Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Làm thầy của trẻ khuyết tật, dễ hay khó?

  • Thực hiện: Huyền Trang
  • 22/07/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 3142

“Thầy cô gùi chữ lên nương
Trồng người dạy chữ tình thương cuộc đời
Bám trường, bám bản, bám trời
Bám bùn, bám đá, bám người, bám dân.”

- Thầy cô vùng cao (Cẩm Chi Châu) -

Vài dòng thơ tuy ngắn ngủi, nhưng chứa đựng bao khó khăn, nhọc nhằn của những người thầy giáo, cô giáo trên hành trình đem con chữ tới với trẻ em dân tộc vùng cao trên khắp dải đất hình chữ S thân thương này. 

Với 16 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy Hoàng Văn Đôn đã tiếp xúc và dìu dắt bao thế hệ học sinh. Nhưng niên học 2020-2021 có lẽ là một dấu mốc đặc biệt hơn cả, khi thầy chuyển công tác về Trường Tiểu học Co Rào, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng và lần đầu tiên được phân công giảng dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập. Nhận nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm lớp 3A của Huy Nhật, ban đầu, thầy Đôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ Huy Nhật hòa nhập với môi trường học tập. 
Cậu bé Nguyễn Huy Nhật, người dân tộc Tày, sinh năm 2012, mắc bệnh Down bẩm sinh. Ấn tượng đầu tiên về Nhật là một cậu bé rụt rè, nhút nhát, hay ngại ngùng, thường nép sau lưng bố mẹ. Tuy đã chín tuổi, nhưng nhìn Huy Nhật nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa. Nhận thức của Nhật chỉ tương đương với trẻ mầm non hai đến ba tuổi. Bằng tuổi Nhật, các bạn đã có thể viết được đoạn văn ngắn, còn Nhật mới viết được chữ O, nói được những từ đơn giản như mẹ, bà, bố. Khi được chúng tôi hỏi về các màu sắc, Nhật đều trả lời là màu cam. Các giáo viên đã từng dạy Nhật trước đây đều có chung cảm giác khó khăn và cảm thấy lúng túng, không biết xử lý sao khi Nhật thường xuyên la hét trong lớp, tự dưng đi ra khỏi chỗ, hoặc nói to trong lớp khi chưa được giáo viên cho phép, làm gián đoạn tiết học.


Ảnh 1: Thầy Hoàng Văn Đôn đang thực hành dạy một tiết học can thiệp cá nhân cho học sinh khuyết tật trong lớp tập huấn Hướng dẫn vận hành phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập, ngày 24/10/2020. Ảnh chụp bởi Nguyễn Huyền Trang - Cán bộ ACDC

Thầy chia sẻ “Lúc đầu bản thân cũng rất bỡ ngỡ không biết xây dựng kế hoạch như thế nào cho phù hợp với học sinh khuyết tật, lựa chọn nội dung như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, làm thế nào để học sinh khuyết tật hợp tác trong các giờ học…”. Thầy cũng đã chủ động giành thời gian tìm hiểu tài liệu online về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật nhưng “không hiệu quả vì chưa biết cách tìm hiểu khả năng và nhu cầu của trẻ”. Tuy không được tham gia từ đầu lớp tập huấn  về giáo dục hòa nhập cho giáo viên mầm non và tiểu học, thầy Đôn đã chủ động xin tham gia lớp tập huấn lại về giáo dục hòa nhập và sau đó trở thành giáo viên cốt cán của Trường Tiểu học Co Rào. Trong quá trình tham gia lớp tập huấn, thầy tích cực tìm hiểu, thảo luận cùng các chuyên gia tư vấn, từ các thầy cô giáo đã được tập huấn để có thể thực hành các phương pháp và kĩ năng dạy học Huy Nhật có thể hòa nhập tốt hơn với trường lớp và bạn bè. Thầy vui vẻ cho biết, sau khóa tập huấn, “Tôi đã nắm được cách xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, biết cách tìm hiểu khả năng và nhu cầu của trẻ, từ đó xây dựng kế hoạch bài học phù hợp với đối tượng học sinh khuyết tật, biết cách tạo sự hứng thú hơn cho học sinh trong các giờ học”.


Ảnh 2: Thầy Hoàng Văn Đôn đang dạy học sinh khuyết tật chữ C trong giờ can thiệp cá nhân tại Trường Tiểu học Co Rào, ngày 17/3/2021. Ảnh chụp bởi Tôn Thị Tâm - Chuyên gia giáo dục, ChildFund Việt Nam

Được tham dự một tiết dạy hòa nhập và một tiết dạy can thiệp cá nhân mà thầy Đôn chuẩn bị mới cảm nhận hết được tình thương của người thầy dành cho học trò của mình. Nhật đã được thầy bố trí ngồi bàn đầu để thầy có thể dễ dàng hỗ trợ em tốt nhất. Kế hoạch giáo dục cá nhân thầy xây dựng cho Nhật giờ đã khoa học hơn, cụ thể và rõ ràng hơn khi thầy đã hiểu được khả năng cũng như nhu cầu của Nhật. Bây giờ, thầy Đôn đã có thể vừa dành thời gian quan tâm học sinh toàn lớp, vừa giao bài tập phù hợp với khả năng của Nhật, đồng thời thầy có kỹ năng và phương pháp xử lý tình huống giúp Nhật tuân thủ nội quy lớp học hơn. Mỗi khi làm xong bài, Nhật lại ngẩng đầu lên và gọi “Đôn ơi!...”. Cách gọi giản dị như một người bạn nhưng lại chứa chan sự tin yêu của Nhật dành cho thầy. 

Sau nhiều nỗ lực, sự tận tâm rèn rũa của thầy Đôn và sự phối hợp tích cực của gia đình với nhà trường, Huy Nhật đã có những tiến triển đáng mừng. Giờ Nhật đã là một cậu bé vui vẻ, hòa đồng với bạn bè và bạo dạn hơn khi giao tiếp với người lạ. Trong lớp, em đã thể hiện sự hợp tác tốt hơn với các giáo viên, tập trung hơn trong giờ học. Giờ Nhật đã tự cầm bút để viết được chữ O, A, C và gọi tên được các chữ cái trên. Nhật cũng rất thích tô màu và gọi tên được thêm màu đỏ. Gia đình Nhật rất vui mừng khi đi học về Nhật tự giác chào hỏi ông bà, bố mẹ và có thể nói được câu hoàn chỉnh để kể được nhiều chuyện ở lớp học. Đặc biệt, Nhật đã có thể phụ mẹ 1 số công việc đơn giản trong nhà như sắp bát đũa ăn cơm, phụ mẹ rửa bát…

Ảnh 3: Huy Nhật cùng mẹ tham dự sự kiện kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam tại Quảng Hòa, Cao Bằng, ngày 17/4/2021. Ảnh chụp bởi Phan Ngọc Việt - Cán bộ ACDC

Trong thời gian tới, thầy Đôn mong muốn “dự án trang bị thêm nhiều thiết bị dạy học, đa dạng hóa các đồ dùng, phương tiện, sách truyện” tại phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập của Trường Tiểu học Co Rào. Như vậy, thầy sẽ có nhiều học liệu để thiết kế những bài học sáng tạo, phong phú, tạo được sự hứng thú trong học tập cho Nhật, phù hợp với khả năng và nhu cầu của Nhật, để tiết dạy đạt hiệu quả cao hơn. 

Để công tác giáo dục hòa nhập thực sự hiệu quả và bền vững, công tác thực hiện cần được quan tâm và đưa vào các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch của ngành Giáo dục, và được lồng ghép trong các cuộc họp giao ban của ngành, theo dõi, giám sát và báo cáo định kỳ của ngành. 

Những điều tuy nhỏ bé, nhưng chứa đựng cả một hành trình bao vất vả, buồn vui của thầy Hoàng Văn Đôn nói riêng và của tập thể giáo viên Trường Tiểu học Co Rào và gia đình em Huy Nhật nói chung. Hy vọng rằng, sự nghiệp trồng người nơi vùng cao Tổ quốc sẽ ngày một phát triển, để KHÔNG MỘT AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU.
 


0 bình luận

Bình luận thêm