Hòa sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ nhận được tài trợ của sáng kiến dạy nghề mộc cho người khuyết tật, chi hội có kinh phí hoạt động nhờ nguồn thu từ việc bán các sản phẩm và có thêm các hoạt động khác để hỗ trợ người khuyết tật, tạo nên những tác động tích cực trong cộng đồng và nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, từ đó thúc đẩy việc thành lập hội.

Sau 5 năm CRPD được phê chuẩn tại Việt Nam, dự án đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận và đó là tiền đề cho sự phát triển hơn nữa của phong trào người khuyết tật Việt Nam, của sự đoàn kết, kết nối giữa các hội, nhóm, tổ chức của và vì người khuyết tật trên toàn quốc.


0 bình luận

Bình luận thêm