Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cố Đô – Hành trình để yêu thương…

  • Thực hiện: Hiếu Phạm – Kim Ngọc – Đăng Quyến
  • 28/12/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 973

Những cơn mưa trắng trời vẫn chưa từng ngơi nghỉ, quốc lộ biến thành biển nước mênh mông, văn phòng dự án tại thành phố Huế tạm thời phải đóng cửa giữa những đợt lũ lịch sử đó. Nhưng công việc của những cán bộ thực địa ở Huế như chúng tôi không hề dừng lại, chúng tôi vẫn cố gắng giữ liên lạc và cập nhật tình hình về những ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là các trường hợp người khuyết tật cần hỗ trợ. Cuối cùng, những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, gói cứu trợ khẩn cấp - hỗ trợ cho 2000 người khuyết tật & gia đình bị ảnh hưởng nặng sau bão lụt tại miền Trung đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) phê duyệt và giao cho ACDC – tổ chức nơi chúng tôi đang làm việc triển khai.

Ảnh minh họa

Chúng tôi còn nhớ như in những ngày làm việc không ngừng nghỉ của các nhân viên của ACDC tại Huế, tất cả đều cùng một mong muốn đó là những món quà của ACDC được kịp thời trao tay người khuyết tật, mong họ sớm bớt phần khó khăn và ổn định cuộc sống sau thiên tai. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 12, các tỉnh miền Trung một lần nữa mưa trắng trời, mực nước các sông dâng cao, để đảm bảo an toàn nên đoàn công tác của ACDC chúng tôi buộc phải tạm hoãn việc cứu trợ.

Những ngày giữa tháng 11, sau bao nhiêu trận cuồng phong bầu trời Cố Đô dần hửng nắng, những tia nắng như tiếp thêm động lực cho các “chiến binh” của ACDC. Không để lãng phí thời gian, các cán bộ của ACDC đã khẩn trương đi về địa phương và khảo sát từng hộ gia đình người khuyết tật đã được các cơ quan chức năng tại địa phương đề xuất với mục đích tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, mức độ thiệt hại để những phần quà của ACDC đến đúng đối tượng và đúng với ý nghĩa của hoạt động cứu trợ lần này.

Về vùng rốn lũ Quảng Điền, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi nghe những người khuyết tật và người dân kể lại những gì mà họ đã trải qua trong đợt lũ vừa rồi. Nước lũ dâng lên rất nhanh và ngập vào nhà dân, mặc dù các cơ quan chức năng đã có phương án sơ tán người dân nhưng thiệt hại tài sản là không tránh khỏi. Đối với những người không khuyết tật việc di chuyển đến nơi tránh trú vốn đã gặp khó khăn thì những người khuyết tật còn gặp khó khăn hơn bội phần. Những hộ dân ở vùng trũng thấp sớm được sơ tán nhưng nhà của họ thì chìm trong biển nước, những hộ dân ở vùng cao hơn thì nước ngập hầu hết trên một mét, nhiều hộ phải kê cao đồ đạc thậm chí là sử dụng các thanh xà nhà để làm nơi tránh trú. Khi chúng tôi đến khảo sát thậm chí họ còn chưa dám hạ đồ đạc xuống thấp vì sợ nước lại tiếp tục dâng lên. Đó là tâm lý chung của bà con vùng lũ bởi vì có một số hộ gia đình nước vẫn ngập ngoài sân nhà, chúng tôi phải đi bộ và lội trong nước lũ thì mới có thể tiếp cận được. Chuyến đi khảo sát tại vùng rốn lũ Quảng Điền của chúng tôi kết thúc đúng 7h tối ngày 18 tháng 11 năm 2020, một ngày rong ruổi để trực tiếp gặp những người khuyết tật khiến đoàn công tác chúng tôi thấm mệt nhưng không vì vậy mà khiến cho chúng tôi bớt đi sự nhiệt huyết.

Trải qua 3 ngày đi tiền trạm, trực tiếp tìm hiểu hoàn cảnh các trường hợp người khuyết tật và gia đình người khuyết tật. Dù gặp nhiều khó khăn trong di chuyển vì một số nơi vẫn còn bị ảnh hưởng sau lũ. Chúng tôi đã chọn lọc được các đối tượng người khuyết tật và gia đình người khuyết tật thật sự khó khăn, đáp ứng được các tiêu chí theo kế hoạch đề ra. Điều này là rất quan trọng để đảm bảo các món quà cứu trợ được đến tới đúng người thật sự cần. Danh sách người khuyết tật đã có, những món quà cứu trợ cũng đã được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, tất cả các công việc hậu cần đều đã được hoàn thành. Vậy là hành trình trao yêu thương của chúng tôi đã sẵn sàng để bắt đầu!

Ngày 23 tháng 11 năm 2020

Xe tập trung 05h45 tại khách sạn, sau đó chúng tôi chia nhau thành 3 nhóm di chuyển về 3 điểm xã của huyện Phú Vang để phát quà cho người khuyết tật là Thị trấn Phú Đa, xã Phú Mỹ, xã Phú Mậu. Những người khuyết tật ở gần các điểm phát sẽ đến đây để nhận quà cứu trợ. Việc chia nhóm này để về tận địa bàn giúp người khuyết tật không phải di chuyển xa và bảo đảm an toàn cho người khuyết tật.

Những cán bộ xã tại địa phương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công tác tổ chức chương trình, chuẩn bị hội trường, ổn định chỗ ngồi cho người khuyết tật. Sau khi phát xong 160 suất quà tại các điểm phát tập trung, chúng tôi trực tiếp đi trao tặng bình lọc nước lõi gốm và hướng dẫn cách sử dụng bình cho 35 hộ gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là những người khuyết tật neo đơn, thuộc hộ nghèo, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc gia đình có nhiều người khuyết tật. Một trong những hộ gia đình người khuyết tật mà chúng tôi về thăm có cô Phan Thị Nếp ở tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, cô Nếp chia sẻ: “Bản thân tôi là người khuyết tật thần kinh tâm thần, tôi không nghĩ rằng bản thân có thể mua được những phần quà lớn như thế này. Thế là tết năm nay tôi có đồ tết, có chăn màn mới, gối mới. Tôi còn may mắn được nhận thêm bình lọc nước sạch này, sau này không lo phải sử dụng nước không an toàn nữa rồi…” - vừa nói mà cô dưng dưng nước mắt đầy xúc động.

Cô Phan Thị Nếp là một trong những hộ gia đình nhận bình lọc nước mà đoàn công tác chúng tôi về thăm và trao tặng quà tại nhà. Cô bị khuyết tật thần kinh tâm thần, sống đơn thân, nhà cấp 4 và đã xuống cấp. Sau khi trao tặng quà và hướng dẫn sử dụng bình lọc nước, cô cứ mãi bịn rịn và cảm ơn không ngớt, hình ảnh đó của cô có lẽ sẽ khiến tôi không bao giờ quên…

Ngày 24 tháng 11 năm 2020

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là thị xã Hương Trà, ở đây chúng tôi cũng chia nhau thành 3 nhóm để tổ chức chương trình tại 3 điểm xã là Hương Phong, Hương Xuân, Hương Văn. 150 suất quà đã được trao tặng cho người khuyết tật thị xã Hương Trà một cách kịp thời mà đầy trân trọng. Sau khi trao quà xong chúng tôi lại tiếp tục di chuyển đi trao tặng 35 bình lọc nước lõi gốm cho người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thị xã Hương Trà. Mặc dù khoảng cách giữa các gia đình người khuyết tật là xa nhau, có những hộ thậm chí nằm sát bờ biển như Hải Dương, cũng không làm chúng tôi chùn bước. Bước vào những căn nhà dột nát, người khuyết tật sống đơn thân thiếu ăn thiếu mặc làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Một trong những trường hợp đó là Bà Hoàng Thị Chỉnh ở thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà đã vô cùng xúc động khi thấy đoàn công tác của chúng tôi về thăm nhà và trao quà. Bà Chỉnh năm nay 84 tuổi, sống đơn thân, có con dâu thỉnh thoảng lui tới chăm sóc. Bà Chỉnh khi thấy chúng tôi về thăm thì tưởng rằng chúng tôi đến và lấy lại phần quà… bà hỏi chúng tôi rằng: “Cho rồi chừ về lấy lại hay răng?” - trước câu hỏi đó của bà đều khiến cho cả đoàn chúng tôi phải phì cười. Sau khi giải thích rõ ràng với bà và hướng dẫn cho bà sử dụng bình lọc nước. Bà vô cùng xúc động mà nói với chúng tôi: “Quà to quá các o các chú ơi! Tui chưa răng chừ nhận được quà to như ri, thấy cái chi cũng có, có nồi có chảo, dầu ăn rồi nước mắm, tôi vui lắm.”

Ngày 25 tháng 11 năm 2020

Quảng Điền là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ lịch sử vừa rồi tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Có những xã bị cô lập trong nước lũ suốt 45 ngày, cuộc sống người khuyết tật gặp vô cùng khó khăn. Đoàn chúng tôi lại tiếp tục chia nhau ra thành 2 nhóm để đi tặng quà theo chương trình buổi sáng là xã Quảng An, xã Quảng Lợi. Sau đó toàn bộ đoàn tập trung tại Thị trấn Sịa để tặng quà cho người khuyết tật thị trấn Sịa và xã Quảng Vinh. Chương trình buổi chiều này chúng tôi vinh dự có sự tham gia của Giám đốc USAID là bà Ann Marie Yastishock cùng đại diện lãnh đạo tỉnh tham gia trao tặng quà cho người khuyết tật. Đoàn sau đó cũng đã trực tiếp đi thăm nhà và tặng quà 35 bình lọc nước cho các hộ gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Tâm sự của người mẹ 70 tuổi, Lương Thị Cước, ở TDP An Gia, thị trấn Sịa (Quảng Điền) suốt 35 năm nuôi con trai bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam, không đi và nói được trong buổi nhận quà hỗ trợ tại Nhà văn hóa thị trấn Sịa (Quảng Điền) khiến nhiều người xúc động. Theo bà Cước, những trận lụt bão liên tiếp vừa qua, nhà bà nước ngập sâu kéo dài suốt nhiều ngày. Mấy cơn bão mạnh, nhờ chính quyền, đoàn thể, người thân quan tâm đưa 2 mẹ con sang tá túc nhà hàng xóm, nên cả 2 bình an vượt qua các trận bão dữ. Sau bão lụt, bà rất ấm lòng vì được nhiều tổ chức, đoàn thể quan tâm cho gạo, mì tôm, tiền và một số vật dụng cần thiết, giúp 2 mẹ con dần ổn định cuộc sống.

Ngày 26 tháng 11 năm 2020

Huyện cuối cùng trong chương trình cứu trợ của chúng tôi là Phong Điền. Cũng là huyện mà người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn sau bão lũ. Tại huyện này chúng tôi cũng chia nhau thành 3 nhóm đi tặng quà vào buổi sáng tại 3 điểm xã là Phong Thu, Phong Hòa, Điền Hương.

Tặng quà xong chúng tôi vội vã di chuyển đi tặng bình lọc nước cho người khuyết tật tại các xã này, sau đó lại chia nhau thành 2 nhóm để tổ chức chương trình buổi chiều tại 2 xã Phong Chương và Phong Bình. Mặc dù là huyện cuối cùng, nhưng không thể không nhắc đến sự phối hợp nhiệt tình của các cán bộ xã tại địa phương. Mọi khâu hậu cần đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chu đáo. Các cán bộ xã cũng đã cùng chúng tôi đi đến tận nhà người khuyết tật, dù có những hộ gia đình phải di chuyển rất xa mới đến được. Chính nhờ sự phối hợp đó mà 180 suất quà và 35 bình lọc nước đã được trao tặng rất cẩn thận và ấm áp tới người khuyết tật huyện Phong Điền.

Kết thúc hoạt động cứu trợ tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong sự hân hoan, chúng tôi đều cảm thấy vui mừng khi đã giúp đỡ cho người khuyết tật trong lúc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có lẽ chuyến đi ý nghĩa này sẽ là động lực cho chúng tôi tiếp tục thực hiện các chương trình nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất cho người khuyết tật để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Và mỗi chuyến đi là một hành trình để học hỏi, để yêu thương và trưởng thành hơn.


0 bình luận

Bình luận thêm