Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tết ấm...

  • Thực hiện: Lan Phương
  • 28/01/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 861

Chúng tôi đã gặp người phụ nữ nhỏ bé nhưng mang trong mình một nghị lực phi thường ấy tại thôn Hiên, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tôi còn nhớ đó là một buổi chiều đầy nắng, trong căn nhà nhỏ rộng chừng 25m2, người phụ nữ khuyết tật Nguyễn Thị Nhu đã trải lòng cùng chúng tôi về cuộc đời mình.

Chị là con cả trong một gia đình có 4 anh chị em, khi sinh ra chị cũng là một đứa trẻ khỏe mạnh, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác. Bất hạnh ập tới vào năm học lớp 4, những cơn sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân làm cho cơ thể chị dần teo tóp, sức khỏe ngày càng yếu dần. Chị kể: “Hồi ấy, mặc dù bố mẹ tôi đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của tôi vẫn không thuyên giảm. Đã có lần tôi sốt cao đến mức thập tử nhất sinh, nhưng may mắn sao thần chết vẫn không mang tôi đi. Tôi lớn lên trong sự đeo bám của những cơn đau cùng mùi thuốc và những mũi tiêm thấu da thịt.”

Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng chị vẫn cố gắng học hết lớp 9 với sự trợ giúp của gia đình và bạn bè. Năm 16 tuổi, bệnh tật liên miên đã khiến sức khỏe của chị ngày càng chuyển biến xấu, đã có lúc chị bị ngất đột ngột ở giữa đường. Kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt sau bao nỗ lực tìm thầy tìm thuốc cho chị và nuôi các con ăn học. Thương bố mẹ vất vả nên chị quyết định bỏ dở việc học để ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng sức khỏe yếu nên chị chỉ có thể làm những việc lặt vặt trong nhà. Đến khi hai người em gái đi lấy chồng, nhìn bố mẹ ngày một già yếu, em trai út cũng bệnh tật liên miên, chị tự nhủ phải ra ngoài tìm một công việc phù hợp để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Cuối cùng chị cũng tìm được công việc gấp giấy tiền tại nhà cho một cơ sở sản xuất trong vùng nhưng mức thu nhập cũng không đáng kể.

Chị Nhu chăm sóc đàn gà

Sang đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, các điểm du lịch, lễ hội, đền chùa đóng cửa. Nhu cầu tiền giấy giảm mạnh, công việc của chị phải tạm ngừng, các nguồn thu khác của gia đình cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.

“Thời điểm cả nước cách ly xã hội, tôi không còn việc làm, bao áp lực lại bủa vây, thời điểm đó tôi đã nghĩ, mình đã vượt bao gian nan để đi đến ngày hôm nay, chẳng lẽ phải buông xuôi?!” – Giọng chị trùng hẳn xuống khi nhắc đến thời gian này.

Thật may là sau thời gian giãn cách xã hội, Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình đã phối hợp với ACDC triển khai chương trình hỗ trợ vốn quay vòng. Sau bao ngày trăn trở, cuối cùng chị đã quyết định mạnh dạn tham gia chương trình, với mức vốn vay 5 triệu cùng số tiền vay mượn từ người thân, bạn bè, chị đã mua con giống gà, vịt về nuôi. Chị đã rất cần cù, chăm chỉ học hỏi, tìm hiểu các kĩ thuật chăn nuôi để phát triển đàn gà vịt. Chị Nhu tâm sự: “Những ngày đầu chăn nuôi, do sức khỏe yếu, di chuyển khó khăn nên có lần bê thau thức ăn cho gà, vịt, tôi bị vấp ngã, thức ăn đổ hết, người ngã sõng soài dưới đất. Lúc ấy tôi thấy rất tủi thân, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, tôi lại cố gượng dậy. Vì mình là người khuyết tật nên mọi thứ đều phải cố gắng gấp nhiều lần người thường. Dần dần, tôi đã quen được với công việc, biết điều phối và sắp xếp để phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.”

Bao gian nan, vất vả, nhiều mồ hôi, nước mắt đã rơi và cuối cùng cũng kết trái bằng quả ngọt. Từ vài chục con ban đầu, chị đã nuôi sinh sản, nhân đàn lên gấp đôi, gấp ba. Hiện tại, chị đang nuôi 20 đôi chim bồ câu, gần 100 con gà, vịt. Mỗi tháng, thu nhập từ việc bán thịt và trứng của chị có lãi từ 1,5 – 2 triệu đồng.

Nhìn khu vườn rau xanh mát, đàn gà, vịt và chim bồ câu lên đến hàng trăm con, ít ai nghĩ chủ nhân của mô hình này là một người phụ nữ khuyết tật 42 tuổi nhỏ bé, cao có 1,4m, nặng 29 kg. Ngoài nuôi gà, vịt và chim bồ câu, chị còn tận dụng gần 50m2 diện tích mặt nước ao cạnh nhà để nuôi thả các giống cá truyền thống như: trắm, chép, trôi… để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Nói về dự định trong thời gian tới, chị Nhu cho biết, nếu sức khỏe tốt và có thêm nguồn vốn, chị sẽ nhân rộng đàn gà, vịt và chim bồ câu, tiếp tục phát triển kinh tế. Chị mong muốn sẽ tiếp tục nhận được quan tâm,  hỗ trợ vốn vay từ phía Hội và các tổ chức, với thời hạn lâu dài và mức vay nhiều hơn.

Quy mô chăn nuôi tuy không lớn, song đã giúp cho gia đình chị Nhu vơi bớt khó khăn và tìm được niềm hy vọng khi một năm mới lại sắp đến, Tết Nguyên đán cũng đã gần kề. Tiễn chúng tôi ra về, nhìn lại cơ ngơi nho nhỏ của mình, trên gương mặt phong sương của người phụ nữ ấy đã nở một nụ cười hiền hậu và thì thầm: “Năm nay Tết ấm…!”.


0 bình luận

Bình luận thêm