Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021

  • Thực hiện: Lan Anh
  • 30/12/2020
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1607

Sáng 30/12/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam chủ trì hội nghị.

Năm 2020, Ủy ban đã đạt được thành công ở nhiều lĩnh vực, trong đó có một số thành tựu đang lưu ý:

  • Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật: Quốc hội đã thông qua 03 đạo Luật trong đó có lồng ghép các quy định để bảo vệ quyền của NKT như luật Hoà giải, đối thoại tại toà án, Luật đầu tư và Luật cư trú; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Quyết định trong đó nổi bật là Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 Ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 phê duỵet Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030.
  • Công tác truyền thông đã triển khai nhiều chương trình truyền thông trong đó có truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về NKT có nhiều đổi mới rõ rệt. Đặc biệt có chương trình “Việt Nam hôm nay” trên kênh VTV1 đã có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Bộ Y tế đã ban hành các tài liệu truyền thông về phòng chống dịch Covid-19 dành riêng cho người khuyết tật, tài liệu bằng video có sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật.
  • Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ: Bộ Y tế đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật năm 2020.
  • Công tác giao thông tiếp cận đã có sự thay đổi rõ nét: Tại các bến xe có cửa bán vé ưu tiên cho người khuyết tật, bố trí chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, các Sở Giao thông vận tải tại một số địa phương đang tiếp tục kêu gọi xã hội hoá đầu tư các nhà chờ xe buýt và cải tạo nhà chờ xe buýt như Sở GTVT Quảng Trị đầu tư xây dựng mới, cải tạo 03 nhà chờ xe buýt tiếp cận, Sở GTVT Quảng Nam nghiên cứu thí điểm 01 tuyến xe buýt cải tạo kết cấu hạ tầng và phương tiện xe buýt tiếp cận; Sở GTVT Thanh Hoá đang phê duyệt đầu tư 30 nhà chờ xe buýt. Đã có 13/22 sân bay trên toàn quốc đã có trang bị phương tiện, trang thiết bị cho hành khách cần sự trợ giúp đặc biệt. Các hãng hàng không Việt Nam đã ban hành và thực hiện quy trình phục vụ hành khách là người khuyết tật.
  • Công tác tiếp cận công trình công cộng: Bộ Xây dựng năm 2020 đã hoàn thành báo cáo điều tra, khảo sát các công trình chưa đảm bảo đáp ứng quy định tại QCVN 10:2014/BXD để đề xuất các giải pháp trợ giúp người khuyết tật tiếp cận các loại công trình chung cư, công trình công cộng, đường và hè phố. Bộ cũng đã hoàn thành tài liệu kiểm tra, giám sát thực hiện QCVN 10:2014 tại địa chỉ: http://nkt.xaydung.gov.vn, Sổ tay Hướng dẫn thiết kế các loại công trình, tài liệu minh hoạ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chuẩn qua các khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.
  • Công tác dành cho phụ nữ khuyết tật của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều hoạt động trong đó có nổi bật là tổ chức cuộc thi phụ nữ khuyết tật “Khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công” với 32 đề xuất ý tưởng khắp 3 miền trên cả nước. Qua nhiều vòng thi đã có 02 dự án của phụ nữ khuyết tật được lọt vào vùng chung kết cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 với 1 dự án đạt giải thưởng tiên phong và 1 dự án được giải thưởng về ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường.

 

Bên cạnh những thành tựu vẫn còn tồn tại và hạn chế:

  • Tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập vẫn còn chậm trễ.
  • Còn một số Bộ, ngành, địa phương thiếu quan tâm, coi công tác người khuyết tật là trách nhiệm của riêng ngành Lao động Thương binh & Xã hội nên chưa xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật hàng năm.
  • Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất đặc biệt là khu vực nông thôn, khó bảo đảm lộ trình tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật người khuyết tật, việc cải tạo để bảo đảm tiếp cận đối với các công trình xây dựng trước thời điểm Luật người khuyết tật ban hành chưa được quan tâm.
  • Việc xác định và cấp giấy chứng nhận người khuyết tật cho người khuyết tật nhẹ đạt kết quả vẫn còn thấp. Mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn ở mức thấp.
  • Vẫn còn nhiều người khuyết tật chưa được học nghề và vay vốn để phát triển sản xuất.
  • Việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chưa được triệt để, còn nhiều điểm chưa phù hợp quy chuẩn như vị trí và hình thức cầu thang bộ thoát nạn, hình thức và chiều cao lan can an toàn, độ dốc đường dốc đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật, khu vệ sinh chung, bố trí chỗ ngồi cho người khuyết tật…
  • Việc thành lập tổ chức của người khuyết tật ở một số địa phương còn khó khăn, nên không có sự tham gia của đại diện tổ chức Hội của người khuyết tật tại cấp xã, phường nên ảnh hưởng đến hoạt động cấp giấy xác nhận khuyết tật ở cấp xã.

​​​​​​​

Hội nghị cũng đã đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021:

  • Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện chỉ thị số 39-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật.
  • Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
  • Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, chính sách, pháp luật về người khuyết tật bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với những đối tượng khác nhau.
  • Tổ chức đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Luật người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật người khuyết tật. Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật; mô hình khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng....
  • Tổ chức các giải thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ người khuyết tật toàn quốc. Tham gia các giải thể thao quốc tế dành cho người khuyết tật. kiểm tra hoạt động trợ giúp người khuyết tật tại một số Bộ, ngành và địa phương; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng của người khuyết tật.
  • Tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác về người khuyết tật với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới; tăng cường các hoạt động điều phối, chia sẻ thông tin với các đối tác phát triển trong lĩnh vực khuyết tật.

0 bình luận

Bình luận thêm